📞

Xây cơ sở hạ tầng mạnh để thu hút đầu tư lớn

13:00 | 08/10/2016
Một trong những yếu tố quan trọng trong thu hút đầu tư ở Quảng Ninh chính là cơ sở hạ tầng tốt.

Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2016, tỉnh Quảng Ninh đã cấp mới và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho 39 dự án với tổng mức đầu tư 26.672 tỷ đồng, tương đương với 1,19 tỷ USD, bằng 86,8% cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng cao so với cùng kỳ.

26.600 tỷ đồng đầu tư mới

Thời gian gần đây, tỉnh Quảng Ninh được cho là đã tạo nên những đột phá mạnh mẽ trong thu hút FDI, với nguồn vốn đến từ trên 20 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trên địa bàn tỉnh hiện có 117 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 5,5 tỷ USD. Riêng 9 tháng đầu năm, thu hút vốn FDI tăng mạnh với 18 dự án có tổng vốn là 526,61 triệu USD gấp 13 lần cùng kỳ năm 2015 (40,35 triệu USD). Tuy nhiên, nếu nhìn vào tổng vốn đầu tư rót vào Quảng Ninh trong thời gian qua, vốn từ các chủ đầu tư trong nước cũng đánh dấu một năm đầy ấn tượng với 21 dự án trong nước được cấp mới, điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư cùng số vốn đạt gần 15.000 tỷ đồng.

Cảng hàng không Quảng Ninh trong tương lai. (Nguồn: BQN)

Một số dự án FDI có tổng mức đầu tư lớn như Dự án Đầu tư Nhà máy nhuộm, dệt may của Công ty TNHH Heng Xing Ya Tai (77,41 triệu USD), Dự án Nhà máy sản xuất khăn mặt, khăn tắm cao cấp và các sản phẩm liên quan của Công ty TNHH Đại Đồng Việt Nam thuộc Tập đoàn AZ Nhật Bản (50 triệu USD)... Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ vừa chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án phát triển tổ hợp cảng biển và khu công nghiệp tại khu vực Đầm Nhà Mạc, thị xã Quảng Yên do Công ty TNHH Tập đoàn Quốc tế CDC (Cayman); Middle Utilities Company Pte. Ltd (Singapore) và Infra Asia Investment Limited (Hong Kong) với tổng mức đầu tư là 6.940 tỷ đồng.

Các dự án đầu tư trong nước cũng có tổng vốn đầu tư không hề kém cạnh, tiêu biểu như: Dự án Nuôi tôm thương phẩm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính của Công ty CP Thủy sản Việt Australia (500 tỷ đồng); Bến cảng đa năng giai đoạn 1 tại đảo Hòn Miều, Khu công nghiệp – Cảng biển Hải Hà huyện Hải Hà của Xí nghiệp cơ khí Quang Trung (1.033 tỷ đồng); Dự án Bệnh viện Đa khoa Cẩm Phả (800 tỷ đồng); Dự án quần thể Trung tâm hội nghị Khu dịch vụ, Du lịch nghỉ dưỡng, biệt thự nghỉ dưỡng tại khu vực cột 3 - cột 8 thành phố Hạ Long của Công ty cổ phần tập đoàn FLC (2.479 tỷ đồng)…

Điểm đặc biệt ở cả dự án FDI hay do các doanh nghiệp nội đầu tư, hàm lượng khoa học công nghệ và giá trị, quy mô từng dự án đều đã được nâng cao. Trong đó, nhiều dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và đóng góp vào ngân sách tỉnh.

Đẩy nhanh tiến độ các dự án “nền tảng”

Kết cấu hạ tầng hạn chế, nhất là hạ tầng giao thông được xác định là một trong những nguyên nhân tạo nên những rào cản vô hình trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và thu hút vốn đầu tư vào Quảng Ninh.ÐĐể tháo gỡ những rào cản này, tỉnh đã và đang tích cực triển khai thu hút mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư tốt cơ sở hạ tầng, các tuyến đường giao thông huyết mạch, các tuyến đường ra cửa khẩu, biên giới, các khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh kiểm tra tiến độ thi công dự án Cảng hàng không Quảng Ninh.(Nguồn: BQN)

Quảng Ninh hiện là tỉnh tiên phong trong việc ứng nguồn ngân sách của tỉnh để cải tạo, nâng cấp QL18A, xây dựng đường cao tốc và cũng là tỉnh đầu tiên được Trung ương giao làm chủ đầu tư xây dựng các tuyến đường cao tốc. Tỉnh đã hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp các tuyến đường như QL18A đoạn Uông Bí - Hạ Long, QL18C đoạn Tiên Yên - Hoành Mô, đường tỉnh 340 lên cửa khẩu Bắc Phong Sinh; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm: đường giao thông trục chính nối các khu chức năng KKT VânÐĐồn, đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng…; tập trung nguồn lực và kêu gọi đầu tư BOT để triển khai các dự án lớn như Cảng hàng không Quảng Ninh, đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn... Quảng Ninh cũng đã trở thành trung tâm sản xuất nhiệt điện lớn của cả nước và là tỉnh đầu tiên đưa điện lưới quốc gia đến tất cả các thôn, khu, khe bản trên đất liền và các xã đảo.

Trong đó, điển hình có KKT Vân Đồn - một trong các KKT ven biển Việt Nam được quy hoạch phát triển đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030. Đây là KKT nằm trong vùng biển đảo tiêu biểu của Quảng Ninh và khu vực phía Bắc của Tổ quốc. Hiện trên địa bàn KKT có rất nhiều dự án trọng điểm, mang tính động lực đang được triển khai, trong đó có Dự án Cảng hàng không Quảng Ninh với tổng mức đầu tư 7.400 tỷ đồng, theo hình thức BOT. Để đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án trong năm 2018, thời gian qua các ngành chức năng của huyện đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân hiểu và đồng thuận về chính sách đền bù, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để phục vụ dự án. Dự án đang đi đúng tiến độ, “hình hài” KKT Vân Đồn đang dần hiện rõ, để trở thành điểm nhấn, động lực phát triển kinh tế của tỉnh và cả nước. 

Những kết quả trên đã tác động tích cực đến môi trường đầu tư, kinh doanh của Quảng Ninh, được giới doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá cao và lựa chọn là điểm đến tin cậy.