PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, chia sẻ với các học sinh. (Nguồn: dangcongsan.vn) |
Chương trình “Đối thoại tư vấn hướng nghiệp về khối ngành Công nghệ” do Báo Tuổi trẻ Thủ đô phối hợp với Trường Đại học Thành Đô, Đại học Thủ đô Hà Nội và các đơn vị tổ chức sáng ngày 13/4/2024 tại Trường THPT Lý Thường Kiệt, phường Thượng Thanh, quận Long Biên, Hà Nội.
Cần nhập nguyện vọng của mình lên hệ thống, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên
Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, năm 2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vẫn giữ ổn định quy chế tuyển sinh như hai mùa tuyển sinh gần nhất. Điều này tạo tâm lý ổn định và vững tâm cho thí sinh.
Tuy nhiên, các em cũng là lần đầu tiên ứng tuyển nên chắc chắn sẽ còn bỡ ngỡ. Một số điểm quan trọng thí sinh cần nắm vững, để tránh xảy ra sai sót không đáng có, ảnh hưởng đến cơ hội của các em khi ứng tuyển. Đó là, ở mùa tuyển sinh 2024, giống như năm trước, toàn bộ quy trình xét tuyển, từ đăng ký xét tuyển, đăng ký nguyện vọng, thay đổi nguyện vọng, nộp lệ phí tuyển sinh và xác nhận nhập học đều tiến hành trực tuyến. Đây là điểm các em cần lưu ý. Chúng ta có thể thực hiện những bước này ở bất kỳ đâu, với phương tiện là máy tính kết nối Internet. Các em không bỏ lỡ những cột mốc quan trọng, bởi toàn hệ thống không thể chờ đợi một vài thí sinh để quay ngược trở lại những khâu trước đó. Chính vì thế, phải bám sát quy trình này.
Một điểm nữa Bộ GD&ĐT cũng đặc biệt lưu ý thí sinh, đó là việc tham gia vào các phương thức xét tuyển sớm của các trường đại học. Các em cần nghiên cứu rất kỹ đề án tuyển sinh của trường đại học đã công bố trên website, để bám sát về hồ sơ, thủ tục, giấy tờ và các thời hạn, không được bỏ lỡ các thời hạn đó.
Khi các em được thông báo rằng đã trúng tuyển xét tuyển sớm thì vẫn chưa phải là trúng tuyển đại học. Bởi chúng ta chưa dự thi tốt nghiệp THPT, chưa tốt nghiệp THPT, do đó chưa trúng tuyển chính thức.
Bên cạnh đó, tất cả nguyện vọng của các em dù trúng tuyển sớm hay sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT đều phải đăng ký trên hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT. Điều này vô cùng quan trọng. Nếu không nhập các nguyện vọng của mình lên hệ thống, các em sẽ không được ghi nhận, không thể chính thức trúng tuyển và nhập học, dù đã trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm ở vài trường đi chăng nữa. Các em cần nhập nguyện vọng của mình lên hệ thống, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ nguyện vọng một là cao nhất, sau đó đến nguyện vọng tiếp theo.
“Hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT cho phép các em được đăng ký không giới hạn số nguyện vọng. Một chiến thuật chúng tôi thường khuyên thí sinh là các nguyện vọng yêu thích nhất, thấy bản thân có năng lực, sở trường và đam mê thì nên xếp phía trên. Điều này đảm bảo quyền lợi của thí sinh. Các em sẽ trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất, tốt nhất có thể trong tất cả nguyện vọng mà các em đủ điều kiện trúng tuyển” - PGS.TS Nguyễn Thu Thủy chia sẻ.
Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, các em không nhất thiết phải lựa chọn những nguyện vọng không yêu thích lên đầu, mà hãy ưu tiên cho những nguyện vọng mình thích. Chẳng hạn, các em đã trúng tuyển sớm tại một trường đại học, ngành học yêu thích rồi, nếu đặt nguyện vọng này làm nguyện vọng 1, em chắc chắn sẽ trúng tuyển.
Các trường nếu có sự thay đổi, điều chỉnh về thông tin tuyển sinh sẽ truyền thông để thí sinh nắm rõ. Còn trên phạm vi vĩ mô của toàn hệ thống sẽ giữ ổn định như vậy, với nguyên tắc đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho thí sinh. Phần vất vả sẽ thuộc về các thầy cô ở các trường và về Bộ GD&ĐT, còn các em sẽ được đảm bảo quyền lợi tối đa.
Chọn nghề như chọn bạn đời...
Chia sẻ tại chương trình, TS Nguyễn Thúy Vân, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Thành Đô gửi tới các em học sinh lời khuyên trong việc lựa chọn ngành nghề để vừa phù hợp với năng lực bản thân vừa đúng ngành nghề yêu thích.
“Đứng trước nhiều ngành nghề khối ngành công nghệ, vừa muốn trở thành doanh nhân, bác sĩ, vừa muốn là kỹ sư công nghệ thông tin, các em cần lựa chọn dựa trên một số yếu tố. Trước hết là phải dựa trên năng lực bản thân. Các em cần tự động kiểm tra về mặt kiến thức có đủ điều kiện để xét tuyển rồi sau đó tới nhu cầu tuyển dụng của xã hội hiện nay như thế nào? Nếu đã lựa chọn ngành nghề, nhưng hoàn cảnh gia đình không phù hợp thì cũng cần lưu ý”, TS Nguyễn Thuý Vân nhắn nhủ.
