Toàn cảnh Diễn đàn "Đảm bảo an ninh năng lượng để phát triển kinh tế bền vững tại Việt Nam'". (Ảnh: Thanh Chân) |
Diễn đàn nhằm đưa ra góc nhìn tổng quan và dự báo các kịch bản biến động năng lượng trên thế giới, đồng thời phân tích, làm rõ tác động của khủng hoảng năng lượng đến tăng trưởng toàn cầu và có thể dẫn đến suy thoái kinh tế.
Tham dự Diễn đàn có gần 200 đại biểu đến từ các Bộ, Ban ngành; các Hội và Hiệp hội; các tổ chức trong nước và quốc tế; các trung tâm, viện nghiên cứu và các trường đại học; các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và tư nhân; các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương;...
Theo PGS.TS Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, hiện nay, thế giới đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu diễn ra vào thời điểm đầy thách thức đối với các quốc gia, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi sau đại dịch.
Những nguyên nhân chính dẫn tới cuộc khủng hoảng năng lượng trên thế giới có thể được kế đến bao gồm: Thứ nhất, nhu cầu năng lượng thế giới phục hồi mạnh thời kỳ hậu Covid-19, đặc biệt là từ Trung Quốc. Thứ hai, sự phụ thuộc ngày càng tăng của châu Âu vào nguồn năng lượng khí tự nhiên. Thứ ba, tác động cung cầu năng lượng đẩy giá khí đốt và giá than tăng kỷ lục, khiến giá điện tăng mạnh. Thứ tư, tác động của cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine dự kiến sẽ có ảnh hưởng lên nhu cầu năng lượng trong dài hạn, và đẩy nhanh quá trình chuyển dịch sang năng lượng tái tạo và ít carbon của toàn thế giới, điều này cũng gây sức ép lên cung cầu năng lượng.
Tin liên quan |
Pháp sẽ tích cực hỗ trợ Việt Nam trong phát triển năng lượng tái tạo |
Hướng đi tất yếu
Tại Việt Nam, mặc dù quá trình chuyển dịch năng lượng đã và đang đạt được những thành tựu đáng kể, giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu, đa dạng hoá các nguồn năng lượng sơ cấp, song những ảnh hưởng tiêu cực của khủng hoảng năng lượng toàn cầu tới Việt Nam là không thể tránh khỏi.
Xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhu cầu sử dụng năng lượng của Việt Nam không ngừng gia tăng, trong khi nguồn cung ngày càng cạn kiệt. Do vậy, phát triển năng lượng tái tạo là hướng đi tất yếu nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, phù hợp với cam kết của Việt Nam tại COP 26. Tuy nhiên quá trình đầu tư và thực hiện các dự án năng lượng tái tạo, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều vướng mắc.
Các thống kê cho thấy, Việt Nam là một nước có nguồn năng lượng tương đối đa dạng. Tuy vậy, nước ta vẫn còn là một nước có mức sản xuất và tiêu thụ năng lượng tính theo đầu người thấp. Bên cạnh đó, đứng trước yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhu cầu sử dụng năng lượng của Việt Nam không ngừng gia tăng, trong khi nguồn cung năng lượng ngày càng cạn kiệt. Do vậy, Việt Nam cần có lộ trình cụ thể trong xây dựng mô hình năng lượng sạch trong tương lai.
“Việt Nam có nhiều tiềm năng năng lượng tái tạo (năng lượng xanh) lớn, đặc biệt là năng lượng gió và năng lượng mặt trời nên có đủ khả năng sử dụng trong quá trình chuyển đổi để phát điện, từng bước giảm điện năng sản xuất bằng nhiên liệu hóa thạch”, ông Hải nhấn mạnh.
Nhiều vướng mắc
Ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, đại diện Ban Chiến lược, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho rằng, giai đoạn trước ngày 30/10/2021, nhiều doanh nghiệp đầu tư mạnh vào năng lượng tái tạo nhờ chính sách tốt, giá mua điện tốt. Khi đầu tư, điều doanh nghiệp quan tâm là lợi nhuận. Tuy nhiên thời điểm này, các doanh nghiệp không dám làm, giá điện hiện nay chưa đủ thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực này.
