Xin Đại sứ cho biết ý nghĩa của chuyến thăm đối với quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ? Những chủ đề chính dự kiến sẽ được hai bên thảo luận trong chuyến thăm này là gì?
Đây là chuyến thăm và cuộc gặp đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam với Tổng thống mới của Hoa Kỳ. Dự kiến lãnh đạo hai nước sẽ trao đổi và đề ra các biện pháp nhằm củng cố và tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước, cũng như hợp tác về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Hai nhà lãnh đạo cũng sẽ làm sâu sắc các nguyên tắc chỉ đạo quan hệ, trong đó có tôn trọng độc lập, chủ quyền và thể chế chính trị của nhau, bình đẳng, cùng có lợi.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ thăm chính thức Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng thống Donald Trump. |
Ngay từ đầu năm nay, lãnh đạo hai nước đã có nhiều cuộc trao đổi thư và điện đàm, bày tỏ mong muốn tiếp tục thúc đẩy đà quan hệ đã đạt được trong hơn 20 năm qua. Do đó, trong khuôn khổ chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hoá và hội nhập của Việt Nam, chuyến thăm sẽ góp phần đưa quan hệ Đối tác toàn diện ngày càng hiệu quả, thực chất, ổn định, lâu dài, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hoà bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới. Trong thư mời Thủ tướng Chính phủ và trong các thư trao đổi với lãnh đạo ta, Tổng thống Donald J. Trump đều bày tỏ coi trọng và mong muốn đẩy mạnh hơn nữa quan hệ đối tác với Việt Nam, cả về song phương, khu vực và quốc tế, đồng thời khẳng định sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao APEC tại Việt Nam vào cuối năm nay.
Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh. |
Đại sứ đánh giá như thế nào về quan hệ hợp tác giữa hai nước thời gian qua? Những lĩnh vực hợp tác trọng tâm là gì?
Trong hơn 20 năm qua, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1995, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã vượt qua nhiều trở ngại và có những bước phát triển mạnh mẽ, trở thành quan hệ Đối tác toàn diện trên các lĩnh vực. Đạt được điều này là xuất phát từ tinh thần gác lại quá khứ, hướng tới tương lai và dựa trên các nguyên tắc về tôn trọng độc lập, chủ quyền, thể chế chính trị của nhau, bình đẳng, cùng có lợi, vì lợi ích của hai nước, cũng như hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới.
Quan hệ hai nước ngày càng được tăng cường, mở rộng và đi vào chiều sâu trên các lĩnh vực, từ chính trị - ngoại giao, tới kinh tế, thương mại, cho tới quốc phòng – an ninh, khoa học – công nghệ, giáo dục – đào tạo, hợp tác nhân đạo, y tế, môi trường, khắc phục hậu quả chiến tranh. Hai bên tiếp tục thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao và các cấp; đã có nhiều thoả thuận về hợp tác khoa học – công nghệ, giáo dục… Hiện Việt Nam có trên 30 ngàn sinh viên theo học tại các trường đại học Hoa Kỳ, trong khi hàng năm có trên 500 ngàn người Mỹ đi du lịch Việt Nam. Hai nước cũng tăng cường hợp tác trên các diễn đàn khu vực và quốc tế như APEC, ARF, EAS, ADMM+…, cũng như các vấn đề khu vực cùng quan tâm, trong đó có về sức khoẻ toàn cầu, giảm nhẹ thiên tai, biến đổi khí hậu, đảm bảo duy trì tự do hàng hải, hàng không, giải quyết hoà bình các tranh chấp trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.
APEC là một trọng tâm ưu tiên đối ngoại của Việt Nam và khu vực trong năm 2017. Do đó, đây sẽ là chủ đề trong hợp tác giữa hai nước cùng các nền kinh tế thành viên, nhằm tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung, vì phát triển bền vững và thịnh vượng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Đáng chú ý, quan hệ kinh tế - thương mại đã và đang tiếp tục là trọng tâm và động lực cho sự phát triển quan hệ giữa hai nước. Hiện tại, thương mại hai chiều giữa hai nước đã đạt hơn 50 tỷ USD. Hai nước có nhiều tiềm năng và điều kiện bổ sung cho nhau. Hoa Kỳ là một thị trường lớn của Việt Nam và Việt Nam có thể tranh thủ nguồn vốn, khoa học – công nghệ, kỹ thuật, các sản phẩm chất lượng cao từ Hoa Kỳ. Trong khi đó, Việt Nam hiện là một trong những thị trường xuất khẩu phát triển nhanh nhất của Hoa Kỳ, nhập khẩu nhiều hàng hoá, dịch vụ có hàm lượng vốn cao từ Hoa Kỳ. Vừa qua, hai nước đã tái khởi động khuôn khổ đàm phán TIFA, nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư song phương theo hướng đôi bên cùng có lợi. Quá trình đổi mới tại Việt Nam, cùng với việc thực thi hiệu quả các cam kết của các hiệp định tự do thương mại đã ngày càng tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có đầu tư, hàng hoá, dịch vụ của Hoa Kỳ, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư, kinh doanh tại Hoa Kỳ.
