Mức albumin niệu cao là một dấu hiệu của bệnh thận, vì đây là cơ quan có vai trò ngăn không cho chất này thoát ra khỏi máu vào nước tiểu. Những người bị tăng loại protein đặc hiệu này có khả năng sẽ bị mất trí nhớ cao hơn 35%. Tuy nhiên mối liên quan chính xác giữa suy thận và sa sút trí tuệ còn chưa được hiểu đầy đủ.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Maastricht, Hà Lan đã phân tích mẫu nước tiểu của 27.805 người trong 22 nghiên cứu trước đây xung quanh các rối loạn ở thận và khả năng nhận thức. Họ xem xét một protein trong nước tiểu, còn gọi là albumin hoặc protein niệu.
Những người bị tăng albumin niệu dễ bị sa sút trí tuệ hơn 35%. (Nguồn: Getty) |
Nghiên cứu cho thấy những người có protein trong nước tiểu dễ bị suy giảm nhận thức hơn so với những người không có protein niệu. TS Kay Deckers, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết: “Rối loạn chức năng thận đã được xem là một yếu tố nguy cơ gây suy giảm nhận thức hoặc mất trí nhớ. Bệnh thận mạn tính (CKD) và sa sút trí tuệ có chung nhiều yếu tố nguy cơ, chẳng hạn như huyết áp cao, tiểu đường và cholesterol cao, và cả hai đều biểu hiện những tác động tương tự trên não. Vì vậy, chúng có thể có chung các yếu tố mạch máu hoặc thậm chí rối loạn ở thận có thể tác động trực tiếp đến não”.
TS Deckers thêm rằng cả bệnh thận và sa sút trí tuệ đều là "những vấn đề y tế công cộng quan trọng” với chi phí chăm sóc y tế ngày càng cao.
Trên thế giới, số lượng người bị sa sút trí tuệ đang tăng lên. Đồng thời tỷ lệ mắc bệnh thận mạn tính trong dân cư - ước tính từ 8 đến 16% - cũng gia tăng. Nhưng các chuyên gia cho rằng cần nghiên cứu thêm để xác định xem liệu bệnh thận có thực sự gây ra sa sút trí tuệ hay không, hay cả hai bệnh này đều là hệ quả của cùng chung những yếu tố.
Mối liên quan chính xác giữa suy thận và sa sút trí tuệ chưa được hiểu đầy đủ. (Nguồn: Getty) |