Họp báo công bố đề án 'Xây dựng và phát triển văn hoá ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia, giai đoạn 2022-2024', ngày 17/6, tại TP. Hồ Chí Minh. |
Tại sự kiện cũng đã diễn ra lễ ký kết Biên bản ghi nhớ đánh dấu sự hợp tác giữa Liên minh Chuyển đổi số (DTS) và VCCA.
Đề án “Xây dựng và phát triển văn hoá ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia, giai đoạn 2022-2024” nhận được sự chung tay đồng hành và tài trợ chính của Công ty Cổ phần hàng tiêu dùng Masan và đồng tài trợ của hãng hàng không Vietravel Airlines.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam cho rằng, văn hóa ẩm thực Việt Nam là một kho tàng di sản vô giá của Việt Nam. Việc khảo sát, phát hiện, giới thiệu và thu thập dữ liệu về văn hóa ẩm thực Việt Nam là bước đệm để đưa thương hiệu Việt Nam ra thế giới thông qua văn hóa ẩm thực, thúc đẩy cạnh tranh quốc gia và là tiền đề của phát triển kinh tế Việt Nam
Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam cũng cho biết, mục đích của đề án là mang lại lợi ích cho nhiều đối tượng trong ba lĩnh vực chính gồm: khoa học dinh dưỡng, kinh tế ẩm thực và văn hóa ẩm thực.
Theo đó, trong giai đoạn 2022, đề án dự kiến thu thập cơ sở dữ liệu 300 món tiêu biểu Việt Nam và xét chọn 100 món ẩm thực đặc sắc của địa phương, được công nhận bởi hội đồng chuyên môn của Hiệp hội, đồng thời tham khảo đánh giá của cộng đồng qua các kênh truyền thông báo chí và mạng xã hội.
Kết thúc giai đoạn 2022 sẽ là sự kiện ‘Liên hoan 100 đặc sắc Việt Nam’ quy tụ các nghệ nhân của 63 tỉnh, thành, dự kiến phối hợp tổ chức cùng với Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh.
Giai đoạn 2023, đề án dự kiến thu thập dữ liệu 1.000 món ẩm thực và phát triển thành tổng tập của dữ liệu ẩm thực Việt Nam, qua đó chọn ra các món tiêu biểu, đặc sắc có tính phổ biến cao của các vùng miền để xây dựng mô hình kinh tế khởi nghiệp cùng các chuyên gia của VCCA, tạo tiền đề cho thế hệ trẻ và các nhà đầu tư tiềm năng trong và ngoài nước đưa ẩm thực Việt Nam phát triển hơn trên bản đồ thế giới.
Cùng với đó, ban tổ chức tận dụng giá trị của đề án để xây dựng thực đơn Việt Nam theo từng vùng miền hoặc các chủ đề mang tính văn hóa truyền thống, phục vụ cho công tác ngoại giao, trao đổi văn hóa và quảng bá du lịch vùng miền Việt Nam.
Giai đoạn 2024, đề án sẽ triển khai chuyển đổi số cơ sở dữ liệu thành bản đồ ẩm thực Việt Nam, hướng đến xây dựng bảo tàng ẩm thực Việt Nam theo định hướng thực tế ảo 3D và bảo tàng ẩm thực thực tế phục vụ du khách tham quan nếu được sự quan tâm của các tỉnh, thành và các nhà đầu tư trong tương lai.
Ông Trương Gia Bảo, thành viên ban tư vấn đề án, Chủ tịch DTS, cho hay, khi toàn cầu hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ và trở thành xu thế tất yếu đối với sự phát triển của thế giới thì việc định hình hệ thống nhận diện của một quốc gia, vùng lãnh thổ càng trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết.
DTS tin rằng, giá trị và sức lan tỏa của đề án sẽ không chỉ dừng lại ở một 'app' bản đồ ẩm thực Việt Nam trong giới hạn 1.000 món tới năm 2023 mà chắc chắn độ phủ sóng, tương tác, cùng tham gia xây dựng bản đồ ẩm thực này sẽ lan rộng và tạo hiệu ứng vô cùng tích cực trong quảng bá hình ảnh, văn h đấóat nước, con người Việt Nam nói chung, bản sắc từng vùng, miền, dân tộc nói riêng; tạo động lực và thôi thúc sự trải nghiệm của mỗi con người muốn được chính mình khám phá, trải nghiệm, thưởng thức và chia sẻ.