Trạm năng lượng mặt trời ở Tongchuan, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, ngày 11/12/2019. (Nguồn: Reuters) |
Bức tranh năng lượng toàn cầu hiện đan xen bởi những gam màu sáng và trầm khác nhau. Bối cảnh hàng loạt các vấn đề hiện hữu như biến đổi khí hậu, các bệnh dịch, căng thẳng địa chính trị, hệ lụy từ cuộc xung đột Nga-Ukraine... có thể khiến dòng chảy năng lượng thế giới đổi hướng.
Trong đó, năng lượng tái tạo là “sắc nóng” đang thu hút sự quan tâm của dư luận, các nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học cũng như các nhà hoạt động khí hậu. Việc chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo đang trở thành xu hướng quan trọng tại nhiều quốc gia trên thế giới, là chìa khóa để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu đồng thời đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững.
Năng lượng tái tạo là gì?
Theo định nghĩa của Liên hợp quốc, năng lượng tái tạo là năng lượng có nguồn gốc từ tự nhiên, tốc độ bổ sung nhanh hơn tốc độ tiêu thụ. Chẳng hạn, ánh sáng mặt trời và gió là những nguồn được bổ sung liên tục. Các nguồn năng lượng tái tạo dồi dào và sẵn có xung quanh ta. Sản xuất năng lượng tái tạo tạo ra lượng khí thải thấp hơn nhiều so với việc đốt nhiên liệu hóa thạch như than, dầu, khí đốt...
Tổ chức nghiên cứu và công nghệ TWI (Anh) đã phân biệt sự khác nhau giữa năng lượng tái tạo, năng lượng xanh và năng lượng sạch. Theo đó, năng lượng tái tạo đến từ các nguồn hoặc các quá trình được bổ sung liên tục, năng lượng sạch là những nguồn không thải ra chất ô nhiễm như carbon dioxide, còn năng lượng xanh là đến từ các nguồn tự nhiên.
Tổ chức TWI cho rằng không phải tất cả loại năng lượng tái tạo đều thực sự sạch hoặc xanh hoàn toàn. Chẳng hạn, một số nguồn thủy điện có thể khiến môi trường sống tự nhiên bị phá hủy và gây ra nạn phá rừng.
Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) chia năng lượng tái tạo thành sáu loại: năng lượng sinh học có nguồn gốc từ tài nguyên sinh khối; năng lượng địa nhiệt có nguồn gốc từ quá trình sinh nhiệt của chính trái đất; thủy điện; năng lượng đại dương; năng lượng mặt trời; năng lượng gió.
Định nghĩa về năng lượng tái tạo có thể được tiếp cận từ nhiều hướng khác nhau, nhưng điểm chung của các định nghĩa cho rằng năng lượng tái tạo đến từ các nguồn tài nguyên được bổ sung liên tục và gần như không cạn kiệt.
Sự chuyển dịch tất yếu
Trên thực tế, năng lượng hóa thạch hiện được sử dụng phổ biến nhất, từ lâu đã như một phần không thể thiếu đối với hoạt động kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, nguồn dự trữ nhiên liệu hóa thạch có giới hạn, trong khi dân số và nhu cầu tiêu thụ năng lượng của thế giới liên tục gia tăng. Ngoài ra, việc khai thác, sản xuất và sử dụng nhiên liệu hóa thạch đã gây ra nhiều tác động xấu đối với môi trường.
Trong bối cảnh đó, năng lượng tái tạo từ gió, mặt trời... có thể khắc phục cả hai vấn đề trên với nguồn cung gần như vô tận và thân thiện môi trường. Điện sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo này cũng có giá cạnh tranh hơn các nguồn điện nhiên liệu hóa thạch truyền thống và giúp tạo ra nhiều việc làm. Với những đặc trưng trên, xu hướng phát triển năng lượng tái tạo có thể khiến bản đồ năng lượng toàn cầu được “vẽ lại”, thay đổi đáng kể trong những năm tới.
Theo Báo cáo Năng lượng tái tạo 2021 – Phân tích và Dự báo đến năm 2026 của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), sản lượng điện tái tạo toàn cầu ước tính đạt 8300 TWh năm 2021, tăng khoảng 8% so với cùng kỳ năm trước và đánh dấu mức tăng hàng năm cao nhất kể từ 1970.
Trong đó, điện mặt trời và điện gió đóng góp khoảng hai phần ba mức tăng trưởng năng lượng tái tạo. Công suất điện tái tạo được cho rằng sẽ tăng tốc trong giai đoạn dự báo của Báo cáo IEA, chiếm gần 95% mức tăng công suất điện toàn cầu đến năm 2026.
Từ năm 2021-2026, mức bổ sung của công suất năng lượng tái tạo dự báo đạt trung bình 305 GW/năm đối với kịch bản cơ sở, có thể đạt 380 GW/năm đối với kịch bản tăng trưởng. Tuy nhiên, để thế giới có thể đạt phát thải ròng vào năm 2050, tăng trưởng công suất năng lượng tái tạo hàng năm cần tăng hơn 80% so với kịch bản tăng trưởng đó.
Điều này đồng nghĩa rằng các quốc gia cần tăng tốc hơn nữa trong việc theo đuổi xu hướng năng lượng tái tạo, nỗ lực hơn nữa để giải quyết những vấn đề về chính sách, thực thi cũng như nâng các cam kết khí hậu.
