TS Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho rằng, không nên vào đại học bằng mọi giá. |
TS Đồng Văn Ngọc cho rằng những thí sinh thực sự đủ năng lực để học tốt ở bậc đại học, thì nên chọn đại học. Những em có học lực đuối hơn, nên tránh tâm lý vào đại học bằng mọi giá mà có thể cân nhắc đến những trường nghề.
Chỉ còn hơn 10 ngày nữa, các thí sinh trên cả nước sẽ bắt đầu làm thủ tục đăng ký dự thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học, cao đẳng. Đứng trước ngưỡng cửa lựa chọn nghề nghiệp, không ít thí sinh băn khoăn về việc nên học cao đẳng hay đại học khi học lực không thực sự khá. Cũng không ít thí sinh có suy nghĩ học trường nào ngành nào không quan trọng, miễn sao có thể vào đại học bằng mọi giá.
TS Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, người có nhiều năm trực tiếp tham gia tư vấn hướng nghiệp cho thí sinh đã giải đáp những thắc mắc của thí sinh.
Thưa ông, dù đã thực hiện nhiều công tác phân luồng, hướng nghiệp, song tâm lý “sính bằng đại học” vẫn còn rất phổ biến hiện nay, biểu hiện rõ nhất là nhiều thí sinh còn chưa mấy “mặn mà” với việc học nghề, cao đẳng. Ông suy nhĩ gì về vấn đề này?
Tâm lý trọng bằng cấp ở Việt Nam hiện nay vẫn còn rất nặng nề, qua quá trình tư vấn tuyển sinh, có thể thấy hầu như phụ huynh nào cũng muốn con tốt nghiệp THPT rồi đỗ vào một trường đại học nào đó. Nhưng có thể nói, thời điểm này, ngoại trừ những trường top đầu, thì rất nhiều trường đại học top dưới đang mở cửa, nới lỏng mọi điều kiện để tuyển sinh.
Như thông tin từ Bộ GD&ĐT, tính trung bình các trường đại học cũng chỉ tuyển được khoảng 70-80% chỉ tiêu. Như vậy chỉ cần tốt nghiệp THPT, thì cơ hội vào một trường đại học bất kỳ của các em là hoàn toàn có thể, không hề khó khăn.
Một đất nước có trình độ dân trí cao là hết sức cần thiết, do đó việc học đại học là rất tốt. Nhưng hiện tại, nền kinh tế của chúng ta đang ở mức thu nhập trung bình, phấn đấu đến năm 2030 trở thành nước có thu nhập trung bình cao và phát triển.
Do đó, từ nay đến năm 2030, nhu cầu nhân lực chủ yếu vẫn tập trung hầu hết ở khu vực làm việc trực tiếp, đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghiệp hỗ trợ, gia công, sản xuất, dịch vụ… Đây là những vị trí không cần trình độ đại học mà nằm ở khối giáo dục nghề nghiệp.
Nếu hiện tại em nào cũng cố gắng vào đại học bằng mọi giá, tương lai sẽ không thể có đủ vị trí việc làm, các em có thể phải ứng tuyển vào những vị trí việc làm yêu cầu trình độ thấp hơn bậc đại học, như vậy sẽ gây lãng phí cho cả gia đình và xã hội.
Thực tế hiện nay, cũng đã có không ít sinh viên tốt nghiệp đại học phải cất bằng để đi làm công việc lao động trực tiếp, hoặc làm những việc chỉ yêu cầu bằng cao đẳng, nhưng thu nhập lại chưa chắc cao bằng các bạn học nghề, cao đẳng, bởi các em không có lợi thế về tay nghề.
Tôi khuyên các em nên nhìn thẳng vào thực thế để có sự lựa chọn phù hợp.
Vậy thầy có lời khuyên nào cho những thí sinh đang phân vân giữa bậc đại học và cao đẳng, các em nên đăng ký xét tuyển nguyện vọng ra sao để tăng tỷ lệ đỗ vào các trường mong muốn?
Trong ngày hội tư vấn tuyển sinh diễn ra mới đây, cũng có rất nhiều em đặt câu hỏi, băn khoăn không biết nên chọn học cao đẳng hay đại học.
Để đưa ra quyết định, tôi cho rằng, các em cần phân tích năng lực và nhu cầu của bản thân, không nên chạy theo đám đông. Các em không nên nghĩ cứ tốt nghiệp THPT thì phải vào đại học bằng mọi giá.
Nếu các em có đủ năng lực, đủ đam mê để học đại học một cách tốt nhất, thì tôi khuyên các em nên học đại học, bởi khi đất nước phát triển, sẽ cần rất nhiều nhân lực chất lượng cao có trình độ đại học trở lên. Nhưng nếu không đủ năng lực, các em muốn vào đại học chỉ để oai, tôi khuyên nên dừng giấc cơ đó lại mà chọn ngay 1 trường nghề, trường cao đẳng theo đuổi ngành nghề mình đam mê, phù hợp.
Bên cạnh đó, các em cũng nên chọn ngành trước khi chọn trường. Khi biết được ngành mà mình đam mê, yêu thích, phù hợp với năng lực, sẽ tìm hiểu các trường có đào tạo ngành này. Khi chọn trường, các em cũng cần tìm hiểu kỹ năng lực, chất lượng đào tạo ngành đó ra sao.
Với các trường nghề, trường cao đẳng cần xem chính sách hỗ trợ người học sau khi ra trường. Hiện nay các trường đều công khai phương án tuyển sinh, các điều kiện về cơ sở vật chất, chương trình học, thí sinh có thể tham khảo trên website để có thêm căn cứ lựa chọn.
Nhiều thí sinh băn khoăn về việc có nên đăng ký theo ngành "hot" hay không, thầy có lời khuyên nào cho các em?
Nhiều em có đặt câu hỏi cho các thầy cô khi tư vấn tuyển sinh rằng em muốn chọn ngành “hot” nhưng lại sợ không đủ năng lực, nếu chọn những ngành khác lại sợ mất cơ hội vào những ngành đang rất hấp dẫn kia.
Thực tế, một đất nước phát triển, bất cứ ngành nghề nào cũng cần thiết và có sự gắn bó, liên hệ chặt chẽ với nhau. Theo quan điểm của tôi, không có ngành gì là “hot” hẳn. Nếu như ngành du lịch phát triển, thì sẽ kéo theo sự phát triển của ngành hàng không, vận tải, các dịch vụ nhà hàng khách sạn phát triển… Hay ngành công nghệ ô tô phát triển, yêu cầu cần có các linh kiện ô tô, dây điện, ốc vít… để thành phẩm và đưa ra thị trường thì lại liên quan đến khâu marketing, thương mại, dịch vụ…
Rõ ràng, một ngành phát triển sẽ kéo theo nhiều ngành khác cùng phát triển. Hiện nay các em mới chỉ đang hiểu đơn thuần, ngành nào có lương cao là ngành "hot".
Bên cạnh đó, chúng ta đang bước vào cuộc CMCN 4.0, khi mà robot và trí tuệ nhân tạo có thể khiến một số ngành nghề ở hiện tại có nguy cơ giảm dần và biến mất. Do đó, không thể nói ngành nào “hot” hay không “hot”. Các em nên căn cứ vào những điều kiện thực tế như lực học, sở trường, sở thích của bản thân, nhu cầu của xã hội với các ngành nghề để đưa ra sự lựa chọn, tránh tâm lý chạy theo đám đông.
Xin cảm ơn thầy!