📞
Đối thoại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long:

Xây dựng hệ thống lương thực, thực phẩm Việt Nam minh bạch, trách nhiệm, bền vững

Việt An 14:51 | 02/07/2021
Đối thoại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long với chủ đề: “Quan hệ hợp tác trong sản xuất và thương mại hướng tới xây dựng hệ thống lương thực, thực phẩm Việt Nam minh bạch - trách nhiệm - bền vững” được tổ chức ngày 2/7.
Toàn cảnh buổi đối thoại với chủ đề: “Quan hệ hợp tác trong sản xuất và thương mại hướng tới xây dựng hệ thống lương thực, thực phẩm Việt Nam minh bạch - trách nhiệm - bền vững”. (Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô)

Buổi đối thoại do Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn (KTHT-PTNT), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) và Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế) tổ chức.

Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện đối thoại cấp quốc gia và khu vực để Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh về hệ thống lương thực, thực phẩm của Liên hợp quốc diễn ra vào tháng 9/2021.

Mục đích của đối thoại là tạo điều kiện cho các bên liên quan chia sẻ và đóng góp ý kiến về thực trạng, phương hướng, giải pháp và sáng kiến nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các tác nhân trong hệ thống lương thực thực phẩm, góp phần xây dựng hệ thống lương thực, thực phẩm (LTTP) bền vững và bao trùm của Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng và của Việt Nam nói chung.

Tham dự buổi Đối thoại có các đại biểu đại diện cho các bên liên quan, bao gồm các bộ ngành, 13 tỉnh thành thuộc khu vực ĐBSCL, một số tỉnh thành đại diện cho các vùng miền trên cả nước; Hội Nông dân, Hiệp hội Doanh nghiệp và các Hội đoàn đại diện cho các tác nhân trong hệ thống LTTP; viện nghiên cứu, trường đại học, khu vực tư nhân, các đối tác phát triển và tổ chức phi chính phủ.

Ông Lê Đức Thịnh, Cục Trưởng Cục KTHT-PTNN; ông Nguyễn Song Hà, Trợ lý Trưởng Đại diện tổ chức FAO tại Việt Nam và bà Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia đồng chủ trì buổi Đối thoại.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Đức Thịnh cho hay: ĐBSCL là một trong những vùng sản xuất, chế biến và cung ứng LTTP chiến lược của cả nước, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Bên cạnh đó ĐBSCL cũng đối mặt với những thách thức nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, thiên tai, khai thác cạn kiệt tài nguyên (đất, nước và hệ sinh vật), thiếu gắn kết trong sản xuất, thương mại, và kể cả quan hệ quốc tế trong quản lý lưu vực.

Quan hệ giữa các tác nhân trong hệ thống LTTP ở ĐBSCL phản ánh toàn diện bức tranh về quan hệ sản xuất, tiêu dùng và thương mại của cả nước. Củng cố và và xây dựng mối quan hệ liên kết hợp tác minh bạch, hiệu quả giữa các tác nhân vừa là nền móng, vừa là trụ cột để xây dựng hệ thống LTTP bền vững trên mọi phương diện.

Theo ông Nguyễn Song Hà, hệ thống LTTP là trụ cột của trong chương trình chiến lược của FAO trong giai đoạn 5 năm tới.

Những nỗ lực của FAO sẽ hướng tới hỗ trợ các quốc gia thành viên đạt được các mục tiêu: sản xuất tốt hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường tốt hơn và cuộc sống tốt hơn. FAO sẽ đồng hành cùng Việt Nam trong những năm tới thông qua các chương trình hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn chính sách giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu xây dựng một hệ thống LTPP bền vững và bao trùm".

Hội nghị thượng đỉnh năm 2021 của Liên hợp quốc nhằm định hướng cho hệ thống LTTP được phát triển bền vững hơn, toàn diện hơn và có khả năng chống chịu tốt hơn, tạo ra tác động đa chiều để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) vào năm 2030.

Hội nghị tập trung vào 5 mục tiêu hành động bao gồm: Đảm bảo quyền tiếp cận lương thực thực phẩm an toàn và cân bằng dinh dưỡng cho mọi người; Chuyển đổi xu thế tiêu dùng theo hướng lành mạnh và bền vững; Thúc đẩy sản xuất thân thiện với môi trường; Tăng cường bình đẳng trong chia sẻ giá trị và sinh kế; Xây dựng khả năng chống chịu trước các tổn thương và cú sốc.