Đại biểu thực hiện nghi thức công bố xuất khẩu lô xoài đầu năm 2022 của Đồng Tháp sang thị trường châu Âu. (Nguồn: TTXVN) |
Ngày 19/2, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức lễ công bố xuất khẩu lô xoài đầu năm 2022 sang thị trường châu Âu.
Đơn vị xuất khẩu xoài là Công ty cổ phần Cánh cổng Vàng Việt Nam, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Westerfarm (huyện Cao Lãnh). Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tịnh Thới (thành phố Cao Lãnh) là đơn vị cung ứng xoài để xuất khẩu.
Đánh giá cao chất lượng xoài của Đồng Tháp, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Giám đốc Công ty cổ phần Cánh cổng Vàng Việt Nam cho biết, từ nay đến tháng 3/2022, công ty sẽ xuất khẩu 8 tấn xoài sang châu Âu.
Ban đầu, công ty xuất khẩu xoài sang châu Âu cho một tập đoàn ở Hà Lan với 8 tấn/tuần, sau đó sẽ tăng dần lên và triển khai xuất khẩu xoài sang một số thị trường khác.
Ngoài mặt hàng xoài, nhu cầu xuất khẩu của công ty thời gian tới còn có những loại nông sản là thế mạnh của Đồng Tháp như gạo, nhãn, sầu riêng, mít, ổi, ớt…
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn, sau lễ công bố xuất khẩu lô xoài Việt Nam đầu tiên sang Hoa Kỳ được tổ chức tại Đồng Tháp vào năm 2019, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo các ngành chuyên môn xây dựng chương trình trọng điểm, xúc tiến thương mại, kêu gọi đầu tư nhằm thúc đẩy phát triển thị trường cho các loại cây ăn quả, nhất là xoài. Từ đó, đảm bảo cho xoài Đồng Tháp đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang những thị trường khó tính, trong đó có châu Âu.
Chia sẻ niềm phấn khởi và tự hào khi xoài của Đồng Tháp xuất khẩu sang châu Âu, ông Huỳnh Minh Tuấn bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương để nông sản Đồng Tháp có thể vươn xa hơn nữa, thâm nhập nhiều thị trường trên thế giới nhằm mang lại thu nhập, hiệu quả cao cho nhà vườn.
Xoài của Đồng Tháp được xuất khẩu sang châu Âu. (Nguồn: TTXVN) |
Tại Đồng Tháp, xoài là một trong những ngành hàng chủ lực trong Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh. Nhiều năm qua, Đồng Tháp tập trung đầu tư nguồn lực cho ngành hàng xoài về hạ tầng kỹ thuật, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất. Đó là xử lý để rải vụ thu hoạch xoài, bao trái, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp chứng nhận nhãn hiệu "Xoài cát chu Cao Lãnh" và "Xoài Cao Lãnh"; chỉ dẫn địa lý "Cao Lãnh" cho sản phẩm xoài của Đồng Tháp.
Đến nay, các nhà vườn trồng xoài trong tỉnh Đồng Tháp đã hình thành 8 hợp tác xã, 37 tổ hợp tác và 23 hội quán nông dân; liên kết sản xuất và tiêu thụ xoài dài hạn trên 1.000 ha với hơn 10 doanh nghiệp. Ngoài tiêu thụ xoài tươi, một số doanh nghiệp thực hiện chế biến thành các sản phẩm hấp dẫn như: xoài sấy dẻo, xoài đông lạnh, rượu xoài, bánh phồng xoài, dưa xoài…
Đồng Tháp đã hình thành được 2 vùng chuyên canh xoài quy mô lớn tại huyện Cao Lãnh, thành phố Cao Lãnh và đang mở rộng diện tích tại một số huyện Thanh Bình, Lấp Vò, Châu Thành…
Diện tích trồng xoài của tỉnh khoảng 13.000ha, sản lượng gần 113.000 tấn. Diện tích xoài được sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP hơn 353 ha, GlobalGAP là 55 ha.
Hiện Đồng Tháp đã đăng ký 62 mã vùng trồng (3.927 ha) để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc; 45 mã vùng trồng (988 ha) để xuất khẩu sang thị trường các nước phát triển khác.
| Khẳng định 'giá trị' thương hiệu Đồng Tháp trong mắt nhà đầu tư Từ một địa phương “khuất nẻo”, chưa nổi bật trên bản đồ kinh tế, hiện nay tỉnh Đồng Tháp đã cải thiện hình ảnh đáng ... |
| Đồng Tháp cung ứng 'combo' nông sản nhanh, chất lượng đến người tiêu dùng Tiêu thụ nông sản qua hình thức "combo" ở tỉnh Đồng Tháp đang được Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp kết nối để bán hàng ... |