Hệ thống núi lửa đã tắt tạo nên một "công viên núi lửa" đẹp tuyệt vời nối từ bờ ra tận biển. (Ảnh: Trần Mai/TTO) |
Theo đó, tỉnh Quảng Ngãi vừa thành lập Ban chỉ đạo xây dựng và phát triển công viên địa chất Lý Sơn - Bình Châu và vùng phụ cận của tỉnh Quảng Ngãi.
Ban chỉ đạo gồm 28 thành viên do Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Lê Quang Thích làm trưởng ban. Thành viên là lãnh đạo các sở, ngành trong tỉnh.
Ban chỉ đạo có nhiệm vụ xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch bảo tồn, phát huy, phát triển công viên địa chất trình cấp thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện; huy động sự hợp tác giữa các cơ quan công quyền với cộng đồng địa phương, các tổ chức tư nhân, các cơ quan nghiên cứu, giáo dục trong việc thiết kế chính sách và vận hành công viên địa chất; tổ chức điều tra thực tế, hội thảo khoa học quốc tế, vạch tiến độ, biên soạn tài liệu bồi dưỡng, xây dựng hồ sơ khung; lập Hồ sơ trình UNESCO công nhận công viên địa chất toàn cầu đối với công viên địa chất của tỉnh Quảng Ngãi; cung cấp, tổ chức hỗ trợ các phương tiện và các hoạt động để truyền đạt kiến thức, khái niệm về khoa học địa chất, môi trường, lịch sử văn hóa; xây dựng, triển khai thực hiện chiến lược truyền thông đối với công viên địa chất.
Hiện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi đang khẩn trương chuẩn bị hồ sơ trình UBND tỉnh công nhận công viên địa chất cấp tỉnh, tạo cơ sở pháp lý ban đầu để tiếp tục trình công nhận cấp quốc gia và tiến tới toàn cầu.
Trước đó, đoàn chuyên gia, nhà khoa học gồm năm chuyên gia nước ngoài, cũng là thành viên của Hội đồng Di sản thế giới thuộc UNESCO, cùng với 13 chuyên gia trong nước về văn hóa, địa chất đã có cuộc khảo sát ba ngày đêm tại đảo Lý Sơn và Bình Châu (Quảng Ngãi) từ 31/3 đến 3/4.
Sau khảo sát cụ thể, các chuyên gia đều cho rằng, vùng địa chất tại các địa phương này rất có giá trị, cần phải chăm sóc đặc biệt. Vì vậy, Lý Sơn, Bình Châu và các cùng phụ cận có khả năng trở thành công viên địa chất toàn cầu.
Ngoài khu vực đảo Lý Sơn, Bình Châu, vùng đất liền của Quảng Ngãi cũng được các chuyên gia đánh giá là vùng địa chất có sự đa dạng, phong phú hiếm có. Các vùng này nên được xem là vùng phụ cận của công viên địa chất toàn cầu khi đã hoàn thành.