📞

Xóa định kiến với giới tính thứ 3: Nỗ lực từ 2 phía!

14:50 | 11/01/2019
Là người nổi tiếng, có ảnh hưởng cũng như tiếng nói trong giới truyền thông, nhà báo Ngô Bá Lục, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, Báo Thể thao Việt Nam cho rằng, muốn thay đổi quan niệm, suy nghĩ và đặc biệt là xóa đi định kiến với người thuộc giới tính thứ 3 cần sự nỗ lực từ hai phía.
Nhà báo Ngô Bá Lục, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, Báo Thể thao Việt Nam. (Ảnh: NVCC)

Hiện nay, thuật ngữ “thế giới thứ 3” hay “giới tính thứ 3” đã trở thành cụm từ khá phổ biến, được sử dụng nhiều trên truyền thông. Theo anh, việc nhìn nhận giới tính thứ 3 ở Việt Nam đã thực sự cởi mở hay chưa?

Có thể nói, việc nhìn nhận giới tính thứ  3 ở Việt Nam đã có phần cởi mở hơn. Tất nhiên, chưa hẳn 100% người dân đã chấp nhận chuyện này, bởi đâu đó còn có những ông bố, bà mẹ coi đó là “bệnh” của con cần phải chữa chạy. Tuy nhiên, đa số người dân, đặc biệt là dân đô thị đã coi “giới tính thứ 3” là điều hoàn toàn bình thường.

Tại Việt Nam thì như vậy, còn câu chuyện này ở nước ngoài ra sao?

So với một số quốc gia, Việt Nam vẫn văn minh khi coi giới tính thứ 3 là chuyện bình thường. Thực tế, nhiều nước vẫn chưa cởi mở và không chấp nhận chuyện này. Họ coi đây là căn bệnh, hoặc là sự ô nhục cho cộng đồng nên hành xử vô cùng tàn bạo với những người đồng tính lỡ bị “lộ”.

Tất nhiên, ở những nước phương Tây có cái nhìn thoáng hơn và cũng có nhiều hội dành cho giới LGBT (đồng tính, song tính và chuyển giới) hoạt động hơn.

Phải chăng những người ở giới tính thứ 3 vẫn còn gặp nhiều rào cản về văn hóa?

Văn hoá và dân trí là những yếu tố quan trọng quyết định việc các bạn thuộc LGBT có được xã hội chấp nhận hay không. Dân trí phụ thuộc vào trình độ, còn văn hoá lại xuất phát từ quan niệm và phong tục, tập quán của mỗi quốc gia.

Ở Việt Nam, những nơi có trình độ dân trí cao, rào cản văn hoá ngày càng được rút ngắn lại đối với giới LGBT. Họ được cộng đồng nơi đó tôn trọng hơn, được thoải mái thể hiện bản thân mình hơn và được nhìn nhận công bằng như những người dị tính khác.

Tại những nơi dân trí thấp, phong tục và quan niệm còn nặng nề, những người thuộc giới tính thứ 3 phải sống giấu mình hoặc khép mình hơn. Như thế, họ cũng thiệt thòi, khó khăn hơn trong việc được sống là chính mình và lao động, cống hiến cho xã hội cũng như cho bản thân.

Thực tế, nhiều nước vẫn coi LGBT là một “căn bệnh”. (Nguồn: AFP)

Nói về giới tính thứ 3 và những định kiến ở Việt Nam, anh sẽ nói gì?

Tôi nghĩ, giới tính nào thì những yếu tố như trình độ, văn hoá, tri thức, đạo đức, tài năng vẫn quan trọng hơn cả để đánh giá về một con người cụ thể. Vì thế, dù có là dị tính hay ở thế giới LGBT vẫn cần phải có một cái nhìn công bằng, khách quan.

Định kiến ở đâu cũng có, kể cả phương Tây được đánh giá là văn minh nhất thế giới. Tất nhiên, định kiến không chỉ đến từ quan niệm, văn hóa mà đôi khi lại đến từ những chuyện tiêu cực của giới LGBT. Vì thế, bên cạnh việc kêu gọi cộng đồng hiểu và chia sẻ với giới LGBT, tôi nghĩ chính các bạn ấy cũng luôn phải cố gắng để tránh xảy ra những điều tiêu cực dễ gây mất thiện cảm.

Hẳn là họ vẫn còn vấp phải không ít định kiến xã hội và thực tế vượt qua những định kiến xã hội ấy không phải là điều dễ dàng?

Cái gì cũng cần thời gian, không thể đốt cháy giai đoạn được. Muốn thay đổi quan niệm, suy nghĩ và đặc biệt là xóa đi định kiến, chắc chắn cần sự nỗ lực từ hai phía. Vấn đề tuyên truyền về mặt luật pháp từ các cơ quan, tổ chức xã hội cho cộng đồng LGBT cần phải được đẩy mạnh hơn nữa.

Bên cạnh đó, tự thân các bạn trong cộng đồng LGBT cũng cần được tư vấn tâm lý và trang bị các kỹ năng mềm để có thể ứng xử hợp lý với các tình huống. Vượt qua định kiến là điều không hề dễ dàng với bất kỳ ai, không chỉ riêng cộng đồng LGBT. Tuy nhiên, tôi vẫn tin vào sự nỗ lực của mỗi người khi đứng trước khó khăn, nếu họ thực sự mạnh mẽ và thông minh thì sẽ đạt được điều mình muốn.

Cộng đồng giới tính thứ 3 ở nước ta đã được hỗ trợ đầy đủ về mặt chính sách và pháp luật chưa, thưa anh?

Có lẽ là chưa đủ, cần phải đẩy mạnh việc hỗ trợ cho cộng đồng LGBT ở nhiều khía cạnh như luật pháp, chính sách, tâm lý, việc làm…

Bị kỳ thị, phân biệt đối xử nặng nề, họ phải đối diện với rất nhiều khó khăn từ nhiều phía, bao gồm cả từ gia đình, nơi làm việc, trên truyền thông, trong lĩnh vực y tế, giáo dục. Từ đó, nhiều người sống trong tâm trạng thu mình và dễ rơi vào tình thế rủi ro?

Mọi thứ giờ đây đã có biến chuyển, đặc biệt là sự nhìn nhận từ xã hội với cộng đồng LGBT. Bởi vậy, việc kỳ thị quá mức tôi nghĩ là có, nhưng không nhiều.

Tuy nhiên, trong một nghiên cứu trước đây của Viện nghiên cứu kinh tế - xã hội và môi trường (ISEE) khảo sát trực tuyến trên 3.200 người đồng tính nam tại Việt Nam cho thấy: 20% đồng tính nam bị bạn bè bỏ rơi; 15% bị cha mẹ chửi mắng, đánh đập... Như vậy, có giải pháp nào thực chất hơn để giúp những người ở giới tính thứ 3 có thể hòa nhập hơn với cộng đồng?

Như tôi đã đề cập ở trên, muốn mọi thứ trở nên tốt đẹp thì cần sự nỗ lực từ hai phía. Không thể trách những người còn khắt khe với cộng đồng LGBT và chúng ta cũng không có quyền kỳ thị cộng đồng này. Vấn đề ở đây là ngoài việc tuyên truyền, hỗ trợ của các cơ quan đoàn thể xã hội, tự những người trong cộng đồng LGBT cũng phải nỗ lực để hoàn thiện bản thân và chứng minh được giá trị của chính mình.

Xin cảm ơn anh!

(thực hiện)