Dễ cấm, khó áp đặt tuân thủ | |
Tăng cường phòng, chống xâm hại trẻ em |
Lao động trẻ em đã lấy đi tuổi thơ, tiềm năng và ảnh hưởng lớn đến sự phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần của trẻ. Từ góc độ cá nhân, theo bà, việc sử dụng lao động trẻ em vi phạm như thế nào đến quyền trẻ em?
Nếu trẻ em lao động giúp gia đình, để biết thành quả lao động làm ra, biết yêu quý công sức của cha mẹ không thể nói là vi phạm quyền trẻ em được, nhưng trong trường hợp trẻ em lao động nặng nhọc, nguy hiểm thì gọi là vi phạm. Theo quy định của Bộ luật Lao động, trẻ từ 15 tuổi trở lên có những điều kiện đầy đủ như học hành, có sức khỏe mới được lao động. Tất nhiên, lao động ở mức độ nào cũng là điều mà cha mẹ cho đến những người sử dụng lao động cần lưu ý. Trong đó, có những quy định như không được làm ban đêm, không được làm 8 giờ mỗi ngày và không được làm những công việc cấm.
Như vậy, trẻ em chưa phát triển đầy đủ, toàn diện cả về thể chất lẫn sự nhạy bén, kỹ năng nếu tham gia lao động ở những ngành nghề nghiêm cấm rất dễ gây ra tai nạn lao động. Đồng thời, nếu lao động quá giờ, thời gian học tập, nghỉ ngơi của các em cũng không được đảm bảo.
Bà Ninh Thị Hồng trả lời báo chí. (Ảnh: An Bình) |
Bà có cho rằng thực trạng trẻ em phải lao động quá sức sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần cũng như sức khỏe của các em trong tương lai?
Rõ ràng, các em còn bé mà phải gánh nặng, lao động quá sức sẽ không phát triển đầy đủ về thể chất. Bên cạnh đó, trong quá trình lao động, rất dễ có những tai nạn nghề nghiệp xảy ra với trẻ.
Thực tế, trẻ lang thang kiếm sống, bị cách ly khỏi môi trường gia đình từ sớm, phải đi làm thuê ở một nơi nào đó, các em rất dễ gặp những tệ nạn xã hội và tiêu cực lôi kéo. Thậm chí, trẻ còn bị chính chủ thuê lạm dụng sức lao động hoặc lạm dụng tình dục. Vì thế, gia đình không nên để con em đi lang thang kiếm sống hoặc lao động khi còn quá nhỏ. Bởi đồng tiền các em mang về cho gia đình có đáng hay không nếu các em trở thành con người khác, có thể bị hư hỏng vì bị những đối tượng xấu lôi kéo?
Xóa bỏ lao động trẻ em là một trong những ưu tiên toàn cầu. Trên chặng đường đó, chúng ta sẽ gặp những thách thức gì?
Xóa bỏ lao động trẻ em là một ưu tiên và Chính phủ Việt Nam cũng đã có những chương trình bảo vệ trẻ em khỏi lao động nặng nhọc, nguy hiểm và độc hại. Tuy nhiên, để có kết quả, theo tôi cũng cần sự chung tay của toàn xã hội.
Đầu tiên, chúng ta phải truyền thông cho mọi đối tượng được biết để bảo vệ trẻ. Ở Việt Nam, thường các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp nước ngoài không sử dụng lao động trẻ em. Tuy nhiên, một số cơ sở tư nhân, một số ngành nghề thủ công, ở làng nghề vẫn có lao động trẻ em tham gia. Vì vậy, chúng ta phải truyền thông mạnh mẽ, kiểm tra, giám sát chặt chẽ để không có loại hình lao động này có sử dụng lao động trẻ em.
Rõ ràng, Việt Nam là một nước lao động thuần nông, ranh giới giữa trẻ em giúp gia đình lao động với lao động quá sức rất gần. Vì thế, các gia đình phải được truyền thông một cách đầy đủ, giúp các bậc cha mẹ nhận thức về quyền trẻ em, trẻ có thể lao động ở mức độ nào, làm những công việc gì. Cha mẹ không nên khuyến khích con làm việc quá sức hoặc quá thời gian, nhất là có những nghề không nên dạy cho trẻ quá sớm.
