Trong một tuyên bố, ông Tillerson nhấn mạnh rằng bước đi tiếp theo mang tính hiệu quả đối với mỗi bên là "ngồi lại với nhau" để tiếp tục đàm phán.
Washington tin rằng, các đồng minh và đối tác của Mỹ sẽ mạnh hơn khi họ cùng nhau làm việc để hướng tới một mục tiêu mà tất cả các bên thống nhất là chấm dứt chủ nghĩa khủng bố cũng như chống lại chủ nghĩa cực đoan. Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng, việc hạn chế các cuộc "khẩu chiến" cũng sẽ giúp giảm căng thẳng, đồng thời cho biết Mỹ sẽ duy trì các cuộc tiếp xúc với tất cả các nước liên quan.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trong một cuộc họp báo ngày 21/6 tại Washington. (Nguồn: Reuters) |
Trước đó, liên minh các nước Ả rập do Saudi Arabia đứng đầu đã đưa ra một danh sách gồm 13 yêu cầu, trong đó có yêu cầu Qatar đóng cửa kênh Al-Jazeera, hạ cấp quan hệ ngoại giao với Iran, trục xuất tất cả thành viên Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), cắt đứt mọi hợp tác quân sự với Tehran và đóng cửa một căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại nước này.
Ngoài ra, danh sách này còn yêu cầu Qatar cắt mọi quan hệ với các "tổ chức khủng bố", trong đó có tổ chức Anh em Hồi giáo (MB), Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và phong trào Hezbollah ở Lebanon. Tuy nhiên, Qatar đã bác bỏ bản yêu sách nói trên vì cho rằng nó không hợp lý và vi phạm chủ quyền nước này.
Căng thẳng ngoại giao tại vùng Vịnh bùng phát ngày 5/6, sau khi Saudi Arabia, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), Bahrain cùng một số nước khác cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar vì cho rằng Doha ủng hộ khủng bố, can thiệp vào vấn đề nội bộ của các nước trong khu vực.
Qatar kịch liệt bác bỏ những cáo buộc trên, đồng thời cho rằng các nước láng giềng đang tìm cách can thiệp vào chính sách đối ngoại của Doha. Nhiều nước, trong đó có Kuwait, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đang tích cực tìm cách hòa giải nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng ngoại giao này.