📞

Xuất khẩu ngày 15-18/12: Xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 16%; hạn ngạch gạo vào EAEU; ra mắt cẩm nang bán hàng vào hệ thống phân phối nước ngoài

Hoàng Nam 06:23 | 18/12/2020
TGVN. Ra mắt cẩm nang dành cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng vào hệ thống phân phối nước ngoài, thúc đẩy giao thương Việt Nam-Trung Quốc… là những tin chính trong bản tin xuất khẩu ngày 15-18/12.
Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, doanh nghiệp Việt đang nỗ lực để giữ thị trường xuất khẩu cá ngừ, một trong những mặt hàng chủ lực của ngành thủy sản. (Nguồn: TTXVN)

EAEU dành 10.000 tấn gạo hạn ngạch thuế quan cho Việt Nam năm 2021

Theo Bộ Công Thương, thực hiện việc phân bổ hạn ngạch thuế quan đối với mặt hàng gạo theo cam kết tại Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU), ngày 8/9, Hội đồng Ủy ban Kinh tế Á - Âu (EEC) đã ban hành Quyết định số 110 về phân bổ hạn ngạch nhập khẩu gạo Việt Nam cho từng nước thành viên thuộc Liên minh Á - Âu trong năm 2021.

Cụ thể, mã HS 1006 30 6701và 1006 30 9801 tập trung vào Cộng hoà Armenia là 400 tấn và Cộng hoà Belarus là 9.600 tấn.

Do đó, Bộ Công Thương lưu ý đến các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo cũng như các tổ chức, cá nhân có liên quan để nắm được thông tin và thực hiện.

Sắp cán mốc 500 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu

Thông tin được Tổng cục Hải quan công bố cho thấy, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa đang có nhiều dấu hiệu khả quan. Cụ thể, trị giá xuất khẩu tháng 11 đạt hơn 25 tỷ USD, giảm 7,4% so với tháng 10. Trong khi đó, trị giá nhập khẩu đạt 24,7 tỷ USD, tăng 1,5%.

Tuy nhiên, tính chung trong 11 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt xấp xỉ 255 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ 2019.

Tính chung kim ngạch xuất nhập khẩu, 11 tháng qua tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt xấp xỉ 490 tỷ USD. Đáng chú ý, thành tích xuất siêu tiếp tục duy trì ở mức kỷ lục khoảng 20 tỷ USD.

Trong thành tích chung của xuất nhập khẩu, một yếu tố quan trọng không thể không nhắc đến là các hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) thời gian qua đã được doanh nghiệp tận dụng khá tốt.

Với quy mô hiện nay và tốc độ tăng trưởng những tháng gần đây, nhiều khả năng quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm 2020 sẽ đạt khoảng 540 tỷ USD, cao hơn khoảng 23 tỷ USD so với năm 2019 (năm ngoái đạt 517,26 tỷ USD), một kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh năm 2020 chịu tác động rất lớn từ đại dịch Covid-19.

Kết nối giao thương hàng thực phẩm, đồ uống Việt Nam-Trung Quốc

Nằm trong khuôn khổ Hội chợ Trung Quốc - ASEAN (CAEXPO), nhằm kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc có cơ hội giao thương qua đó thúc đẩy hợp tác thương mại song phương, ngày 17/12, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Ban Thư ký Hội chợ CAEXPO tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến ngành hàng thực phẩm và đồ uống cho doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Trung Quốc.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, 11 tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt 117,09 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 43,145 tỷ USD, tăng 16% và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc đạt 73,945 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2019.

CAEXPO đã trở thành 1 trong 4 hội chợ thương mại quốc tế tổng hợp lớn nhất Trung Quốc. Về phía Việt Nam, việc tham gia hội chợ này trong suốt 16 năm qua đã thể hiện việc thực thi cam kết hội nhập kinh tế quốc tế của Chính phủ, giới thiệu môi trường kinh doanh, đầu tư, du lịch và dịch vụ của Việt Nam, tạo điều kiện và môi trường cho các tỉnh thành cũng như các doanh nghiệp tuyên truyền quảng bá và mở rộng giao thương giữa hai nước.

