Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tại WEF Đại Liên nhấn mạnh sự cởi mở của thị trường nước này. (Nguồn: Bloomberg) |
“Giành miếng lớn, được miếng nhỏ”?
Phát biểu tại sự kiện Diễn đàn Kinh tế thế giới ở thành phố Đại Liên, ông Lý Cường cho biết sản lượng các sản phẩm năng lượng mới của Trung Quốc như pin lithium và xe điện, vốn đang tăng vọt trong những năm gần đây, “làm phong phú nguồn cung toàn cầu”. Bình luận của ông được đưa ra vài tuần sau khi EU công bố mức thuế lên tới 38% đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc và căng thẳng giữa Bắc Kinh và phương Tây leo thang.
Theo ông, sự cởi mở của thị trường Trung Quốc vào thời điểm các khiếu kiện về khả năng tiếp cận thị trường nước ngoài ngày càng gia tăng và vai trò của chính phủ, cũng như các khoản trợ cấp khổng lồ dành cho ngành công nghiệp bị Washington và Brussels giám sát chặt chẽ.
Ông nói: “Thị trường Trung Quốc rộng lớn và cởi mở. Các công ty đa quốc gia và trong nước cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng, trao đổi thông tin và hợp tác”, đồng thời cho rằng, họ cùng nhau “trở thành một lực lượng quan trọng trong thúc đẩy sự phát triển và tăng trưởng của các ngành công nghiệp mới nổi”.
Năm nay, Bắc Kinh chú trọng rất nhiều vào chiến lược công nghiệp, ủng hộ mọi thứ từ trí tuệ nhân tạo đến năng lượng tái tạo, trong bối cảnh nền kinh tế với sự suy thoái tài sản kéo dài đã đè nặng lên tăng trưởng. Ông Lý Cường cho biết, nền kinh tế đang trên đà đạt được mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% trong năm nay.
Cuối tuần qua, Bộ trưởng thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào bắt đầu đàm phán với EU về thuế quan, tiếp sau cuộc điều tra về trợ cấp của nhà nước và vẫn chưa hoàn tất. Hoa Kỳ, quốc gia nhập khẩu số lượng xe điện nhỏ hơn nhiều từ Trung Quốc, đã công bố mức thuế 100% đối với xe điện vào đầu năm nay.
Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck đã tới Bắc Kinh và Thượng Hải những ngày gần đây, hoan nghênh các cuộc đàm phán và nói rằng cánh cửa “mở cho các cuộc thảo luận”.
Ngành công nghiệp ô tô Đức, vốn có sự hiện diện lớn ở Trung Quốc, đã phải đối mặt với sự cạnh tranh nội địa, giờ còn bị ảnh hưởng bởi thuế quan. Căng thẳng thương mại với Trung Quốc đã gia tăng sau một thời gian quan hệ địa chính trị với phương Tây xấu đi, bao gồm cả việc giảm sự phụ thuộc của chuỗi cung ứng vào Trung Quốc.
Nhắc lại những bình luận được đưa ra tại hội nghị WEF năm ngoái, ông Lý Cường nói rằng “những hành động thoái trào của việc tách rời” sẽ kéo thế giới vào một “vòng xoáy hủy diệt” trong đó “sự cạnh tranh khốc liệt để giành được miếng bánh lớn hơn sẽ dẫn đến miếng bánh nhỏ hơn”.
Ông nhấn mạnh sự trỗi dậy của ngành công nghiệp Trung Quốc là một phần của cuộc cách mạng công nghệ toàn cầu, đồng thời nói thêm rằng các sản phẩm của nước này đã giúp giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Theo ông, cần có một “môi trường kinh doanh công nghệ không phân biệt đối xử công bằng hơn”.
Trong một hội thảo riêng tại WEF, Phó Chủ tịch BMW Patrick Mueller cho biết, họ vẫn muốn tăng đầu tư vào Trung Quốc và trích dẫn khoản đầu tư trị giá hàng tỷ USD mới được công bố gần đây vào một nhà máy sản xuất pin.
Xe điện Trung Quốc vào châu Âu mang tính cạnh tranh rất cao. Ảnh minh họa. (Nguồn: Financial Times) |
Tính cạnh tranh khó bì
Thông báo của EU về việc tăng mạnh thuế quan đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc đánh dấu một trở ngại lớn. Các mức thuế theo kế hoạch đã được quyết định bất chấp cảnh báo từ Bắc Kinh rằng việc áp dụng các biện pháp trừng phạt sẽ làm gián đoạn hợp tác thương mại và kinh tế.
Mức thuế này khác nhau giữa các công ty nhưng sẽ lên tới 38% đối với các nhà sản xuất ô tô được đánh giá là không hợp tác với cuộc điều tra của EU. Mặc dù mức này thấp hơn nhiều so với mức 100% mà Mỹ áp đặt vào tháng trước, nhưng đã đặt ra rào cản mới đối với thị trường đang phát triển nhanh chóng của xe Trung Quốc.
Dù vậy, câu hỏi đặt ra là liệu thuế quan có làm chậm bước tiến của xe điện Trung Quốc vào châu Âu?
Cựu giám đốc Chrysler Bill Russo tại Trung Quốc, người sáng lập công ty tư vấn Auto Mobility ở Thượng Hải, cho biết thuế quan thúc đẩy quá trình nội địa hóa sản xuất xe điện ở châu Âu và có thể mang lại lợi ích tích cực cho cạnh tranh.
Các công ty Trung Quốc bắt đầu đầu tư mạnh vào sản xuất ô tô và pin ở châu Âu, bao gồm cả các nhà máy trị giá hàng tỷ USD ở Hungary, quốc gia thân thiện với Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Russo cho biết, thuế suất của EU sẽ không cản trở được sự tăng trưởng doanh số bán hàng của BYD, tập đoàn Trung Quốc đang cạnh tranh với Tesla để giành danh hiệu nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới.
“Nó sẽ làm họ chậm lại à? Không. Nếu bạn tính cả loại thuế đó lên trên cơ cấu chi phí của Trung Quốc, thì về mặt chi phí, nó vẫn sẽ tốt hơn bất cứ điều gì mà các nhà sản xuất ô tô châu Âu hiện có khả năng làm”, ông nói.
Các nhà phân tích ước tính rằng ngay cả với mức thuế dự kiến, hoạt động xuất khẩu tại châu Âu của BYD vẫn có thể đạt tỷ suất lợi nhuận ròng hơn 8% ở quy mô sản xuất hiện tại - mang lại nhiều lợi nhuận hơn so với hoạt động kinh doanh trong nước.
Yale Zhang, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn Automotive Foresight có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết: “Ngay cả khi các thương hiệu xe điện Trung Quốc bán ô tô của họ ở châu Âu với mức giá cao hơn 50% so với giá bán lẻ nội địa, thì họ vẫn rất cạnh tranh”.