📞

Vụ tên lửa rơi ở Ba Lan: Đức yêu cầu điều tra kỹ lưỡng, đề xuất hỗ trợ tuần tra không phận Warsaw

Hạnh Lê 12:01 | 17/11/2022
Ngày 16/11, Đức khẳng định có thể điều máy bay chiến đấu hỗ trợ hoạt động tuần tra trên không phận Warsaw, sau khi một ngôi làng của Ba Lan gần biên giới Ukraine xảy ra một vụ rơi tên lửa.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz sau cuộc họp khẩn về tên lửa rơi ở Ba Lan tại Hội nghị G20 ở Bali (Indonesia). (Nguồn: Reuters)

Theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Đức Christian Thiels, Berlin đề xuất tăng cường kiểm soát và tuần tra trên bầu trời Ba Lan bằng máy bay chiến đấu Eurofighter của nước này. Ông Thiels tuyên bố: “Việc này có thể bắt đầu tiến hành ngay từ ngày mai, nếu Ba Lan muốn”.

Đồng thời, người phát ngôn cho biết, việc xuất kích có thể thực hiện từ các căn cứ không quân của Đức mà không cần phải chuyển máy bay sang Ba Lan. Ông Thiels cũng nhấn mạnh rằng các cuộc tuần tra sẽ được triển khai tại khu vực “không phận cụ thể”, được phía Ba Lan cho phép.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht cho biết, sẽ sớm trao đổi cụ thể với người đồng cấp Ba Lan về vấn đề này.

Hiện giới chức các bên đang nỗ lực để làm sáng tỏ trường hợp rơi tên lửa vào ngôi làng Przewodow của Ba Lan gần biên giới Ukraine, khiến 2 người thiệt mạng trong ngày 15/11.

Cùng ngày, Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định vụ rơi tên lửa tại Ba Lan cần được điều tra kỹ lưỡng trước khi rút ra kết luận cuối cùng.

Trong tuyên bố sau Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Bali, ông Scholz nhắc đến việc Mỹ đề xuất giúp đỡ Ba Lan trong quá trình điều tra vụ nổ là một dấu hiệu tích cực.

Cùng với các thành viên khác của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Thủ tướng Đức kêu gọi cần tiến hành một cuộc điều tra kỹ lưỡng về vụ việc. Trong khi Ukraine đổ lỗi cho Moscow, Tổng thống Mỹ Joe Biden lại nói rằng tên lửa khó có khả năng được bắn từ Nga.

Ngoài ra, hầu hết các thành viên G20 đều lên án mạnh mẽ xung đột Nga-Ukraine trong hai ngày diễn ra cuộc họp. Về phía Nga, Moscow chỉ trích Hội nghị thượng đỉnh lần này đã bị “chính trị hóa”.

Theo ông Olaf Scholz, hiện cần có giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột, đồng thời gợi ý Nga có những bước đi nhanh chóng và quyết đoán như dừng chiến dịch quân sự đặc biệt và bắt đầu đàm phán hòa bình.

(theo AFP/Reuters)