Nhiều trường đại học công bố điểm chuẩn xét học bạ. (Ảnh minh họa) |
Trong đó, có nhiều ngành/chương trình đào tạo, thí sinh chỉ cần có học bạ đạt 5-6 điểm/môn đã có thể trúng tuyển đại học.
Học viện Hàng không vừa công bố điểm chuẩn học bạ đợt đầu, trong đó, các ngành có điểm thấp nhất gồm: Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng, Công nghệ kỹ thuật điện tử - viễn thông, Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, đều lấy 18 điểm. Như vậy, chỉ cần trung bình 6 điểm/môn, thí sinh có thể trúng tuyển.
Mức này là tổng điểm trung bình 3 môn trong tổ hợp xét tuyển ở lớp 10, 11 và học kỳ I lớp 12 hoặc cả năm lớp 12, cùng điểm ưu tiên.
Trường ĐH Đại Nam công bố điểm chuẩn trúng tuyển sớm theo phương thức xét học bạ THPT đợt 1 năm 2024 cho 36 ngành đào tạo hệ đại học chính quy, nhưng có đến 33 ngành điểm chuẩn là 18 điểm.
Đối với phương thức xét học bạ THPT, trường này cho phép thí sinh có thể lựa chọn một trong hai cách tính điểm: Xét điểm trung bình năm học lớp 12 hoặc xét điểm trung bình năm học lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12 để tối ưu cơ hội trúng tuyển.
Trường ĐH Công nghệ Giao thông vận tải cũng công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm theo phương thức xét tuyển học bạ kết hợp đợt 1 năm 2024 cho 45 ngành/chương trình đào tạo với mức điểm dao động từ 18 - 26.
Điểm chuẩn thấp nhất là các ngành/chương trình đào tạo tại Vĩnh Phúc như kế toán doanh nghiệp, công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật xây dựng cầu đường bộ, công nghệ kỹ thuật ô tô, cùng lấy điểm chuẩn 18.
Mức điểm này là tổng điểm tổng trung bình cộng của 3 học kỳ (học kỳ 1 lớp 11, học kỳ 2 lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12) của ba môn trong tổ hợp xét tuyển, cộng điểm ưu tiên, điểm quy đổi, tính theo thang 30. Như vậy, với những thí sinh có thêm điểm ưu tiên và điểm quy đổi, mức điểm trung bình học bạ mỗi môn có thể dưới 6 điểm.
18 điểm ba môn cũng là mức trúng tuyển nhiều trường đưa ra cho một số ngành học như Trường ĐH Công nghệ TP. Hồ Chí Minh (tất cả các ngành trừ ngành Dược, các ngành Điều dưỡng và Kỹ thuật xét nghiệm y học), Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP. Hồ Chí Minh, Trường ĐH Văn Hiến, Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn. Tùy từng trường, điểm chuẩn là điểm trung bình ba môn trong tổ hợp xét tuyển của 2-5 học kỳ ở bậc THPT.
Tuy nhiên đây chưa phải là những trường có điểm chuẩn thấp nhất. Ở đợt công bố điểm chuẩn học bạ ngày 4/4, Trường ĐH Gia Định đưa ra mức điểm cho toàn bộ 49 ngành/chuyên ngành đều là 16,5. Như vậy, bình quân với 5,5 điểm/môn, thí sinh đã có thể trúng tuyển đại học này.
Trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương công bố điểm chuẩn xét tuyển học bạ THPT năm 2024 dao động từ 15 - 22 điểm đối với 18 ngành trình độ đại học, ngoại trừ ngành Dược học. Như vậy, thí sinh chỉ cần có điểm học bạ THPT từ 5 điểm/môn đã trúng tuyển trường đại học này.
Đối với phương thức xét học bạ của trường, có ba hình thức là xét điểm trung bình tổ hợp môn cả năm lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12; Xét điểm trung bình học kỳ 1 lớp 12 tổ hợp môn; Xét điểm trung bình các môn năm lớp 12 theo tổ hợp môn xét tuyển.
Trường ĐH Công nghệ Miền Đông công bố điểm chuẩn các ngành năm 2024 theo phương thức xét học bạ cũng chỉ ở mức 16,5 hoặc 5,5 điểm/môn.
Trường này xét tuyển dựa vào kết quả học bạ theo 3 hình thức: Xét tuyển điểm trung bình học bạ học kỳ 1 lớp 12 đạt từ 5,5 trở lên; Xét tuyển điểm trung bình học bạ lớp 12 đạt từ 5,5 trở lên trở lên; Xét tuyển điểm ba môn học bạ lớp 12 đạt từ 16,5 điểm trở lên.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) lưu ý, dù trúng tuyển xét tuyển sớm của các trường đại học, thí sinh vẫn cần phải đăng ký nguyện vọng trên hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT.
“Bởi khi đó, các nguyện vọng xét tuyển mới được xác nhận có hiệu lực và các em mới có cơ hội để trúng tuyển vào trường đại học mong muốn. Với xét tuyển sớm, nếu thí sinh đã được công bố trúng tuyển sớm vào trường nào đó mình thực sự rất yêu thích, hãy đặt đó là nguyện vọng 1 trên hệ thống của Bộ GD&ĐT và chắc chắn trúng tuyển”, bà Thủy nói.
Bà Thủy cũng lưu ý, kể cả được thông báo trúng tuyển nhiều nguyện vọng xét tuyển sớm, thí sinh vẫn cần cân nhắc lựa chọn để đưa ra quyết định cuối cùng chính xác.
“Những năm trước đã có những tình huống thí sinh đỗ nguyện vọng 1 nhưng kiến nghị lên Bộ GD&ĐT bày tỏ mong muốn có thể theo học nguyện vọng 5. Lúc đó, Bộ GD&ĐT cũng không thể giúp các em được. Trong trường hợp các nguyện vọng xét tuyển sớm được thông báo trúng tuyển sớm song các em chưa quá thích, hoàn toàn có thể đăng ký nguyện vọng 1 là một ngành khác/trường khác mình thích hơn và đăng ký nguyện vọng xét tuyển sớm ở nguyện vọng 2 vẫn chắc chắn đỗ vào đại học”, bà Thủy chia sẻ thêm.