Toàn cảnh tọa đàm về sách giáo khoa và câu chuyện xã hội hóa giáo dục. |
Tại tọa đàm trực tuyến sách giáo khoa (SGK) và câu chuyện xã hội hóa giáo dục do báo Đại biểu nhân dân tổ chức ngày 3/11, bà Nguyễn Thị Kim Thúy cho hay, Nghị quyết 88 của Quốc hội và luật Giáo dục quy định xã hội hóa việc biên soạn SGK là chủ trương đúng đắn, mang tính đột phá, chuyển từ cơ chế độc quyền sang cơ chế xã hội hóa. Đồng thời, nhằm khai thác, phát huy, sử dụng nguồn lực xã hội có hiệu quả và đáp ứng được yêu cầu của phát triển.
Tuy nhiên, bà Thúy chia sẻ, bà có cảm tưởng rằng xã hội hóa SGK như một tiếng kèn ngập ngừng. Bà Thúy nhấn mạnh: “Ngay năm đầu chuẩn bị thực hiện chương trình phổ thông mới, đã có nhiều ý kiến đề nghị chỉ nên có 1 bộ SGK. Thậm chí, cho đến nay, vẫn có những ý kiến trái chiều”.
Dù đưa ra quy định xã hội hoá việc biên soạn SGK nhưng đến giờ phút này chưa có chính sách khuyến khích gì kèm theo. Theo bà Thúy, việc SGK trở thành mặt hàng mà Nhà nước định giá cũng có thể có tác động tiêu cực đến việc thực hiện xã hội hóa SGK.
Ví dụ như SGK của môn học tiếng Anh có giá cao hơn hẳn so với giá sách của các môn học khác. Vì hầu hết sách của nhà xuất bản nước ngoài được một số nhà sách Việt Nam mua bản quyền rồi điều chỉnh nội dung cho phù hợp. Nếu định giá rẻ, chắc chắn chỉ có bộ SGK được biên soạn theo Đề án ngoại ngữ quốc gia có thể đáp ứng được. Còn các bộ SGK khác khó có thể bán theo giá đó.
Bà Thúy đặt vấn đề: “Như vậy liệu các nhà sản xuất có tiếp tục mua bản quyền và làm sách tiếng Anh nữa không?”.
Ông Phạm Ngọc Thưởng cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ tham mưu Nhà nước có những căn cứ xây dựng tiêu chuẩn, định mức giá trần, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các nhà xuất bản. |
Ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, kết quả của chủ trương xã hội hóa đến nay đã đạt được một số nội dung nhất định.
Thứ nhất, đó là xóa bỏ độc quyền về biên soạn, in ấn, phát hành SGK từ nhiều năm nay. Đến thời điểm này, chúng ta đã có 7 nhà xuất bản tham gia biên soạn, in ấn và phát hành SGK.
Bên cạnh đó, giúp giảm bớt gánh nặng trong đầu tư công của Nhà nước về lĩnh vực này.
Ông Thưởng nói: “Bởi trung bình chỉ tính riêng về biên soạn, 1 bộ SGK ước tính cần đến hơn 300 tỷ đồng. Nếu tính cả chi phí tập huấn, giáo viên và các chi phí khác nữa khoảng 400 tỷ đồng/bộ. Như vậy, 3 bộ SGK như hiện nay khoảng hơn 1.000 tỷ đồng”.
Ông Thưởng cho hay, theo luật Giá, hiện nay, SGK là mặt hàng kê khai giá. Các nhà xuất bản kê khai giá và Bộ Tài chính thẩm định, Bộ GD&ĐT có trách nhiệm phối hợp.
“Thời gian qua, chúng ta cũng tích cực kiểm soát và làm tốt công tác này. Qua các lần kê khai giá của các nhà xuất bản, so với các lần công bố đầu tiên, các bộ sách đều giảm giá từ 3-9%. Chúng ta phải thống nhất với nhau rằng, dù kê khai giá hay định giá thì đều là những hình thức quản lý của nhà nước (theo cách gián tiếp hay trực tiếp). Hiện nay, chúng ta có khoảng 17,5 triệu học sinh là đối tượng sử dụng trực tiếp mặt hàng hết sức đặc biệt này.
