📞
VẤN ĐỀ BẠN ĐỌC QUAN TÂM:

Xây dựng luật ở Quốc hội: Người soạn luật nên tránh nhân nhượng, chỉ chú ý 'sân quản lý' của mình

TS. Hoàng Ngọc Vinh 06:30 | 25/11/2020
TGVN. Vì sao một số luật mau cũ? Luật vừa ban hành xong có khi chưa dùng đã phải sửa hoặc vừa triển khai đã thấy những điểm bất cập? Muốn xây dựng luật có chất lượng rất cần văn hóa hợp tác và tinh thần phản biện nghiêm túc.
TS. Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, muốn xây dựng luật có chất lượng, những người soạn thảo luật tránh chỉ chú ý đến “sân quản lý” của mình.

Vì sao một số luật mau cũ? Luật vừa ban hành xong có khi chưa dùng đã phải sửa hoặc vừa triển khai đã thấy những điểm bất cập cho thấy chất lượng soạn thảo và ban hành luật còn nhiều hạn chế.

Điều đó ảnh hưởng đến việc thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, có thể tạo ra những lãng phí trong quá trình xây dựng, bàn thảo và thực hiện. Thực trạng này có thể do một số nguyên nhân.

Từ câu chuyện năng lực...

Trước hết, về hạn chế của năng lực đội ngũ soạn thảo luật. Những người tham gia soạn thảo cần hiểu biết sâu sắc Hiến pháp, đường lối của Đảng. Đồng thời, họ phải có tri thức khoa học mang tính liên ngành, do một luật ra đời thường tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, phản ánh quy định điều chỉnh mối quan hệ trong xã hội.

Những người soạn thảo cũng rất cần có năng lực tư duy hệ thống, logic, biện chứng, có kỹ năng lắng nghe, khả năng diễn đạt bằng tiếng Việt. Cùng với đó, họ phải hiểu biết sâu về nghiên cứu lĩnh vực luật so sánh, kỹ năng truyền thông, đàm phán, thuyết phục...

Nguyên nhân có thể do những người soạn thảo luật thường chỉ chú ý đến “sân quản lý” của mình mà không quan tâm nhiều đến lĩnh vực khác.

Những thay đổi không ngừng trong xã hội nếu không lường trước, ảnh hưởng đến việc đưa luật vào cuộc sống. Nhất là ở nước ta trong bối cảnh phát triển, lại chịu tác động của toàn cầu hóa, tiến bộ khoa học công nghệ, luật pháp, môi trường... đã ảnh hưởng không ít đến cuộc sống xã hội. Tốc độ thay đổi càng nhanh, luật càng chi tiết thì càng mau chóng bất cập nếu quy định càng chi tiết. Nhiều khi thực tiễn đi rất nhanh, vượt qua cả những quy định, cơ chế hiện hành.

Ví dụ, cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 đang diễn ra sẽ làm thay đổi mọi mặt của đời sống, các mối quan hệ xã hội cần được điều chỉnh và quá trình xây dựng luật cũng khó tránh khỏi ảnh hưởng. Ngay trong lĩnh vực giáo dục, những công cụ giáo dục truyền thống có thể sẽ bị thay thế bởi những phương thức số hóa, luật giáo dục phải chú ý đến tác động công nghệ Internet nói riêng và các công nghệ khác.

Nguyên nhân nữa có thể do những người soạn thảo luật thường chỉ chú ý đến “sân quản lý” của mình mà không quan tâm nhiều đến lĩnh vực khác.

... đến văn hóa hợp tác và tinh thần phản biện

Muốn xây dựng một luật có chất lượng rất cần văn hóa hợp tác và tinh thần phản biện nghiêm túc. Chính phủ thường giao cho một Bộ ngành chủ trì xây dựng luật và sẽ trình dự thảo luật để Quốc hội bàn thảo và thông qua sau khi nhận các ý kiến góp ý của xã hội cũng như các thành viên Chính phủ. Quốc hội còn có một Ủy ban chuyên môn làm đầu mối phối hợp thẩm định và phản biện. Thường ở ta, các bộ ngành có phần nể nhau, ít có sự góp ý thẳng thắn.

Để luật sớm đi vào cuộc sống, tiết kiệm kinh phí, thời gian và nhân lực trong quá trình xây dựng luật, rất cần một đội ngũ công chức chuyên nghiệp của cơ quan được giao soạn thảo luật.

Vì thế, văn bản góp ý gửi Chính phủ trong một số trường hợp không thật chu toàn. Nếu góp ý cẩn thận thì chất lượng dự thảo luật tốt hơn nhiều và đỡ mất thời gian của Quốc hội thảo luận thông qua. Mặt khác, các Ủy ban của Quốc hội khi được giao thẩm định các luật cần tránh "nhân nhượng", vị nể để đảm bảo chất lượng và “tuổi thọ” của luật.

Một số văn bản luật thiếu nghiên cứu đánh giá, tác động chính sách pháp luật một cách khách quan. Đây là yêu cầu bắt buộc nhưng nhiều khi bổ sung hoặc sửa đổi điều khoản nào đó lại vắng đi các kết quả nghiên cứu đánh giá tác động một cách khách quan, có cơ sở khoa học... Do vậy, khó lường hết được những vấn đề có thể xuất hiện trong tương lai. Vì mang vào văn bản luật những suy nghĩ cảm tính, thiếu cơ sở thực tiễn nên luật sẽ kém hiệu lực và mất thời gian dài mới soạn thảo ban hành xong văn bản dưới luật.

Cần những công chức chuyên nghiệp

Thêm vào đó, chúng ta dường như thiếu một đội ngũ cố vấn, chuyên gia thường xuyên hỗ trợ các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hiệu quả. Chúng ta không thể yêu cầu tất cả ĐBQH đều có khả năng hiểu biết quá trình cũng như năng lực xây dựng luật. Một kỳ họp phải thông qua quá nhiều luật và phải đọc rất nhiều tài liệu khác khiến các ĐBQH có thể trở nên quá tải. Vì thế, rất cần có đội ngũ chuyên gia rành về luật chuyên ngành hỗ trợ thì quá trình trao đổi và thông qua đỡ mất thời gian của Quốc hội, đồng thời chất lượng cũng tốt hơn.

Như vậy, để luật sớm đi vào cuộc sống, tiết kiệm kinh phí, thời gian và nhân lực trong quá trình xây dựng luật, rất cần một đội ngũ công chức chuyên nghiệp của cơ quan được giao soạn thảo luật. Những người này phải công tâm, lấy lợi ích của cộng đồng làm trọng, cần có tầm nhìn xa hơn để có cách tiếp cận xây dựng luật khung hay luật chi tiết.