Tuyển nữ Việt Nam phòng ngự kiên cường trước lối chơi tấn công áp đảo của đương kim vô địch Mỹ (Ảnh: AP). |
Năm 1998, đội tuyển (ĐT) bóng đá nam Jamaica lần đầu giành vé dự World Cup. Khi đó, thành phần ĐT Jamaica chỉ có bảy cầu thủ thi đấu ở nước ngoài. Ở hiện tại, ĐT Jamaica đã có rất nhiều ngôi sao Ngoại hạng Anh như Bailey, Antonio, Gray… Thế nhưng, họ vẫn chưa có thêm lần nào góp mặt ở World Cup.
Cũng tại World Cup 1998, ĐT Nhật Bản lần đầu dự World Cup với 100% cầu thủ đang chơi bóng trong nước. Giải đấu trên đất Pháp cũng trở thành tiền đề để rất nhiều cầu thủ Nhật ‘Tây tiến’. Nhưng khác với Jamaica, nền bóng đá Nhật Bản nói chung và ĐT quốc gia nói riêng tiến bộ không ngừng. Họ thường xuyên góp mặt tại World Cup và có tới 4/7 lần lọt vào vòng knockout.
Với ĐT Việt Nam, việc góp mặt ở World Cup bóng đá nữ 2023 là một thành tựu lớn và đáng tự hào. Nhưng nhìn vào ‘hai con đường’ mà Jamaica và Nhật Bản đã đi theo, chúng ta có thể thấy rằng World Cup chỉ nên là cột mốc trên hành trình phát triển. Giải đấu này không phải (và cũng không thể) là thứ mở ra một chương mới hay thay đổi bộ mặt của nền bóng đá.
Bóng đá nữ Việt Nam vẫn còn vô vàn những khó khăn. ĐT nữ nhận được rất nhiều sự quan tâm từ khán giả, nhưng giải Vô địch quốc gia (VĐQG) nữ thì không. Giải bóng đá nữ VĐQG 2022 chỉ có tám CLB tham dự. Đa phần các CLB vẫn phụ thuộc vào ngân sách nhà nước. Số lượng khán giả đến sân thì chưa bằng một góc với các đồng nghiệp nam. “Để duy trì một CLB đã rất khó khăn, chứ chưa nói tới chuyện phát triển. Thế nên ta không nên quá kỳ vọng rằng điều đó sẽ thay đổi nhiều sau World Cup 2023”, Phó Chủ tịch VFF Trần Anh Tú thành thật chia sẻ.
Trước World Cup 2023, một số nguồn tin cho biết, Thanh Nhã đã nhận được lời đề nghị từ các CLB châu Âu, với khoản tiền lương 5.000 USD/tháng. Sau giải đấu, sẽ có thêm nhiều lời mời từ nước ngoài gửi đến các cầu thủ nữ khác.
Những gì mà Huỳnh Như làm được tại Bồ Đào Nha đã mở đường: Cầu thủ nữ Việt Nam hoàn toàn có thể thử sức ở nước ngoài nếu có sự chuẩn bị tốt và được tạo điều kiện đầy đủ. Chúng ta không dám chắc là 100% cầu thủ xuất ngoại sẽ thành công nhưng đó là cơ hội tốt mà World Cup mang lại. Những thương vụ như vậy cũng là chất xúc tác để có thêm nhiều người (và nhà tài trợ) quan tâm hơn tới bóng đá nữ.
Sau nỗ lực đáng tự hào, những người làm bóng đá nên đi tìm lời giải cho câu hỏi: chúng ta nên tận dụng cơ hội này ra sao để nâng tầm nền bóng đá, đồng thời giúp các cầu thủ có thêm nhiều cơ hội để phát triển sự nghiệp ở cả trong nước lẫn quốc tế.
Giải VĐQG là sân chơi để các cầu thủ cọ xát và phát triển. Nền tảng để ĐTQG phát triển vững mạnh chỉ có thể là một giải VĐQG được đầu tư bài bản và tổ chức chuyên nghiệp. Đó là con đường mà bóng đá Nhật Bản đã chọn sau France 98.