Sau nhiều năm giữ vững vị trí dẫn đầu trong bảng xếp hạng cạnh tranh thế giới, năm nay Mỹ ngậm ngùi nhường chỗ cho Thụy Sỹ. Mặc dù kinh tế Mỹ vẫn có những lợi thế về quy mô thị trường, khả năng đổi mới và tính linh hoạt, nhưng Thụy Sỹ mới được đánh giá là nền kinh tế có khả năng đổi mới dồi dào và văn hóa giao thương tiên tiến nhất. Các chuyên gia kinh tế WEF cho rằng Thụy Sỹ đã đối phó hiệu quả với khủng hoảng kinh tế thế giới hơn so với Mỹ và nhiều quốc gia châu Âu khác. Những khó khăn trong lĩnh vực ngân hàng của Thụy Sỹ xuất hiện ít hơn.
Mức chi phí cao của Thụy Sỹ dành cho nghiên cứu và phát triển mỗi năm cũng được đánh giá rất cao.
Năm ngoái, Mỹ dẫn đầu là nhờ nền kinh tế có năng suất cao, năng lực sáng tạo và khả năng phân bổ nguồn lực vào những nơi hiệu quả nhất. Tuy vậy, người ta cũng đã dự báo về sự tụt hạng của Mỹ với những yếu kém vĩ mô và bất ổn của ngân hàng, thâm hụt ngân sách và nợ chính phủ. Đúng như vậy, năm 2009, hệ thống ngân hàng Mỹ bị rớt hạng thảm hại xuống vị trí 108, trong khi ba vị trí mạnh nhất thuộc về Canada, New Zealand và Australia vẫn được giữ vững, khẳng định đây chính là nguyên nhân khiến Mỹ bị truất ngôi.
Cùng với hai nền kinh tế châu Á là Singapore và Nhật Bản, các nền kinh tế châu Âu (Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan, Đức, Hà Lan) tiếp tục nằm trong Top 10. Riêng Anh quốc rớt hạng xuống vị trí thứ 13, chủ yếu vì biểu hiện yếu kém của thị trường tài chính, một hệ thống từ trước đến nay vẫn là niềm tự hào của nước này. Trong khi đó, các vị trí hàng đầu thế giới về cải cách và tạo thuận lợi cho kinh doanh của Singapore, New Zealand và Hong Kong tiếp tục là yếu tố giúp ba nền kinh tế này đứng vững và phát triển.
Singapore tăng thêm 2 bậc, giữ vị trí thứ 3 thế giới, đứng hạng cao nhất châu Á, được đánh giá có cơ sở hạ tầng và định chế tuyệt vời, thị trường hàng hóa, lao động và tài chính hiệu quả, bảo đảm phân bổ nguồn lực tốt nhất. Ba điểm yếu nhất của Singapore là quy mô thị trường nhỏ, chênh lệch cao giữa lãi suất đầu vào - đầu ra và mức độ nợ của chính phủ. Trong khi đó, tính cạnh tranh của nền kinh tế Hàn Quốc đã thụt lùi đáng kể, xếp hạng 19, giảm 6 bậc so với năm 2008. Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân chủ yếu là sự bất đồng lớn trong quan hệ giữa chủ sử dụng lao động và người lao động, sự thiếu linh hoạt trên thị trường lao động và sự không hiệu quả của thị trường tài chính.
Trung Quốc tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu các nền kinh tế đang phát triển, tăng hạng so với những năm trước, với quy mô thị trường lớn thứ 2 và có nền kinh tế vĩ mô ổn định đứng thứ 8 trong số 133 nền kinh tế trên thế giới. Tuy nhiên, Trung Quốc phải khắc phục một số mặt còn yếu trên các lĩnh vực như thị trường tài chính (xếp thứ 81), công nghệ (79) và giáo dục (61). Những dấu hiệu này cho thấy không còn có thể dựa vào sức lao động rẻ để tạo ra sự tăng trưởng kinh tế.
Toàn bộ nhóm BRIC đều có mặt trong nửa đầu bảng xếp hạng, sau Trung Quốc (29), Ấn Độ tăng thêm 1 bậc lên thứ 49, Brazil tăng 8 bậc lên hạng 56, riêng Nga đã tụt 12 hạng xuống vị trí 63.
Ở châu Mỹ Latinh, Chile có thứ hạng cao nhất, sau đó là Panama, Costa Rica và Mexico. Một số nền kinh tế ở vùng Trung Đông và Bắc Phi cũng nằm trong nửa đầu bảng xếp hạng, dẫn đầu là Israel, tiếp theo là Qatar, Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Kuwait và Tunisia. Các nước ở vùng Vịnh có sự tiến bộ đáng kể. Ở khu vực Hạ Sahara, các nước Nam Phi, Botswana và Mauritius có chỉ số cạnh tranh cao nhất.
Tại Đông Nam Á, Việt Nam chỉ đứng trên Philippines (87) và Campuchia (110), Lào và Myanmar chưa có tên trong danh sách xếp hạng.
Như vậy, bức tranh vừa tổng thể vừa chi tiết về môi trường kinh tế cũng như khả năng đạt được sự bền vững trong tăng trưởng và phát triển của các quốc gia đã rõ ràng. Khủng hoảng kinh tế đã tác động tới nhiều vị trí trong bảng xếp hạng. Các nền kinh tế phát triển thì bị ảnh hưởng thông qua thị trường tài chính. Các nước đang phát triển thì bị ảnh hưởng nặng do nhu cầu toàn cầu sụt giảm, việc xuất khẩu bị giảm bớt, ít đầu tư nước ngoài hơn đơn giản vì các nhà đầu tư lớn của thế giới cũng ít tiền để đầu tư hơn. Xavier Sala-i-Martin - giáo sư kinh tế ĐH Columbia (Mỹ), đồng tác giả của báo cáo - nhận định: "Trong giai đoạn khủng hoảng hiện tại, điều quan trọng là các nhà hoạch định chính sách không đánh mất tầm nhìn cạnh tranh dài hạn, dù phải đối phó với những vấn đề của ngắn hạn".
Tuệ Minh