Dự án Điện gió số 5 - Ninh Thuận của Trungnam Group tại xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. (Nguồn: Trungnam Group) |
Xu hướng trên toàn cầu
Dẫn đầu cuộc đua tăng trưởng trong ngành năng lượng tái tạo là Trung Quốc - chiếm gần một nửa mức tăng trưởng toàn cầu về năng lượng tái tạo, tiếp theo là Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Ấn Độ. Chỉ riêng bốn thị trường này đã chiếm gần 80% công suất tái tạo mở rộng trên toàn thế giới.
Là quốc gia phát thải khí nhà kính hàng đầu và dân số đông nhất thế giới, việc Trung Quốc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo có ý nghĩa đáng kể đối với mục tiêu khí hậu của toàn cầu nói chung.
Tháng 10/2021, nước này ban hành hướng dẫn theo đuổi mục tiêu đạt mức phát thải đỉnh điểm đến 2030 và trung hòa khí thải carbon trước 2060. Trung Quốc đặt mục tiêu tăng dần tỷ lệ tiêu thụ năng lượng không hóa thạch lên khoảng 20% vào năm 2025, khoảng 25% vào năm 2030 và trên 80% vào năm 2060.
Việc Trung Quốc cam kết trung hòa carbon trước năm 2060 cũng dẫn tới các mục tiêu lâu dài mới như nâng tổng công suất năng lượng mặt trời và gió lên 1200 GW vào năm 2030, tăng từ 530 GW năm 2020.
Với EU, bằng cách theo đuổi xu hướng tăng tỷ lệ các nguồn tái tạo trong cơ cấu tiêu thụ năng lượng, các quốc gia EU có thể đảm bảo an ninh năng lượng, bớt phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga cũng như thay thế các nguồn nhiên liệu hóa thạch đang trở nên đắt đỏ.
Các nước thành viên EU được yêu cầu thiết lập Kế hoạch năng lượng và khí hậu quốc gia (NECP) cho giai đoạn 10 năm từ năm 2021-2030, nhằm thúc đẩy mục tiêu của chương trình “Phù hợp cho 55” (châu Âu sẽ giảm 55% lượng khí thải vào năm 2030 và trung hòa carbon vào năm 2050).
Vào tháng 6/2021, EU đã huy động 20 tỷ Euro trong đợt phát hành trái phiếu lần đầu cho quỹ Next Generation EU, đánh dấu đợt phát hành trái phiếu lớn nhất từ trước đến nay ở châu Âu. Quỹ Next Generation EU có mục đích hỗ trợ các nước thành viên phục hồi kinh tế hậu đại dịch, xây dựng châu Âu theo hướng xanh hơn, số hóa và linh hoạt hơn.
Để tài trợ cho NextGeneration EU, Ủy ban châu Âu (EC) đã lên kế hoạch huy động tổng cộng 800 tỷ Euro từ thị trường vốn giai đoạn 2021-2026, trong đó góp một phần vào tài trợ năng lượng tái tạo.
Với vị thế là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về sản lượng năng lượng tái tạo, Mỹ tiếp tục theo đuổi các mục tiêu đầy tham vọng và thực thi các chính sách hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo lên mức cao mới.
Tổng thống Joe Biden đã đưa Mỹ trở lại với Thỏa thuận Paris ngay sau khi nhậm chức. Vào tháng 4/2021, ông Joe Biden tuyên bố cam kết giảm 50% khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 so với mức của năm 2005, tăng gấp đôi so với mức cam kết dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama.
Báo cáo của Bộ Năng lượng Mỹ cho biết năng lượng mặt trời có thể chiếm tới 40% nguồn cung điện của nước này vào năm 2035 và 45% vào năm 2050, tăng so với mức hiện tại chỉ là 3%.
Mỹ đặt mục tiêu sản xuất 30 GW điện gió vào năm 2030, trở thành nền tảng trong chiến lược ứng phó với vấn đề nóng lên toàn cầu, khử carbon trong lưới điện của Mỹ vào năm 2035 đồng thời tạo ra hàng nghìn việc làm.
Tháng 2/2022, Mỹ đã tiến hành đấu thầu các cơ sở năng lượng gió ngoài khơi New York và New Jersey, là cuộc đấu thầu lớn nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực này ở Mỹ và cũng là thương vụ đấu thầu năng lượng gió ngoài khơi đầu tiên dưới thời Tổng thống Biden.
Đến tháng 6/2022, Tổng thống Biden kích hoạt Đạo luật Sản xuất quốc phòng (DPA), đẩy nhanh quá trình sản xuất công nghệ năng lượng sạch trong nước, cho thấy quyết tâm của Mỹ trong việc theo đuổi kế hoạch nâng sản lượng điện mặt trời. Ông chủ Nhà Trắng đang tiếp tục thúc giục Quốc hội Mỹ thông qua giảm thuế và các khoản đầu tư bổ sung nhằm tăng tốc quá trình sản xuất cũng như triển khai năng lượng sạch tại nước này.
Các cam kết về khí hậu và xu hướng năng lượng tái tạo tại các quốc gia trên đã tác động đáng kể tới sự chuyển dịch trong bức tranh năng lượng toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng.
Thời gian qua, lĩnh vực năng lượng tái tạo của Việt Nam đã ghi nhận những bước chuyển mình ấn tượng.
Việt Nam đã và đang đứng trước những cơ hội lớn để đón đầu xu hướng chuyển dịch sang năng lượng tái tạo. Với những định hướng hỗ trợ từ chính phủ, nỗ lực tận dụng cả nguồn lực trong nước và quốc tế cùng việc học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước sẽ là những động lực quan trọng để Việt Nam có thể phát triển tốt nguồn năng lượng tái tạo của mình, thay đổi bức tranh năng lượng quốc gia theo hướng tích cực hơn nữa.