Nhỏ Bình thường Lớn

Xây dựng thương hiệu để có 'giấy thông hành' tại thị trường EU

Xây dựng thương hiệu riêng là cách để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả xuất khẩu của hàng Việt Nam tại thị trường Liên minh châu Âu (EU).
Xây dựng thương hiệu để có 'giấy thông hành' tại thị trường EU
Vải thiều Việt Nam được bày bán tại siêu thị Carrefour Tongres ở thủ đô Brussels. (Ảnh: Hương Giang/TTXVN)

Hàng Việt được người dân châu Âu đón nhận

Trong hơn 3 năm thực thi, Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam-EU (EVFTA) đã tạo đà cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU, một số sản phẩm đã bắt đầu xây dựng được thương hiệu Việt và được người tiêu dùng đón nhận.

Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, EVFTA là một trong những hiệp định có kim ngạch xuất khẩu được hưởng ưu đãi thuộc loại cao nhất. Theo số liệu thống kê, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam vào thị trường EU 6 tháng đầu năm 2023 đạt 2,1 tỷ USD.

Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên nói: "Hiệp định EVFTA được thực thi trong 3 năm qua đã tạo đà cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam nói chung và mặt hàng nông lâm sản nói riêng khi nhiều dòng thuế xuất khẩu vào thị trường này được xóa bỏ, giúp tạo lợi thế cạnh tranh so với hàng từ một số quốc gia khác không có FTA với EU. EVFTA đã và đang tạo một “xa lộ” cho nông sản Việt vào thị trường khó tính bậc nhất thế giới này.

Tin liên quan
Gần 20 năm duy trì vị trí đối tác thương mại lớn nhất Gần 20 năm duy trì vị trí đối tác thương mại lớn nhất

Lợi thế lớn nhất đối với hàng hóa của Việt Nam, nhất là các mặt hàng nông sản chính là việc mở cửa thị trường, vì trong nhiều năm thì EU là một trong những thị trường xuất khẩu hàng đầu Việt Nam và cũng là những thị trường mà Việt Nam có thặng dư thương mại rất lớn.

Tốc độ tăng trưởng thương mại giữa Việt Nam và EU đối với thị trường này cũng tăng đều qua các năm mặc dù có chịu tác động từ đại dịch Covid-19".

Ông Khanh cho hay, gạo chất lượng cao và gạo thơm là một trong những sản phẩm được thị trường EU ưa chuộng. Đơn cử như gạo Lộc Trời với thương hiệu Cơm Việt Nam Rice đã thành công "góp mặt" vào chuỗi siêu thị của Pháp; quả vải tươi của Việt Nam đến Czech và một số thị trường EU...

Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đã đặt được nền móng xuất khẩu gạo thương hiệu Việt trực tiếp sang châu Âu. Năm 2022, doanh nghiệp đã xuất khẩu gần 500 tấn gạo “Cơm Việt Nam Rice” sang Pháp, Đức, Hà Lan.

Bên cạnh những mặt hàng nông lâm thủy sản phẩm mang tính chất truyền thống như cà phê, hạt điều, hồ tiêu và một số mặt hàng lâm sản hoặc thủy sản, thì thời gian qua, nhờ EVFTA, doanh nghiệp cũng khai thác được thêm những lợi thế tuyệt đối với một số mặt hàng nông sản mới như rau củ quả.

Mặt hàng này cũng có sự tăng trưởng đáng khích với kim ngạch xuất khẩu hơn 200 triệu USD vào năm 2022, giúp Việt Nam trở thành nhà cung cấp thứ 59 trên thế giới về rau củ quả đối với thị trường EU.

Xây dựng thương hiệu để có 'giấy thông hành' tại thị trường EU
Xây dựng thương hiệu và nhãn hiệu riêng là con đường không hề đơn giản, doanh nghiệp cần có chiến lược và hướng đi khác biệt. (Nguồn: Báo Đấu thầu)

Làm gì để xây dựng thương hiệu tại EU?

Dù đã gặt hái được nhiều tin vui, nhưng không thể phủ nhận, tiềm năng khai thác thị trường này còn rất lớn, khi hàng hóa Việt Nam mới chỉ chiếm chưa đầy 2% thị phần của thị trường EU. Trong khi đó, đây là thị trường có sức mua rất lớn với giá trị nhập khẩu lên tới 2.500 tỷ USD hàng hóa mỗi năm.

Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân khiến sức cạnh tranh của hàng hóa Việt tại thị trường châu Âu chưa được thể hiện rõ là do doanh nghiệp chưa nhận thức được tầm quan trọng của phát triển thương hiệu tại thị trường xuất khẩu.

Doanh nghiệp Việt thường tập trung vào tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, còn việc nhận thức về vai trò của phát triển thương hiệu thường không được quan tâm đúng đắn. Việt Nam nổi tiếng với thị phần xuất khẩu gạo, cà phê, dệt may... thuộc top đầu thế giới, song, hàng hóa này lại được nhập khẩu vào EU dưới tên thương hiệu của quốc gia khác.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) nói rằng, việc xây dựng thương hiệu tại thị trường EU là một việc không hề dễ dàng. Doanh nghiệp cần phải có những bước đi hết sức bài bản, chiến lược khôn ngoan thì mới có thể đưa được những thương hiệu riêng vào thị trường.