Qua nghiên cứu, Bộ GD&ĐT đã phối hợp Bộ Tài chính tham mưu đề xuất với Chỉnh phủ nghiên cứu để đưa mặt hàng SGK do Nhà nước định giá. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 63 quy định SGK là mặt hàng do Nhà nước định giá. Bộ trưởng Tài chính cũng đã trình dự thảo luật Giá sửa đổi này”, ông Thưởng nhấn mạnh.
Ông Thưởng cũng cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ tham mưu Nhà nước có những căn cứ xây dựng tiêu chuẩn, định mức giá trần, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các nhà xuất bản.
“Mục tiêu cao nhất là hướng tới học sinh. Song, chúng ta cũng tạo điều kiện để các nhà xuất bản tham gia nhằm tạo tính cạnh tranh, góp phần hạ thấp giá thành SGK nhưng vẫn đảm bảo chất lượng. Chúng tôi cũng sẽ tính tới cả những sách có tính đặc thù, như sách Tiếng Anh phải mua bản quyền... Làm sao định giá nhưng không làm mất đi động lực của các nhà xuất bản trong biên soạn và phát hành SGK”, ông Thưởng nói.
Tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục bổ sung thêm những nội dung này để hoàn thiện cơ chế, chính sách.
Bà Thúy cho rằng cần kiên định chủ trương xã hội hóa việc biên soạn SGK. Song cũng cần nghiên cứu kỹ việc Nhà nước định giá sách, để làm sao có giải pháp hài hòa, phù hợp, không ảnh hưởng đến việc xã hội hóa, chống độc quyền.
Theo bà Thúy, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, mấy năm qua có nhiều doanh nghiệp nhà nước và tư nhân đã tham gia biên soạn, xuất bản SGK. Để hài hòa các yêu cầu, có thể xem xét 2 phương án điều chỉnh việc định giá đối với SGK.
Phương án thứ nhất, chỉ định giá với SGK do doanh nghiệp nhà nước sản xuất.
Bà Thúy nói: “Theo lẽ thông thường, người ta chỉ có thể định giá tài sản thuộc sở hữu của mình, hoặc là mặt hàng do mình sản xuất ra. Vì vậy, nếu định giá, Nhà nước chỉ có thể định giá đối với SGK của doanh nghiệp nhà nước. Quy định như vậy cũng không lo SGK của doanh nghiệp tư nhân sẽ có giá cao hơn. Bởi một mặt SGK của các doanh nghiệp này vẫn thuộc diện kê khai giá; mặt khác, các doanh nghiệp này cũng phải tham chiếu giá SGK của doanh nghiệp nhà nước để có tính cạnh tranh”.
Còn phương án thứ hai, trong luật sẽ chỉ quy định các mặt hàng được định giá, trong đó có SGK, rồi giao cho Chính phủ quy định khung giá phù hợp với từng thời kỳ, trong đó quy định giá tối đa để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, quy định giá tối thiểu để bảo đảm tính cạnh tranh lành mạnh.
Bà Thúy nhấn mạnh: “Quy định này sẽ nhất quán với điều 11 của luật Giá hiện hành, đó là tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh có quyền tự định giá hàng hóa dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh, trừ hàng hóa dịch vụ thuộc danh mục do Nhà nước định giá và quyết định được giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất kinh doanh, mà Nhà nước quy định khung giá, giá tối đa, giá tối thiểu”.
| Cập nhật mới nhất lịch nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão của các trường đại học ở TP. Hồ Chí Minh Nhiều trường đại học ở TP. Hồ Chí Minh đã công bố lịch nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. |
| Nghịch lý thừa, thiếu giáo viên Trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực ... |
| Học phí năm học 2022-2023 sẽ được điều chỉnh thế nào? Dự kiến, học phí của các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập đối với cơ sở giáo dục chưa tự bảo ... |
| Sách giáo khoa lần đầu được đưa vào diện Nhà nước định giá, kiểm soát giá Điểm mới ở dự thảo Luật Giá (sửa đổi) này là sách giáo khoa được lần đầu đưa vào diện Nhà nước định giá, kiểm ... |
| Nhiều giáo viên chuyển việc do lương và phụ cấp thấp, chi phí thiết yếu cuộc sống cao Hiện nay, giáo viên công tác trong 5 năm đầu có thu nhập bình quân từ lương và phụ cấp khoảng 6 triệu đồng/tháng. Trong ... |