Là người làm công tác về quyền trẻ em, theo bà cần phải đề ra các biện pháp và hành động gì để loại bỏ mọi hình thức lao động trẻ em, bảo vệ các em khỏi bị bóc lột?
Chúng ta cần phải nêu cao được tác hại của việc trẻ em lao động sớm để người dân tự giác thực hiện. Có những trường hợp ở vùng quê, miền núi, người dân nghèo khó, đôi khi trẻ em cũng là một lao động chính trong nhà. Vì vậy, truyền thông và phân tích để họ thấy được tác hại của lao động trẻ em cũng không phải là điều dễ dàng. Nhiều người lý luận rằng, nếu con cái họ không lao động giúp mẹ cha thì họ làm sao đảm bảo cuộc sống?
Cùng với nông thôn, ở một số thành phố lớn, chúng ta cũng phải hết sức quan tâm đến đối tượng trẻ em lang thang kiếm sống, không có người bảo hộ, không có người thân nuôi dưỡng.
Phòng chống lao động trẻ em là một ưu tiên toàn cầu. (Nguồn: Thanh Niên) |
Bà có thể nói cụ thể hơn?
Tôi nghĩ, các bậc phụ huynh cần được tập huấn, trao đổi, chia sẻ để ý thức cũng như biết được tác hại của lao động trẻ em. Con đi làm thuê nhưng là làm việc gì, làm đến thời điểm nào? Cha mẹ cầm được đồng tiền của con nhưng nhỡ có xảy ra tai nạn lao động hoặc con gầy gò, ốm yếu, tiền thu được cũng không đủ để chữa lành những vết thương hoặc để cho các em phát triển tốt. Vì vậy, chúng ta phải có tập huấn nâng cao năng lực, truyền thông riêng cho các gia đình đang có con tham gia lao động.
Như vậy, theo bà, truyền thông có trách nhiệm như thế nào trong công tác bảo vệ trẻ em khỏi bị bóc lột sức lao động?
Có thể nói truyền thông có một vai trò quan trọng trong bảo vệ trẻ em khỏi bị bóc lột sức lao động. Chúng ta phải dành thời lượng nhất định để viết, trao đổi cho mọi đối tượng hiểu và ngăn ngừa. Chúng ta phải chủ động "ra quân" chứ không phải để tình trạng sử dụng lao động trẻ em xảy ra rồi mới xử lý. Chúng ta phải đưa ra những lập luận để người dân thấy rằng, ngăn ngừa lao động trẻ em cũng là bảo vệ các em khỏi những nguy cơ đối với sự phát triển của trẻ.
Muốn xóa bỏ hình thức lao động trẻ em, truyền thông phải có nhiều hình thức, nhiều sáng kiến, nhiều bài viết hoặc bằng chứng sát thực. Từ đó, để người dân và các bậc cha mẹ hoặc những hộ sản xuất đang sử dụng lao động trẻ em thấy rằng không nên thực hiện nữa. Bởi đó không chỉ là bóc lột sức lao động mà còn lấy đi tuổi thơ của trẻ. Lúc ấy, việc chúng ta ngăn ngừa lao động trẻ em mới thu được kết quả.
Trân trọng cảm ơn bà!
Theo ILO, tại các khu vực xung đột có 1,5 tỷ người sinh sống và khoảng 200 triệu người bị ảnh hưởng của thiên tai hàng năm, trong đó 30% là trẻ em. Trong số 168 triệu trẻ em đang phải lao động, có khoảng 50% trẻ em làm những công việc nguy hiểm. Theo số liệu thống kê của Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội), cả nước có khoảng hơn 1,75 triệu lao động trẻ em, chiếm gần 10% dân số trẻ em toàn quốc. Trong đó, 67% trẻ em làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ (16,6%), công nghiệp – xây dựng (15,8%). Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016-2020. |
Phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về tăng cường các giải pháp ... |
Trách nhiệm nhà giáo và quyền trẻ em Chúng ta đã có nhiều nỗ lực đáng kể nhưng vẫn chưa thực sự bảo vệ trẻ em một cách hiệu quả. Vẫn còn nhiều ... |
Sôi động Ngày hội trẻ em vui đọc Cuối tuần qua, hơn 300 phụ huynh và học sinh đã tham dự sự kiện cộng đồng Kids Read - Trẻ em vui đọc tại ... |