📞

Xu thế ngoại giao hiện đại: Phát triển để thích ứng

TS. Nguyễn Hùng Sơn 18:59 | 28/08/2023
Trước các xu thế phát triển khách quan của môi trường quốc tế, để xây dựng thành công nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, chúng ta cần tiếp tục đổi mới tư duy, nhận thức...
TS. Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao (giữa). (Ảnh: Minh Quân)

Ngoại giao là biện pháp tác động đến chính phủ và người dân của các quốc gia khác thông qua các biện pháp như đối thoại, đàm phán, mặc cả, thông tin, tuyên truyền hoặc viện trợ, thương mại... nhằm tạo ảnh hưởng hoặc gây sức ép lên các quốc gia đó.

Hình thức của các hoạt động ngoại giao thường bao gồm trao đổi đoàn, hội nghị, hội thảo, thương lượng, trao đổi công hàm, tiếp khách, chiêu đãi, tương tác với nhà báo, học giả, sử dụng mạng xã hội... Các hoạt động ngoại giao đa phần được tiến hành công khai, chính thức, song nhiều hoạt động cũng có thể được tiến hành bán chính thức, không chính thức; có hoạt động thì bí mật, không công khai.

Nét mới của ngoại giao thế kỷ XXI

Ngoại giao truyền thống như mô tả ở trên có đặc trưng là lấy ngoại giao nhà nước làm trung tâm, do bộ ngoại giao các nước làm chủ đạo và giao thiệp với bên ngoài thông qua các kênh và hình thức truyền thống. Ngoại giao hiện đại trong thế kỷ XXI về cơ bản tiếp tục các chức năng, phương pháp của ngoại giao truyền thống, tuy nhiên cũng đã và đang có nhiều thay đổi để thích ứng với những biến chuyển to lớn về kinh tế, kỹ thuật và chính trị xã hội quốc tế. Theo đó, chủ thể, mục tiêu, chức năng, phạm vi, không gian, công cụ, phương tiện của ngoại giao đều đang có nhiều phát triển mới.

Thứ nhất, nhiều chủ thể mới xuất hiện. Ngoại giao ngày nay không chỉ do nhà nước thực hiện mà có nhiều chủ thể mới như các tổ chức phi chính phủ, phi nhà nước, do các địa phương, các thành phố lớn, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, tập đoàn xuyên quốc gia, các cá nhân, nhất là các cá nhân có ảnh hưởng quốc tế. Trung Quốc gần đây đặc biệt chú trọng ngoại giao địa phương nhằm thúc đẩy các lợi ích phi chính trị với các tỉnh bang, thành phố lớn của những quốc gia Bắc Mỹ, châu Âu là một ví dụ.

Một điển hình khác là trong khi quan hệ chính thức Mỹ-Nga đóng băng, các kênh ngoại giao bán chính thức, ngoại giao học giả giữa Mỹ-Nga đang tích cực “phá băng”, tìm kiếm lối thoát cho xung đột Nga-Ukraine. Sự gia tăng chủ thể tham gia đối ngoại còn biểu hiện ở việc ngày càng nhiều nước áp dụng cách tiếp cận “toàn chính phủ” trong đối ngoại, trong đó các bộ ngoại giao không còn là chủ thể duy nhất mà ngày càng đóng vai trò chủ thể tiên phong, dẫn dắt, điều phối.

Thứ hai, ngoại giao có thêm mục tiêu, chức năng mới. Ngoại giao ngày nay không chỉ phục vụ lợi ích quốc gia theo nghĩa hẹp mà còn phục vụ lợi ích của doanh nghiệp, người dân, các địa phương bên trong quốc gia; bảo vệ lợi ích chung của khu vực và của cộng đồng quốc tế. Ngoại giao ngày càng có trọng trách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xúc tiến “thương hiệu quốc gia”, đóng góp nhiều vào mục tiêu “quản trị” bên ngoài quốc gia...

Do vậy, ngoại giao ngày càng mở rộng sang đa lĩnh vực như năng lượng, môi trường, tài chính, nhân quyền, y tế, thông tin, tội phạm xuyên quốc gia, công nghệ...; ngày càng được triển khai trên các không gian mới như không gian học thuật, không gian mạng, không gian truyền thông, sử dụng nhiều phương tiện, công cụ mới hiện đại như ngoại giao số, ngoại giao con thoi... Chẳng phải thế mà ngày càng nhiều nhà ngoại giao thế giới có kỹ năng tiếp thị sản phẩm chuyên nghiệp như các doanh nghiệp, trong khi nhiều chủ tịch tập đoàn lại bình luận về chính trị thế giới như các nhà ngoại giao!

Các xu thế trên đang đặt ra các yêu cầu mới với đội ngũ cán bộ ngoại giao toàn cầu, vì họ không chỉ cần là các “công dân toàn cầu”, có khả năng ngôn ngữ, có hiểu biết và nhạy cảm về văn hóa và nghi lễ, có kiến thức tổng hợp, mà nhà ngoại giao hiện đại còn cần khả năng làm việc trong môi trường đa văn hóa, đa phương tiện; cần có kiến thức chuyên sâu, là “chuyên gia” thực thụ trong một số lĩnh vực; cần hiểu biết, nhạy bén với các phát triển trong nước, có khả năng đồng hành với các bộ, ngành, doanh nghiệp, người dân và đóng góp thực chất cho các lợi ích cụ thể của các chủ thể ở bên trong quốc gia.

