Điều đáng lo ngại là hiện tượng kết hôn muộn hoặc không kết hôn có thể dẫn tới ảnh hưởng đến cân bằng nam nữ và sự phát triển của toàn xã hội.
Báo động ở châu Á
Viện nghiên cứu châu Á của trường Đại học quốc lập Singapore mới cho biết, nếu như 30 năm trước đây, ở châu Á chỉ có 2% phụ nữ ở độ tuổi kết hôn sống độc thân thì đến nay, tại Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan số phụ nữ trên 30 tuổi sống độc thân đã vượt quá 20%. Tại các thành phố lớn, tỷ lệ không kết hôn khá cao: 20% phụ nữ Bangkok (Thái Lan) từ 40 đến 44 tuổi không kết hôn, cùng độ tuổi đó chiếm 21% ở Tokyo (Nhật Bản), còn ở Singapore kể cả phụ nữ có bằng đại học chiếm tới 27%. Ngày nay, kết hôn dường như không còn hấp dẫn với phụ nữ.
Nguyên nhân khiến phụ nữ châu Á nói chung ngại kết hôn là do họ đang có được một cuộc sống thoải mái. Theo số liệu cung cấp, ở Tokyo, có tới 70% phụ nữ không kết hôn hiện sống chung với bố mẹ. Phụ nữ hiện đại đều có công việc của riêng mình, không muốn vì kết hôn mà mang lại nhiều phiền toái. Chính vì họ có khả năng về kinh tế nên những cô gái công chức ngày nay dường như đã bỏ qua những gì được coi là văn hóa truyền thống. Nhiều phụ nữ Hàn Quốc cho rằng kết hôn không cần thiết khi họ cố gắng lấy được tấm bằng thạc sỹ, rồi sau đó, công việc phải bỏ dở, chỉ lo phục vụ gia đình.
Định kiến và kiêu hãnh
Tạp chí Tea Leaf Nation có công bố một cuộc khảo sát gần đây của hơn 35.500 phụ nữ độc thân ở Trung Quốc về thái độ của họ đối với đàn ông và hôn nhân. Khảo sát trong đó bao gồm các câu hỏi như "Tại sao bạn vẫn còn độc thân?" và "Những loại người đàn ông bạn hy vọng sẽ kết hôn?" đã cho kết quả có 51,13% số phụ nữ coi "kết hôn" là mục tiêu của họ. Khảo sát cũng chỉ ra ba đặc điểm hàng đầu về nam giới khiến cho họ thích sống độc thân là "mơ hồ về tình yêu", "nói nhiều nhưng làm ít" và "sự keo kiệt".
Theo ông Dudley L. Poston, giáo sư xã hội học tại Đại học Texas A&M (Corpus Christi), người từng nghiên cứu nhân khẩu học ở nhiều nước châu Á thì "thực sự không có lối thoát cho những phụ nữ độc thân, ngoài việc kết hôn và sinh con nối dõi tông đường". Tuy nhiên, cũng theo Poston, thực trạng này đang dần thay đổi. Thế hệ phụ nữ mới, xinh đẹp, tự tin và sở hữu một sự nghiệp riêng vững chắc đang ngày càng gia tăng ở Trung Quốc. Thay vì biệt danh "gái ế", họ tự gọi mình bằng mỹ từ “danshan quizu”, hay "những quý cô độc thân" và họ sẵn sàng chối bỏ lối tư duy cũ và duy trì cuộc sống độc thân từ 10 tới 15 năm. Cũng như cách nói của Joy Chen, tác giả cuốn sách Đừng kết hôn trước tuổi 30 thì "Tại sao phụ nữ độc thân bị gọi là "bà cô", trong khi các anh chàng chưa vợ lại được ưu ái gọi là "địa chỉ đẹp"?
Kinh doanh "tình yêu" hưởng lợi?
Nghiên cứu gần đây của Liên hiệp Phụ nữ Trung Quốc cho thấy, nước này có khoảng 200 triệu người độc thân và một nửa trong số đó đang tìm kiếm tình yêu qua mạng. Như vậy, hẹn hò qua mạng là một hoạt động kinh doanh lớn ở Trung Quốc với những trang web hẹn hò như Jiayuan.com, Baihe.com và Zhenai.com. Các trang này cũng thường tổ chức những buổi gặp mặt trực tiếp và nếu người dùng trả thêm chút phí, họ sẽ cung cấp dịch vụ hẹn hò với những đối tượng "tiềm năng", qua đó giúp tiết kiệm thời gian và công sức cho những người độc thân.
Ngoài hẹn hò trực tuyến, người ta còn tổ chức ra các lớp học dạy cách làm quen cùng các chiêu trò chinh phục đối phương. Tất nhiên không phải ai cũng đều hài lòng với sự giúp đỡ của các trung tâm hẹn hò qua mạng và các chuyên gia tình yêu bởi vì các bức ảnh trên mạng, các tính cách được giới thiệu chẳng mấy khi giống với người thật. Nhưng bất chấp những hạn chế đó, nhiều phụ nữ đã nhiều tuổi, qua nhiều năm sống độc thân vẫn quyết tâm tìm bạn đời nhờ dịch vụ hẹn hò qua mạng mà chưa biết may rủi ra sao.
AN BÌNH (tổng hợp)