Các học sinh được trực tiếp tư vấn chọn ngành học tại gian hàng. |
Đưa ra lời khuyên để chọn ngành, nghề vừa phù hợp với các bạn trẻ, lại đúng với xu hướng phát triển của thời đại? TS Lê Đình Nam, Phó Trưởng ban Tuyển sinh - Hướng nghiệp Đại học Bách Khoa Hà Nội thông tin, ngành Công nghệ vi mạch và bán dẫn hiện nay rất được quan tâm của các phụ huynh và học sinh. Sang tuần tới, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng sẽ chủ trì 2 hội nghị liên quan đến lĩnh vực này được tổ chức tại Đại học Bách Khoa.
Tuy đây không phải ngành học mới nhưng nhu cầu nhân lực chất lượng cao rất phát triển trong giai đoạn hiện nay. Với định hướng phát triển của Chính phủ và sự đầu tư của nhiều công ty công nghệ lớn trong lĩnh vực bán dẫn vào Việt Nam như Samsung, Intel, Applied Micro, Vector Fabrication... nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này gia tăng rất mạnh.
Hiện Đại học Bách khoa Hà Nội có 2 chuyên ngành đào tạo trực tiếp và 7 ngành đào tạo gần về thiết kế, sản xuất, đóng gói và kiểm thử, hỗ trợ ứng dụng chip bán dẫn, đó là các ngành: Điện tử Viễn thông; Thiết kế vi mạch; Hệ thống nhúng; Điện/Tự động hóa; Cơ điện tử; Kỹ thuật máy tính/Khoa học máy tính; Vật lý kỹ thuật; Vật liệu/Vật liệu điện tử; Công nghệ Vi điện tử và nano.
Đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của ngành bán dẫn, năm 2023, Đại học Bách Khoa Hà Nội mở chuyên ngành Thiết kế vi mạch trong ngành đào tạo Kỹ thuật Điện tử Viễn thông, và ngành Kỹ thuật vi điện tử và Công nghệ nano. Các chương trình này sẽ tập trung vào cung cấp nhân lực chất lượng cao, chuyên gia, trong lĩnh vực thiết kế vi mạch và sản xuất - đóng gói - kiểm tra vi mạch.
Do đó, các bạn học sinh nếu muốn được lựa chọn đào tạo bài bản về những ngành nghề “hot” này thì cần có kiến thức nền tảng yêu cầu về các môn học Toán, Vật Lý và các kiến thức liên quan đến Tin học, Ngoại ngữ cũng hỗ trợ rất tốt cho ngành học. Cụ thể, các bạn học sinh khối A00, A01 sẽ đáp ứng tốt ngành nghề này.
Hướng nghiệp không đơn giản là chọn ngành, chọn nghề mà còn là chọn tương lai. Bên cạnh năng lực, sở trường, mong muốn của học sinh, sự định hướng của gia đình, sự tư vấn từ các chuyên gia giáo dục, doanh nghiệp và nhà tuyển dụng cũng rất quan trọng.
Cũng chia sẻ về các bước lựa chọn ngành nghề phù hợp, Ths Đặng Thị Ngọc Quyên, Trưởng phòng hợp tác, trường Đại học Anh quốc Việt Nam cho rằng, tìm một ngành học như tìm người bạn đời. Các bạn học sinh cần thực hiện các bước: Bước 1 - Hiểu mình, đó là hiểu về bản thân, có những điểm mạnh yếu như thế nào, điều kiện hoàn cảnh, vấn đề xung quanh mình; Bước 2 - Hiểu ngành, hiểu trường mà mình theo học trong tương lai như thế nào, chương trình dạy thế nào…; Bước thứ 3 - Trải nghiệm, gặp gỡ những người mình quan tâm, đến thực tế tham quan, tìm hiểu các trường dự kiến thi vào, các ngành nghề định chọn; Bước 4 - Ra quyết định, thu thập tất cả thông tin các bước trên, lập bảng kế hoạch và ra quyết định...
Cũng tại chương trình, nhiều câu hỏi, băn khoăn, thắc mắc của các em học sinh về chọn ngành, chọn nghề, hướng nghiệp tương lai đã được các chuyên gia chia sẻ, định hướng cụ thể,…
Đại học Waikato, New Zealand và các trường đại học của Việt Nam trao đổi thỏa thuận hợp tác trong giáo dục, đào tạo Sáng 10/3, tại Auckland, trong chương trình chuyến thăm chính thức New Zealand, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp GS. Neil Quigley, ... |
Chuyên gia giáo dục: Nếu không đổi mới theo hướng số hóa, các trường đại học dễ 'thua ngay trên sân nhà' Tiến sĩ Phạm Hiệp, Trưởng nhóm Nghiên cứu đổi mới giáo dục Reduvation, Trường Đại học Thành Đô chia sẻ, trong thời đại công nghệ, ... |
Bộ GD&ĐT đề nghị rà soát toàn bộ các trường liên kết giáo dục, đào tạo với nước ngoài Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa có công văn gửi các Sở GD&ĐT về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước ... |
Hà Nội giảm học phí từ năm học 2023-2024, quy định rõ các khoản thu và mức thu trong lĩnh vực giáo dục Ngày 29/3, tại Kỳ họp thứ 15 (Kỳ họp chuyên đề), HĐND TP. Hà Nội đã thông qua Nghị quyết quy định mức thu học ... |
Trường đại học đầu tiên công bố điểm chuẩn học bạ, mức trúng tuyển là bao nhiêu? Điểm trúng tuyển học bạ của trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP. Hồ Chí Minh (UEF) là 18, bằng với sàn xét ... |