Đoàn chuyên gia di sản Việt Nam cùng các đối tác tại Quần thể rừng Kaeng Krachan. |
Lần đầu “xuất khẩu” chất xám
Nhân chuyến thăm chính thức Thái Lan của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào tháng Bảy vừa qua, hai nước đã lần đầu tiên đưa nội dung hợp tác trong lĩnh vực di sản UNESCO vào Tuyên bố chung Nội các Việt Nam - Thái Lan lần thứ ba. Sự kiện đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ Việt Nam - Thái Lan nói chung và hợp tác trong lĩnh vực di sản UNESCO nói riêng.
Thái Lan đang trình UNESCO công nhận Hồ sơ Quần thể rừng Kaeng Krachan là Di sản Thiên nhiên thế giới với tiêu chí 10 về đa dạng sinh học. Tuy nhiên, hồ sơ bị bác vì một số lý do kỹ thuật và chưa đủ thuyết phục. Trên tinh thần ủng hộ các nước ASEAN cũng như xuất phát từ quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Thái Lan, Đoàn công tác Việt Nam tham dự kỳ họp lần thứ 39 của Ủy ban Di sản Thế giới (tháng 7/2015) tại Bonn, Đức, đã phát biểu ủng hộ di sản đề cử và trình bổ sung sửa đổi dự thảo nghị quyết để UNESCO quyết định cho phép Thái Lan trình lại hồ sơ trong năm 2016.
Để xây dựng lập luận và hoàn thiện báo cáo giải trình tại Kỳ họp Ủy ban Di sản Thế giới lần thứ 40 tổ chức tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ từ ngày 10-20/7/2016, phía Thái Lan đã mời chuyên gia Việt Nam sang khảo sát và tư vấn giúp hồ sơ. Sau lần cử chuyên gia sang Australia và Nhật Bản khảo sát di sản, Việt Nam đã thể hiện là một thành viên có trách nhiệm của Ủy ban Di sản Thế giới. Do đó, chuyến đi tới Thái Lan lần này là cơ hội để Việt Nam nâng cao uy tín quốc tế và cũng là dịp để Việt Nam đào tạo đội ngũ chuyên gia trẻ về UNESCO.
Các nước ASEAN đều là những thành viên tích cực trong “sân chơi” di sản UNESCO. Thái Lan đang triển khai kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản rất tốt. Tuy nhiên, “đất nước nụ cười” mới chỉ tập trung trong công tác bảo tồn, chưa thực sự chú ý tới cách thức trình bày và xây dựng hồ sơ phù hợp, có tính thuyết phục cao. Hơn mười năm qua, Thái Lan chưa trình hồ sơ di sản nào nên kinh nghiệm soạn thảo, biên tập trình hồ sơ chưa được cập nhật.
Nhiều kinh nghiệm được chia sẻ
Để chuẩn bị cho báo cáo giải trình các khuyến nghị đã được Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN) đưa ra tại kỳ họp lần thứ 39 của Ủy ban Di sản Thế giới đối với hồ sơ Quần thể rừng Kaeng Krachan với tiêu chí về đa dạng sinh học, đoàn chuyên gia đã làm việc trực tiếp với Ban quản lý và bộ phận xây dựng hồ sơ Quần thể rừng Kaeng Krachan để trao đổi cụ thể về các vấn đề liên quan. Chính phủ Thái Lan đã chủ động triển khai các biện pháp, kế hoạch theo đúng các khuyến nghị của IUCN, nhất là cập nhật dữ liệu các loài động vật đang bị đe dọa, tiếp tục hợp tác với cộng đồng địa phương, tổ chức bảo tồn về động vật như WCS (Hiệp hội Bảo tồn Động vật hoang dã), WWF (Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên), các tổ chức tư nhân khác trong công tác quản lý động vật hoang dã.
Đoàn đã được gặp gỡ, tìm hiểu về cuộc sống của người dân địa phương cũng như giới thiệu, cung cấp các thông tin về ý nghĩa và giá trị của danh hiệu Di sản UNESCO mang lại cho cộng đồng người dân địa phương. Danh hiệu này sẽ giúp họ cải thiện cuộc sống đồng thời cùng chung tay với tổ chức UNESCO nói chung và Chính phủ Thái Lan nói riêng trong bảo vệ tài nguyên thiên nhiên rừng.
Bên cạnh đó, Đoàn cũng tư vấn cho Thái Lan một số cách thức xây dựng lập luận cho bản giải trình dựa trên những khuyến nghị của IUCN, nhấn mạnh vào một số nội dung như nêu bật nỗ lực to lớn của Chính phủ Thái Lan trong công tác bảo tồn và quản lý khu di sản; quy mô và giá trị rất lớn của Quần thể rừng Kaeng Krachan và nỗ lực thăm dò khả năng phối hợp cùng khu di sản Tanithaya của Myanmar để xây dựng hồ sơ bảo tồn một trong những khu vực diện tích lớn nhất thế giới. Ngoài việc cập nhật các dữ liệu về các loài động vật quý hiếm, bản giải trình cũng cần tập trung vào những kết quả tích cực đối với việc cải thiện đời sống cộng đồng.
Hành trình tiếp theo, Đoàn đã tới thăm và làm việc với Ban quản lý Công viên lịch sử Phu Phrabat nằm tại tỉnh Udonthani. Năm 2004, hồ sơ di sản này đã được chuẩn bị kỹ và đăng ký vào Danh sách đề cử dự kiến của Thái Lan. Tuy nhiên, các tiêu chí văn hóa được xây dựng trong hồ sơ chưa thật sự thuyết phục. Do vậy, Đoàn đã tư vấn Thái Lan cần chuẩn bị kỹ nội dung làm việc và giải trình với chuyên gia của Hội đồng Quốc tế về di tích và di chỉ (ICOMOS) sang đánh giá hồ sơ này từ ngày 20/9 - 25/9.
Ngoài ra, Đoàn cũng tư vấn cho các chuyên gia Thái Lan nên cân nhắc tập trung trình hồ sơ này theo tiêu chí 5 của ICOMOS về sự tương tác giữa con người và môi trường, lấy tiêu chí này làm chủ đạo của hồ sơ, sử dụng các yếu tố về kiến trúc, hình vẽ trên đá thời tiền sử và các di tích thực hiện các nghi lễ đạo Phật để chứng minh hồ sơ đáp ứng tiêu chí này.
Phía Thái Lan đánh giá cao những ý kiến tư vấn sâu sát và chia sẻ kinh nghiệm cởi mở của đoàn Việt Nam.
Có thể nói thành công của hành trình sẽ là tiền đề để hợp tác di sản Việt Nam - Thái Lan phát triển hơn nữa trong tương lai, đưa nét đẹp của hai nước nói riêng và của khu vực ASEAN nói chung ra với thế giới.
Trọng Tuấn