Thông qua các kỳ hội chợ, nhiều sản phẩm đặc trưng và có nhiều lợi thế cạnh tranh của Việt Nam về thực phẩm và đồ uống, cụ thể là hạt điều, bánh pía, hoa quả sấy khô, cà phê, chè, sữa... luôn được khách mua Trung Quốc yêu thích vì sự đa dạng, chất lượng và giá cả cạnh tranh, cho thấy tiềm năng tiêu thụ những sản phẩm này rất lớn.

Xuất khẩu qua hệ thống bán lẻ nước ngoài là một kênh hiệu quả

Sáng 17/12, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị Tổng kết 5 năm triển khai Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2020”.

Hội nghị được tổ chức với hình thức trực tuyến với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố; các tập đoàn phân phối lớn như: Aeon, Walmart, Central Retail, Lotte, Mega Market; Cơ quan đại diện Thương mại Việt Nam tại nước ngoài; các hiệp hội các ngành hàng và doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, việc xuất khẩu hàng Việt Nam thông qua hệ thống mạng lưới phân phối của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài là một kênh xuất khẩu hiệu quả, bền vững. Với sự hỗ trợ của các tập đoàn phân phối bán lẻ hàng đầu thế giới, các sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam, từ nông sản, thực phẩm tới đồ gia dụng, nội thất, dệt may... đã tới tay hàng triệu người tiêu dùng thông qua hệ thống phân phối trải khắp trên toàn thế giới.

Các đại biểu đã thảo luận đưa ra mục tiêu, phương phướng, giải pháp triển khai đề án cho giai đoạn tiếp theo 2021-2030, hướng tới định vị Việt Nam trở thành một nguồn cung quan trọng trong khu vực ASEAN của các tập đoàn phân phối bán lẻ quốc tế.

Tại hội nghị, Bộ Công Thương cùng các tập đoàn phân phối đã ra mắt bộ cẩm nang hướng dẫn doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào một số hệ thống phân phối là đối tác của đề án.

Bộ cẩm nang cung cấp nhưng thông tin cơ bản, hữu ích về từng hệ thống cũng như giới thiệu quy trình lựa chọn nhà cung cấp, các yêu cầu, tiêu chuẩn của một số mặt hàng khi xuất khẩu vào từng hệ thống phân phối như Aeon, Decathlon, Lotte, Centre Retail, Mega Market.

Nỗ lực giữ thị trường xuất khẩu cá ngừ

Sản phẩm cá ngừ chế biến của Việt Nam như phi lê cá ngừ, loin cá ngừ (phần thịt ngon nhất ngay sống lưng), cá ngừ hấp đông lạnh, cá ngừ đóng hộp... hiện đã có mặt ở hơn 200 thị trường trên thế giới.

Theo Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong tháng 11 đạt hơn 72 triệu USD, tổng xuất khẩu cá ngừ trong 11 tháng năm 2020 là gần 600 triệu USD. Mỹ tiếp tục là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam với hơn 260 triệu USD. Tiếp đó là thị trường châu Âu với hơn 126 triệu USD. Thị trường Nhật Bản và Đông Nam Á đạt hơn 68 triệu USD.

Cũng trong 11 tháng của năm 2020, giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang EU đạt hơn 126 triệu USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó, xuất khẩu sang các thị trường chính trong khối EU là Italy, Đức và Tây Ban Nha đều tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2019 lần lượt là 60%, 20% và 41%.

Dự báo, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang EU trong tháng còn lại năm 2020 sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt vì các nhà nhập khẩu đang muốn đi trước đón đầu chuẩn bị cho các lô hàng nhập khẩu vào đầu năm 2021 để được hưởng hạn ngạch ưu đãi thuế quan theo EVFTA.

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), EVFTA tiếp tục tác động tích cực tới xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam. Các ưu đãi thuế quan mà Hiệp định mang lại đã tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam, nhờ đó xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong tháng 11 tiếp tục tăng trưởng tốt.

Tuy nhiên, EVFTA là lợi thế nhưng cũng là thách thức cho ngành thủy sản của Việt Nam. Chính vì vậy, Việt Nam phải thực hiện đầy đủ những quy định về chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định, đồng thời phải truy xuất hàng hóa và vệ sinh an toàn thực phẩm, cộng thêm miễn giảm thuế thì chắc chắn sức mạnh về xuất khẩu thủy sản nói chung và cá ngừ nói riêng sẽ càng được củng cố trong giai đoạn khó khăn này.

(tổng hợp)