Một nhân viên y tế kiểm tra nhiệt độ của hành khách tại nhà ga Nam Kinh, Trung Quốc. (Nguồn: EPA) |
Trong báo cáo xuất bản vào cuối ngày 26/1 để đánh giá về nguy cơ toàn cầu của virus corona, WHO, tổ chức có trụ sở tại Geneva (Thụy Sỹ) cho biết, nguy cơ này đang ở mức “rất cao ở Trung Quốc, cao ở cấp độ khu vực và cao ở cấp độ toàn cầu”.
Trong ghi chú cuối thông báo, WHO giải thích đã đánh giá “sai” trong các báo cáo được đưa ra trước đó vào ngày 23, 24 và 25/1 khi cho rằng nguy cơ toàn cầu của virus corona chỉ ở mức “vừa phải”.
Người phát ngôn WHO Fadela Chaib cho biết, đây chỉ là “sai sót về từ ngữ”. Khi được hỏi về việc phân loại nguy cơ, WHO cho biết, đây là bản "đánh giá nguy cơ toàn cầu, tính đến mức độ nghiêm trọng, sự lây lan và khả năng ứng phó”.
Trước đó, ngày 23/1, WHO không tuyên bố bệnh viêm phổi do chủng virus corona mới gây ra là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu, một khái niệm hiếm hoi chỉ dùng cho những đợt bùng phát dịch nghiêm trọng nhất và cần có sự phối hợp hành động của toàn cầu.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 23/1 cho biết, dịch viêm phổi “là tình trạng khẩn cấp tại Trung Quốc, nhưng vẫn chưa trở thành tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu”.
Sự cẩn trọng của WHO xuất phát từ việc tổ chức này từng bị chỉ trích vì quá chậm chạp hoặc nóng vội trong việc ban bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu.
Khái niệm này lần đầu được sử dụng cho dịch cúm gia cầm H1N1 vào năm 2009. Khi đó, WHO bị chỉ trích vì khiến người dân đổ xô mua vắc xin vào thời điểm dịch bùng phát, nhưng hóa ra virus này không nguy hiểm như đánh giá ban đầu.
Tới năm 2014, WHO tiếp tục bị chỉ trích vì xem nhẹ mức độ nguy hiểm của dịch Ebola mặc dù dịch này đã càn quét 3 nước Tây Phi khiến 11.300 người thiệt mạng.