Học viện Ngoại giao phối hợp với Quỹ Konrad-Adenauer-Stiftung (KAS) tại Việt Nam tổ chức Tọa đàm China Talk lần thứ 19, ngày 11/5/2022. (Ảnh: Minh Quân)

Thuận lợi và thách thức

Việt Nam đã sớm có chủ trương phát triển nền ngoại giao theo hướng toàn diện, hiện đại phù hợp với xu thế nêu trên của thế giới, nhưng theo quan điểm của Việt Nam, một nền ngoại giao “toàn diện, hiện đại” trước hết phải là một nền ngoại giao kế thừa và phát triển trên nền tảng truyền thống đặc sắc của ngoại giao cổ truyền cha ông ta, kết hợp nhuần nhuyễn với tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, là các giá trị trường tồn đã được lịch sử thử thách làm nên cốt cách, bản sắc của ngoại giao Việt Nam.

Việc xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại có thuận lợi cơ bản là vì đây được coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ngành đối ngoại được lãnh đạo Đảng và Nhà nước thường xuyên quan tâm đôn đốc và chỉ đạo. Sau nhiều năm thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế toàn diện, nhận thức và năng lực đối ngoại của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đã được cải thiện đáng kể, tạo thuận lợi hơn cho việc huy động các trụ cột của đối ngoại cùng tham gia xây dựng nền ngoại giao toàn diện và từng bước hiện đại hóa công tác đối ngoại.

Bên cạnh đó, môi trường luật pháp, thể chế ngày càng được hoàn thiện, góp phần tăng cường hiệu quả phối hợp giữa các binh chủng và trụ cột của đối ngoại, qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả chung của nền ngoại giao toàn diện. Lực lượng cán bộ làm đối ngoại ở các bộ, ban, ngành nói chung và ở Bộ Ngoại giao nói riêng đã và đang ngày càng trưởng thành, chuyên nghiệp, là nhân tố cơ bản góp phần thực hiện thành công mục tiêu hiện đại hóa ngành Ngoại giao.

Trong những năm qua, lĩnh vực đối ngoại tiếp tục nhận được sự quan tâm, đầu tư, cải thiện điều kiện và phương thức làm việc để có điều kiện theo kịp và hội nhập với xu thế khu vực và thế giới của ngành đối ngoại, từ cơ sở vật chất, trang thiết bị, đến phong cách làm việc.

Mặc dù có nhiều thuận lợi, sự nghiệp ngoại giao thời gian tới có thể còn gặp không ít khó khăn, thách thức.

Về mặt khách quan, việc theo dõi, quản lý, kiểm soát, chuẩn hoá các hoạt động đối ngoại rất khó khăn, phức tạp khi sự nghiệp đối ngoại được coi là sự nghiệp của toàn dân, của toàn bộ hệ thống chính trị. Trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị, cạnh tranh giá trị và mô thức quản trị quốc gia gay gắt giữa các cường quốc, môi trường đối ngoại càng trở nên phức tạp; các yêu cầu đối với cán bộ đối ngoại trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, kỷ nguyên hội nhập quốc tế sâu rộng cũng ngày càng cao. Ngành Ngoại giao không chỉ gánh trọng trách của chính mình, mà còn cần phát huy vai trò tiên phong, phụng sự cho sự nghiệp đối ngoại của cả hệ thống chính trị.

Các thách thức chủ quan cũng không hề nhỏ. Mục tiêu xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại chưa được hiểu đúng, hiểu đủ. Một số bộ phận vẫn cho rằng công tác ngoại giao chỉ do Bộ Ngoại giao thực hiện; ngược lại một số cơ quan chưa thực sự chú trọng đúng mức tới công tác phối hợp, chia sẻ thông tin trong các hoạt động đối ngoại. Năng lực cán bộ đối ngoại được cải thiện nhiều, song vẫn chưa đồng đều, nhất là trong đánh giá, nắm bắt xu thế, tình hình khu vực và quốc tế. Cơ chế chỉ đạo, phối hợp, điều phối giữa các trụ cột và binh chủng đối ngoại có lúc còn chưa được hiệu quả. Môi trường thể chế, luật pháp vẫn nhiều quy định chồng chéo, mâu thuẫn.

Đổi mới tư duy để thành công

Trước các xu thế phát triển khách quan của môi trường quốc tế nêu trên, để xây dựng thành công nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, chúng ta cần tiếp tục đổi mới tư duy, nhận thức về cấu trúc và xu thế vận hành của thế giới, về vai trò, vị thế của Việt Nam trong môi trường quốc tế mới đó, về vai trò của ngành Ngoại giao và cán bộ đối ngoại nói chung trong tình hình mới.

Chúng ta cần tiếp tục bảo đảm sự lãnh đạo cao nhất của Đảng và nâng cao hiệu quả phối hợp, điều phối của Nhà nước, vì đối ngoại là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân.

Chúng ta sẽ cần chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong việc nhận diện các lĩnh vực, không gian, hình thức hoạt động mới của đối ngoại; trên cơ sở đó, xây dựng và chuẩn bị các năng lực cần thiết, chuẩn bị con người và nguồn lực cho sự tham gia của ta.

Cuối cùng, yếu tố con người luôn là yếu tố then chốt vì con người vừa là chủ thể, vừa là công cụ, là nhân tố quyết định thành bại của một nền ngoại giao toàn diện, hiện đại. Do vậy, công tác cán bộ cần được quan tâm, chú trọng hàng đầu, nhất là việc đào tạo cán bộ có trình độ, bản lĩnh chính trị, kỹ năng cần thiết, tương xứng với “tiềm lực, uy tín, cơ đồ và vị thế” ngày nay của Việt Nam trên trường quốc tế.