📞

Vướng lùm xùm ở Mỹ, TikTok 'phản đòn', lộ 'gương mặt' hưởng lợi từ ứng dụng trăm tỷ USD

Linh Chi 11:48 | 09/05/2024
Tương lai của TikTok trở nên bất định hơn bao giờ hết. Ngày 7/5, công ty truyền thông xã hội chính thức kiện chính phủ Mỹ về một đạo luật buộc công ty mẹ ByteDance của Trung Quốc phải bán ứng dụng này, nếu không sẽ phải đối mặt với lệnh cấm quốc gia.
TikTok kiện Quốc hội Mỹ và cho rằng việc ByteDance bán ứng dụng này là không thể. (Nguồn: TweakTown)

Ngày 24/4, Tổng thống Mỹ ký thông qua luật buộc ByteDance thoái vốn khỏi TikTok trong vòng 9 tháng hoặc phải dừng hoạt động tại Mỹ, một ngày sau khi Quốc hội phê duyệt dự luật và chuyển tới Nhà Trắng.

Hạn chót để ByteDance thoái vốn là 19/1/2025, một ngày trước khi ông Biden kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống, nhưng có thể gia hạn ba tháng nếu đánh giá ByteDance đạt được tiến bộ.

TikTok đệ đơn kiện

Trong đơn kiện nộp hôm 7/5, TikTok cho biết, Quốc hội Mỹ đã "thực hiện bước đi chưa từng có là cấm TikTok một cách rõ ràng". Ứng dụng gọi động thái này là "vi hiến".

Đơn khiếu nại lập luận rằng, việc ByteDance bán TikTok là không thể và luật pháp sẽ "buộc (TikTok) đóng cửa" vào ngày 19/1/2025.

Đơn kiện của Tiktok viết: "Lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội đã ban hành một đạo luật nhắm đến một nền tảng ngôn luận duy nhất để cấm vĩnh viễn trên toàn quốc và cấm mọi người Mỹ tham gia vào một cộng đồng trực tuyến độc đáo với hơn 1 tỷ người trên toàn thế giới.

Lệnh cấm ở Mỹ sẽ không khả thi vì nó sẽ buộc ứng dụng phải chuyển 'hàng triệu dòng' mã phần mềm từ ByteDance sang chủ sở hữu mới. Bên cạnh đó, những hạn chế từ chính phủ Trung Quốc sẽ không cho phép bán TikTok kèm thuật toán.

Lệnh cấm sẽ biến phiên bản ứng dụng của họ ở Mỹ trở thành một 'hòn đảo' mang đến cho người Mỹ 'trải nghiệm tách rời' khỏi những người dùng còn lại trong khi làm suy yếu hoạt động kinh doanh của họ".

Khi Mỹ tìm cách cấm TikTok dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, công ty đã cân nhắc việc tách các hoạt động tại nền kinh tế lớn nhất thế giới và hợp tác với các công ty như Walmart, Microsoft và Oracle. Nhưng những thỏa thuận đó không bao giờ thành hiện thực.

Ứng dụng cũng cố gắng giành được sự ủng hộ của chính phủ bằng cách lưu trữ dữ liệu người dùng Mỹ trong các máy chủ của Oracle.

Hiện tại, TikTok đang yêu cầu tòa án đưa ra phán quyết kết luận luật của chính quyền ông Biden vi phạm Hiến pháp Mỹ. Họ cũng muốn có một lệnh ngăn chặn tổng chưởng lý thực thi luật pháp.

Từ lâu, các nhà lập pháp Mỹ đã lập luận rằng, quyền sở hữu nước ngoài của TikTok gây ra rủi ro an ninh quốc gia.

Cựu Tổng thống Donald Trump từng cố gắng cấm nền tảng này thông qua một lệnh hành pháp vào năm 2020. Nỗ lực đó đã thất bại nhưng vấn đề đã gây được tiếng vang khi mối lo ngại xoay quanh quyền lực ngày càng tăng của Trung Quốc trên toàn cầu.

Trước khi luật cấm được thông qua, TikTok đã chi hơn 2 tỷ USD cho một sáng kiến ​​mang tên “Dự án Texas” để bảo vệ tốt hơn dữ liệu người dùng ở nền kinh tế lớn nhất thế giới khỏi ảnh hưởng của nước ngoài.

Hiện tại, câu hỏi được đặt ra là: Liệu TikTok có thành công trong vụ kiện hay không? Đây là vấn đề của Tu chính án thứ nhất hay là mối lo ngại về an ninh quốc gia?

"Bán mình" hay tự rời đi?

Pennsylvania cho hay,

Các thuật toán của nền tảng được coi là "món nước sốt bí mật" tạo nên thành công mà hiện không có công ty mạng xã hội nào có được.

Theo giới chuyên gia, kịch bản TikTok "bán mình" ít khả năng xảy ra vì ByteDance vẫn đang rất nỗ lực đấu tranh pháp lý.

Bên cạnh đó, định giá của Tiktok có thể sẽ lên đến 150 tỷ USD nên khó tìm kiếm được người mua phù hợp. Vì vậy, khả năng cao hơn là ứng dụng này sẽ phải rời đi.

Với thị trường quảng cáo, theo công ty nghiên cứu eMarketer, TikTok dự kiến kiếm 8,66 tỷ USD doanh thu quảng cáo ở Mỹ năm nay. Dù quy mô này chỉ bằng một phần nhỏ so với Google và Meta nhưng TikTok đã khởi đầu cơn sốt video ngắn và thúc đẩy các đối thủ xây dựng tính năng tương tự.

Ai hưởng lợi?

Giới chuyên gia nhận thấy, nếu TikTok bị cấm tại Mỹ, các nền tảng khác có thể sẽ có cơ hội chia lại thị phần thương mại điện tử qua mạng xã hội.

Ông Tom Grant, chuyên gia nghiên cứu của công ty dữ liệu Apptopia cho biết, YouTube và Instagram đều cung cấp các tính năng video ngắn trong ứng dụng của họ và có thể sẽ là những người hưởng lợi lớn nhất sau lệnh cấm TikTok.

Hãng tin Reuters tiết lộ, Snap và Meta đang tìm cách tận dụng sự bất ổn của TikTok ở Mỹ để chiếm thị phần quảng cáo.

Bà Jasmine Enberg, chuyên gia phân tích của eMarketer cho hay: "Reel hiện là đối thủ trực tiếp của TikTok và hiện chiếm một nửa thời gian của người dùng Instagram. Instagram Reels có lợi ích từ việc cấm TikTok và Meta muốn đảm bảo có thể thu hút tất cả người dùng và doanh thu tiềm năng".

Phía Google cũng cho biết, định dạng video ngắn YouTube Shorts ngày càng được xem nhiều hơn.

Khảo sát của công ty dịch vụ tài chính Wedbush cho thấy, 60% người dùng TikTok có thể sẽ chuyển sang Instagram hoặc Facebook và 19% sang YouTube.

Không chỉ thế, các cá nhân, doanh nghiệp cũng rất quan tâm đến vấn đề của TikTok.

(theo CNBC, Reuters, Yahoo Finance)