Diễn ra trong 4 ngày (từ 10 - 13/12), với sự tham dự của hơn 4.000 đại biểu đại diện 164 thành viên WTO và nhiều quan sát viên, Hội nghị Bộ trưởng Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) lần thứ 11 tại thủ đô Buenos Aires (Argentina) được kỳ vọng gửi đi thông điệp về tầm quan trọng của hệ thống thương mại quốc tế mở, đa phương, công bằng dựa trên các quy tắc rõ ràng, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang trỗi dậy. Tuy nhiên, những bất đồng có nguy cơ lại dẫn WTO đến bế tắc như vòng đàm phán Doha.
Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 11 tại thủ đô Buenos Aires (Argentina), từ ngày 10 - 13/12. (Nguồn: WTO) |
Khó tìm tiếng nói chung
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevedo khẳng định, WTO sẽ tiếp tục theo đuổi thương mại đa phương và kêu gọi các nước mềm dẻo hơn trong đàm phán những vấn đề trọng tâm của thương mại thế giới. Nhưng ông cũng phải thừa nhận rằng, bất đồng lớn trong đàm phán, cũng như xu hướng bảo hộ thương mại vẫn đang là mối đe dọa hiện hữu.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã bàn thảo phương hướng phát triển trong tương lai của WTO và loạt vấn đề về các lĩnh vực an ninh lương thực, nông - ngư nghiệp, dịch vụ, thương mại điện tử… và những nội dung còn bế tắc từ Vòng đàm phán tại Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ tư, năm 2001 ở Doha (Qatar)
Tuy nhiên, trên thực tế, theo Báo cáo nghiên cứu của Công ty Luật Gowling WLG (Anh) vừa công bố, thách thức lớn nhất của thương mại thế giới trong năm 2017 là làn sóng bảo hộ thương mại, trong đó có việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit; Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và thực hiện chính sách “Nước Mỹ trên hết”. Báo cáo cũng khẳng định, kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào năm 2008, 60 nền kinh tế lớn nhất thế giới đã áp đặt thêm hơn 7.000 biện pháp bảo hộ thương mại, trong đó Mỹ và EU đưa ra nhiều biện pháp nhất, với hơn 1.000 biện pháp cho mỗi nền kinh tế. Tiếp sau đó là Ấn Độ, Argentina, Nga và Nhật Bản.
Nhưng những vấn đề này dường như khó có thể tìm được điểm chung, khi không chỉ ngày đầu tiên, mà cả những ngày sau đó, Hội nghị vẫn “nóng” chỉ bởi những tranh cãi về hoạt động thương mại công bằng và bảo hộ thương mại.
Mất lòng tin
Hội nghị chưa kết thúc, nhưng giới phân tích cho rằng, khó có thể công bố được một thông cáo chung trong bối cảnh nền kinh tế số 1 thế giới nghi ngờ về khả năng của tổ chức quốc tế này. Và ngay chính WTO cũng đang bị quá tải về những tranh chấp thương mại giữa Trung Quốc và nhiều nước thành viên khác.
Ngay tại Hội nghị, Mỹ và Nhật Bản chỉ trích sự thiếu minh bạch trong hoạt động thương mại của một số thành viên WTO, đối tượng bị ám chỉ không ai khác ngoài Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc kêu gọi các thành viên WTO cần hợp tác và giữ nguyên các quy định của WTO để bảo vệ toàn cầu hóa. Pháp cũng tuyên bố nước này gắn bó với tiến trình đa phương hóa. EU tranh chấp với Trung Quốc về việc liệu Bắc Kinh có được công nhận là nền kinh tế thị trường hay không. Mỹ cố áp đặt mức thuế cao hoặc cấm nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc theo luật nước này hơn là tham gia các nỗ lực đa phương.
Đại diện Thương Mại Mỹ Robert Lighthizer là một trong những diễn giả được trông đợi nhất tại Hội nghị lần này. Tuy nhiên, ông đã làm không ít người hụt hẫng, khi không ngần ngại chỉ trích WTO đang đánh mất mục tiêu, khi có quá nhiều thành viên WTO tin rằng có thể nhượng bộ thông qua khiếu kiện, mà thiếu tập trung vào đàm phán thương mại.
Ông Lighthizer còn cho rằng, không thể duy trì tình trạng nhiều quy định chỉ được áp dụng với một vài nước, trong khi đó nhiều quốc gia khác lại được quyền ngoại lệ, vì là những nước đang phát triển. Phát biểu này được cho là nói đến Trung Quốc và Ấn Độ. Đại diện Thương Mại Mỹ cũng nhấn mạnh, không thể thương lượng về các quy định mới của WTO khi mà nhiều quy định hiện nay không được tuân thủ.
Khó hiện thực hóa TFA
Vai trò của Mỹ được xem là yếu tố tiên quyết bởi nước này từng dẫn dắt nỗ lực toàn cầu hướng đến tự do thương mại trong quá khứ. Nếu Mỹ quay lưng với WTO, dòng chảy thương mại tự do sẽ không thể ổn định. Trong đó, xu hướng gia tăng bảo hộ thương mại có thể thúc đẩy một cuộc chiến tranh thương mại mới, tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Bằng chứng mới nhất của nguy cơ này là việc Nhật Bản, Mỹ và EU đang cùng nhau gây sức ép với Trung Quốc về chính sách thương mại bị cho là đã bóp méo thị trường. Trong một tuyên bố chung không đề cập cụ thể đến Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào, Mỹ, EU và Nhật Bản cho biết họ sẽ làm việc trong WTO và các tổ chức đa phương khác để loại bỏ các điều kiện cạnh tranh không công bằng, liên quan đến các hoạt động trợ cấp, các doanh nghiệp nhà nước, việc chuyển giao công nghệ cưỡng ép...
Trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia thành viên WTO đang đối mặt với nguy cơ phải rời bỏ Thỏa thuận thương mại đa phương đầu tiên của WTO - Hiệp định Tạo thuận lợi cho thương mại (TFA - được thông qua ngày 14/7/2014 và chính thức có hiệu lực từ 22/2/2017), do không thể điều hòa lợi ích chung với lợi ích riêng. TFA dự kiến sẽ giúp chi phí thương mại toàn cầu giảm hơn 14% và thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu thêm 0,5 điểm phần trăm/năm.