EU là một thị trường có những đòi hỏi, quy định rất khắt khe, những tiêu chuẩn rất cao về chất lượng, môi trường, xã hội, lao động... Đặc biệt, hàng hóa cần phải đồng nhất về chất lượng giữa các lô hàng mới giữ được uy tín của doanh nghiệp với đối tác nhập khẩu tại EU.

“Để phát triển được thương hiệu với thị trường EU, đầu tiên, các doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu thật kỹ về thị trường, thấu hiểu văn hóa, xu hướng, nhu cầu sử dụng của thị trường”, bà Nguyễn Thị Thu Thủy chia sẻ.

Chia sẻ về kinh nghiệm đưa hàng sang thị trường châu Âu, ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời cho biết, nếu chỉ là nhà xuất khẩu đơn thuần, tức là mua đi bán lại, hoặc có nhà máy, mua lúa xay xát rồi bán, thì gần như không thể xây dựng được thương hiệu tại thị trường EU. Cách của Lộc Trời là tiên phong xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững tại Việt Nam.

Theo đó, với những đơn hàng đặt trước, các đơn vị thành viên của Tập đoàn sẽ phối hợp sản xuất quy mô lớn một cách đồng bộ từ việc quy hoạch vùng trồng, chọn giống phù hợp, thực hiện quy trình canh tác khoa học, ưu tiên sử dụng các sản phẩm vật tư nông nghiệp sinh học… nhằm đảm bảo cam kết chất lượng cao nhất, lúa gạo mới nhất trên thị trường cho khách hàng.

Bà Nguyễn Thị Huyền, Tổng giám đốc Vinasamex cũng nhận thấy, trước đây, khi chưa có thương hiệu, doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường đại trà, dễ tính. Nhưng những năm gần đây, doanh nghiệp tập trung vào những sản phẩm giá trị cao cấp để xuất khẩu vào những thị trường khó tính, như EU, Canada, Mỹ, Nhật Bản…

“Xây dựng thương hiệu và nhãn hiệu riêng là con đường không hề đơn giản, doanh nghiệp cần có chiến lược và hướng đi khác biệt. Nhưng khi có thương hiệu, sản phẩm đạt chứng nhận quốc tế, doanh nghiệp như có “giấy thông hành” để tăng giá trị gia tăng của sản phẩm, bán được sản phẩm với giá trị cao hơn và từng bước khẳng định thương hiệu sản phẩm trên thị trường quốc tế.

Để tận dụng tối đa xuất khẩu sang các thị trường có FTA, với Vinasamex, doanh nghiệp này xác định mở rộng thị trường bằng thương hiệu riêng. Thời gian tới, Vinasamex sẽ đầu tư xây dựng một nhà máy đạt tiêu chuẩn để mở rộng danh mục sản phẩm, ngoài gia vị sang sản xuất các loại trà với thương hiệu Spice Fest và thương hiệu Vinasamex để bán trực tiếp tới người tiêu dùng ở Mỹ, Canada và châu Âu", bà Huyền nhấn mạnh.

Chương trình Thương hiệu Quốc gia 'chắp cánh' cho doanh nghiệp Việt bay xa

Chương trình Thương hiệu Quốc gia 'chắp cánh' cho doanh nghiệp Việt bay xa

Với sự hỗ trợ của Chương trình Thương hiệu Quốc gia, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được vai trò quan trọng của ...

Xây dựng Thương hiệu Quốc gia cho ẩm thực - kênh quảng bá, phát triển du lịch hiệu quả nhất

Xây dựng Thương hiệu Quốc gia cho ẩm thực - kênh quảng bá, phát triển du lịch hiệu quả nhất

Ẩm thực là một kênh hiệu quả để tiếp thị văn hóa Việt Nam đến du khách, bạn bè thế giới. Vì vậy, Chủ tịch ...

An Giang quảng bá sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, từng bước khẳng định giá trị và chất lượng

An Giang quảng bá sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, từng bước khẳng định giá trị và chất lượng

Sáng 30/9, tỉnh An Giang tổ chức Chương trình quảng bá sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, sản phẩm tiềm năng tham gia chương trình ...

Chuyên gia chia sẻ bài học xây dựng thương hiệu từ văn hóa doanh nghiệp

Chuyên gia chia sẻ bài học xây dựng thương hiệu từ văn hóa doanh nghiệp

Theo các chuyên gia, văn hoá doanh nghiệp là giá trị cốt lõi của mọi doanh nghiệp, là nền tảng, giúp doanh nghiệp tạo sự ...

121 món ẩm thực của Việt Nam trên hành trình trở thành Thương hiệu Quốc gia

121 món ẩm thực của Việt Nam trên hành trình trở thành Thương hiệu Quốc gia

Mới đây, Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam (VCCA) tổ chức lễ trao chứng nhận cho 121 món ẩm thực tiêu biểu trong ...