"Nước ta muốn tăng trưởng xanh, phát triển năng lượng tái tạo, vậy chúng ta cũng cần làm rõ ai sẽ chịu rủi ro trong bước vào một lĩnh vực mới, cơ chế và chính sách mới, trong khi giải pháp không nằm trong tay người Việt Nam", ông Hòa đặt vấn đề.
Nhiều dự án doanh nghiệp muốn làm nhưng vướng cơ chế, do đó đại diện Ban Chiến lược PVN cho rằng cần cởi trói cho cơ chế nghiên cứu R&D FS và mời các nhà đầu tư quốc tế vào cùng phát triển mảng năng lượng bền vững với Việt Nam.
Liên quan đến vấn đề về giá điện, PSG. TS Ngô Trí Long cho biết để đảm bảo an ninh năng lượng, hai yếu tố quan trọng hàng đầu là nguồn cung ổn định và chi phí thấp. Hiện nay, ngành năng lượng ở nước ta vẫn theo hướng độc quyền, không để doanh nghiệp và thị trường quyết định giá bán. Do vậy, tình trạng thiếu điện, thiếu xăng trong thời gian qua, một phần nằm ở việc chưa tính đúng, tính đủ và tính kịp thời các loại chi phí cho doanh nghiệp. Điểm nghẽn lớn nhất của ngành điện vẫn nằm ở giá cả.
Còn theo GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Tổng thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho rằng, dù hai nguồn năng lượng tái tạo là điện gió và điện mặt trời đã được Chính phủ hỗ trợ phát triển nhưng giá thành phát điện từ hai loại năng lượng này còn cao nên rất cần các tổ chức, các cơ quan quản lý, các cộng đồng nhận thức rõ để có hành động, hoạt động thúc đẩy phát triển điện gió và điện mặt trời, từng bước thay thế điện than trong tương lai.
Từ đó, GS.TS Hoàng Xuân Cơ đề nghị, Bộ Công Thương sớm đưa ra lộ trình tăng giá bán điện cho người tiêu dùng trên cơ sở tăng mua điện gió, điện mặt trời giá cao trong giai đoạn tới, trước mắt là đến năm 2030 và xa hơn.
Về phía người dân và doanh nghiệp cũng phải sớm có phương án điều chỉnh mức sử dụng điện hợp lý và hiệu quả (theo hướng tiết kiệm) và nếu mức tăng giá điện hợp lý thì phải coi đây là mức “sẵn lòng trả” để có điện sạch cho tiêu dùng. Khi chuyển sang điện xanh, việc tăng giá điện sẽ không tránh khỏi nhưng cũng phải xem xét lộ trình để tránh gây xáo trộn lớn trong hoạt động kinh tế và đời sống nhân dân.
| Ấn Độ nhắm đến mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất hydro xanh toàn cầu Ấn Độ muốn trở thành trung tâm chuyên sản xuất hydro xanh toàn cầu và đang đặt mục tiêu sản xuất 5 triệu tấn nhiên ... |
| Chuyển đổi năng lượng: Hợp tác doanh nghiệp Na Uy-Việt Nam là hướng đi quan trọng Ngày 13/9, tại TP Hồ Chí Minh, Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam, Cơ quan Thương vụ của Đại sứ quán Innovation Norway, ... |
| Nắm giữ 'kho vàng' của thế giới nhưng Trung Quốc đang mất dần lợi thế Trung Quốc đã thành công nắm giữ vị thế gần như độc quyền trong việc sản xuất đất hiếm, một vật liệu mang tính chiến ... |
| Quy hoạch điện VIII chính thức được phê duyệt Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời ... |
| Kinh tế Việt Nam 2023: Nhận diện thách thức và động lực tăng trưởng Bối cảnh kinh tế thế giới khiến lực cầu giảm, gây áp lực lên nền kinh tế Việt Nam trong năm nay. Tuy nhiên, Việt ... |