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, hai bên còn những tồn tại gì cần khắc phục, thưa Đại sứ?
Tuy đã có những bước phát triển ấn tượng trên nhiều lĩnh vực, quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển, cả về song phương, khu vực và quốc tế.
Về kinh tế - thương mại, tiềm năng hợp tác vẫn còn rất lớn. Hoa Kỳ có tiềm năng trở thành bạn hàng lớn hơn nữa và nhà đầu tư hàng đầu của Việt Nam (hiện mới đứng thứ 7 với 11 tỷ USD). Trong khi đó, Việt Nam cũng cần vốn, khoa học – kỹ thuật và các sản phẩm chất lượng cao của Hoa Kỳ. Đây là những tiềm năng cần được tiếp tục khai thác hiệu quả, trên cơ sở hai bên cùng có lợi. Mặt khác, chúng ta cũng mong muốn phía Hoa Kỳ loại bỏ các rào cản thương mại như thuế, chống phá giá, công nhận quy chế kinh tế thị trường Việt Nam, nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho thương mại song phương.
Hai bên đã cam kết và cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh, nhất là trong các lĩnh vực tẩy độc các khu vực phơi nhiễm chất da cam/dioxin, trợ giúp người khuyết tật, rà phá bom mìn và tìm kiếm bộ đội Việt Nam mất tích trong chiến tranh.
Do khác biệt về chế độ chính trị - xã hội, hai bên còn có những vấn đề khác nhau về quan điểm như về dân chủ, nhân quyền. Hai nước đã nhất trí đối thoại thẳng thắn và cởi mở về vấn đề này nhằm thu hẹp sự khác biệt, xây dựng lòng tin, và tăng cường hiểu biết lẫn nhau. Vừa qua, hai bên đã tiến hành vòng đối thoại lần thứ 21 về nhân quyền, đạt kết quả tích cực.
Tháng 4 vừa qua, trong cuộc gặp với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson đã xác nhận Tổng thống Donald Trump sẽ tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng vào tháng 11 tới. Theo Đại sứ, điều này có ý nghĩa như thế nào đối với kết quả của Hội nghị APEC năm nay?
APEC là một trong những diễn đàn kinh tế khu vực quan trọng hàng đầu, đại diện cho 39% dân số thế giới, đóng góp 57% GDP và 49% thương mại toàn cầu, tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương phát triển năng động và quy tụ hầu hết các đối tác quan trọng hàng đầu, trong đó có Hoa Kỳ. Diễn đàn APEC và Hội nghị Cấp cao APEC 2017 sẽ nhằm trao đổi về thúc đẩy động lực phát triển và các cơ hội hợp tác trong khu vực.
Với vai trò chủ nhà APEC 2017, Việt Nam mong muốn hợp tác chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ cùng các nền kinh tế thành viên APEC, tạo động lực mới cho thịnh vượng chung ở khu vực, cũng như cho hợp tác khu vực về kinh tế, thương mại và đầu tư trên cơ sở ngày càng thuận lợi, tự do, công bằng, cùng có lợi. Hoa Kỳ, với tư cách là nền kinh tế lớn nhất thế giới, chắc chắn có vai trò và đóng góp quan trọng vào mục tiêu chung này của khu vực. Mặt khác, Hoa Kỳ cũng cần và có lợi ích trong hợp tác khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nơi chiếm tới 30% hàng hoá và dịch vụ, xuất khẩu của Hoa Kỳ.
Với tư cách là nước đăng cai APEC 2017, Việt Nam hoan nghênh và đánh giá cao việc Tổng thống Hoa Kỳ Donald J. Trump công bố quyết định sẽ tham dự Tuần lễ Cấp cao vào tháng 11/2017 và đã chuyển lời mời Tổng thống thăm Việt Nam trong dịp này.
Xin cảm ơn Đại sứ!