Sau khi Sở GD&ĐT Hà Nội công bố môn thứ 4 thi vào lớp 10 ở Hà Nội là Lịch Sử, không ít phụ huynh đi tìm nơi ôn luyện môn này cho con. (Ảnh chụp màn hình) |
Cuộc chạy đua vào "công lập"
Trong kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập ở Hà Nội năm học 2021 - 2022, dự kiến chỉ có 60% học sinh có cơ hội vào các trường công lập. Chỉ tiêu ít, thí sinh đông, sức nóng của "cuộc đua" khiến phụ huynh, thí sinh tìm đến các lò ôn luyện ngày càng đông, đặc biệt là môn Lịch sử.
Chị Cao Thanh Phương, có con đang theo học lớp 9 tại trường Liên cấp Việt Úc (VAS) cho biết: "Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên học sinh không được lựa chọn môn thi. Sau khi nghe thông báo về môn thi Lịch sử tâm lý tôi bất an phần nào vì con chưa học được nhiều. Trong khu chung cư có 10 gia đình có con theo học lớp 9, chúng tôi đã quyết định thuê một thầy giỏi về luyện thi cho các con vào mỗi tối thứ 3, thứ 7 hàng tuần. Mỗi buổi 2 tiếng cũng mất 300.000 nghìn đồng mỗi cháu".
"Lịch học của con dày đặc như vậy cũng quá mệt mỏi nhưng bây giờ cũng sợ con không đỗ công lập nên đành động viên cháu cố ôn trong giai đoạn này. Nhà nhà cho con đi học để ôn luyện chẳng nhẽ con mình lại không đi", chị Phương nói.
Cũng có con thi vào lớp 10 năm nay, chị Minh Trang (Hàng Bài, Hoàn Kiếm) liên tục hỏi bạn bè, thầy cô về thông tin để tìm lớp ôn luyện cho con. Chưa tìm được nơi gửi gắm con thì tôi vẫn chưa yên tâm, dù là đi làm, hay ở nhà thì mọi câu chuyện chỉ xoay quanh việc học, ôn thi vào 10 cho con.
Cũng theo như phụ huynh này, sau một thời gian tìm hiểu chị đã tìm được một trung tâm uy tín ở Văn Quán - Hà Đông. Bởi nhiều phụ huynh đã từng cho con học tại đây và phản hồi rất tích cực và các con đạt điểm rất cao. Chưa kể đến trung tâm còn thường xuyên thi thử các môn Toán, Văn, Anh, Lịch sử cho các con.
"Mức học phí dao động 200-250.000 đồng thì tôi cảm thấy cũng khá hợp lý. Dù con tôi thì hoàn toàn không muốn đi học thêm tại trung tâm chút nào, nhưng vẫn phải cố, cố vì tương lai của chính các em", chị Minh Trang chia sẻ.
Đừng tạo áp lực cho con
Theo như nhận định của các giáo viên dạy Lịch sử lâu năm, thì môn thi thứ 4 có vẻ sẽ khó đối với các em học sinh học chưa tập trung, chủ quan, học lệch ngay từ đầu năm học. Tuy nhiên, trong 2 tháng tới đây thì vẫn còn thời gian để có thể khắc phục tình trạng này.
Thầy Nguyễn Tùng Sơn (giáo viên Lịch sử, trường PT Hermann Gmeiner, Hà Nội) cho biết, năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 thì môn thi thuộc tổ hợp xã hội sẽ giảm bớt gánh nặng cho các con.
"Lịch sử đã là môn được sử dụng thi rồi, kết quả nhận được khá tốt và có thể thấy nhiều sự khả quan cho môn thi này. Thầy cô bộ môn cũng đã có nhiều kinh nghiệm hướng dẫn cho các em ôn tập. Điều mà các phụ huynh cần làm lúc này là bình tĩnh chứ đừng đổ xô ép con vào các lò khiến con em áp lực", thầy Sơn nói thêm.
Cùng chung quan điểm của thầy Sơn, thầy Trần Thế Vinh (giáo viên trường THCS Liên Hà, Hà Nội) còn đưa thêm lời khuyên cho các em học sinh lớp 9, với môn này các em hãy chú ý lắng nghe thầy cô giảng bài trên lớp; gạch chân các ý chính trong bài học để tiện theo dõi và học tập. Nhưng hơn hết là các em phải thường xuyên xào lại kiến thức cũ và đọc bài mới trước khi đến lớp. Đồng thời, phải lưu các đề thi và đề ôn tập vào kẹp riêng để làm lại nhiều lần cho nhớ.
Để chuẩn bị cho hơn 300 học sinh lớp 9 tham dự kỳ thi lớp 10 có kết quả cao nhất, trường THCS Khương Đình ( quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã có lịch trình ôn tập kỹ lưỡng nhất cho các học sinh. Các giáo viên ôn thi cũng phải có sự thay đổi về phương pháp dạy và truyền tải kiến thức cho các em.
"Thay vì vào học lúc 7h30, nhà trường đã thay đổi sớm hơn 30 phút và yêu cầu giáo viên đến trường sớm để hỗ trợ các em ôn tập. Việc chia nhóm đối tượng ôn tập cũng rất được nhà trường chú trọng. Bởi nhận thấy đề thi có khoảng 10% câu hỏi vận dụng, còn lại là nhận biết và thông hiểu, do đó đề thi có tính phân loại không cao khả năng đạt điểm 9 - 10 rất dễ", cô Đỗ Thị Việt Hiền, Hiệu trưởng trường THCS Khương Đình cho hay.