📞

WB: Kiều hối đổ về Mỹ Latinh sẽ đạt 126 tỷ USD năm 2021

Minh Hòa 11:13 | 18/11/2021
Ngày 17/11, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo khu vực Mỹ Latinh sẽ tiếp nhận 126 tỷ USD kiều hối trong năm 2021, tăng 21,6% so với năm 2020 và trong số này, 52,7 tỷ USD (chiếm 42%) sẽ đổ về Mexico.
Top 10 nước nhận kiều hối hàng đầu trên thế giới năm 2020 theo thống kê của WB. (Nguồn: The World Economic Forum)

Theo WB, những tác động bất lợi của đại dịch Covid-19, thiệt hại do các cơn bão Grace và Ida, đà phục hồi của thị trường việc làm cùng với các chương trình hỗ trợ tài chính và xã hội, kiều hối đã góp phần làm tăng dòng chuyển tiền đến Mexico và khu vực Trung Mỹ.

Hiện kiều hối là nguồn thu ngoại tệ quan trọng của nhiều quốc gia trong khu vực, khi chiếm tới 20% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của El Salvado, Honduras, Jamaica và Guatemala.

WB cho biết chi phí trung bình gửi 200 USD đến khu vực là 5,5% trong quý I/2021, giảm 0,5 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi đó, với chi phí chuyển tiền chỉ khoảng 3,7%, Mexico tiếp tục duy trì là quốc gia tiếp nhận kiều hối có mức phí rẻ nhất trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).

WB đánh giá lượng kiều hối đổ về Mỹ Latinh duy trì đà tăng trưởng là nhờ nguồn kiều hối từ Mỹ. Những người di cư sinh sống và làm việc ở Mỹ (chiếm hơn 80% tổng số người di cư của các nước Mỹ Latinh) vẫn duy trì việc chuyển tiền về cho gia đình và người thân. Trong năm 2022, WB dự báo lượng kiều hối đổ về Mỹ Latinh sẽ tăng 4,4%, chủ yếu do triển vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ thấp hơn.

Bất chấp tác động của đại dịch Covid-19, lượng kiều hối đổ về khu vực Mỹ Latinh trong năm 2020 vẫn đạt 103 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019. Chuyên gia Dilip Ratha của WB đánh giá kiều hối đã không chịu tác động của khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra và nguồn tài chính này đã giúp cho tỷ lệ nghèo đói và tình trạng mất an ninh lương thực trong khu vực bớt trầm trọng hơn.

Mexico là một trong những quốc gia trong khu vực ghi nhận lượng kiều hối tăng mạnh tới 9,9% trong năm 2020, với 40,6 tỷ USD, đứng thứ 3 thế giới, sau Ấn Độ và Trung Quốc.

(Theo The World Economic Forum)