Bản tin xuất khẩu ngày 16-19/3: Chế biến món ăn từ nguyên liệu Mỹ trong chương trình United Tastes tại TP. Hồ Chí Minh, tối 18/3. |
Mỹ đẩy mạnh quảng bá và xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào Việt Nam
Việt Nam là một trong những thị trường xuất khẩu (XK) tiềm năng của nhiều mặt hàng nông sản Mỹ, đặc biệt là các loại nông sản chất lượng cao, an toàn và tốt cho sức khoẻ.
Đây là chia sẻ của các chuyên gia tại lễ công bố chương trình United Tastes, một thương hiệu đồng thời là sáng kiến tiếp thị được thiết kế cho thị trường Việt Nam, nhằm quảng bá sản phẩm nông nghiệp Mỹ do Lãnh sự quán Mỹ tại TP. Hồ Chí Minh và Bộ Nông nghiệp Mỹ tổ chức, tối 18/3.
Bà Marie C. Damour, Tổng Lãnh sự Mỹ tại Tp. Hồ Chí Minh cho biết: Giao thương nông nghiệp là một phần quan trọng trong quan hệ song phương Mỹ-Việt Nam với mức tăng trưởng đáng kể trong 25 năm qua. Truyền thông về thực phẩm và văn hóa ẩm thực là phương thức tuyệt vời đưa hai nước lại gần nhau hơn.
Chiến dịch quảng bá United Tastes sẽ là một cầu nối để người dân hai nước Việt Nam và Mỹ chia sẻ về văn hóa ẩm thực, cũng như hỗ trợ những người nông dân, ngư dân, nhà chăn nuôi, và các công ty thực phẩm của Mỹ, đồng thời giới thiệu những nông sản Mỹ chất lượng cao đến với người tiêu dùng Việt Nam.
Ông Robert Hanson, Tham tán nông nghiệp Lãnh sự quán Mỹ tại TP. Hồ Chí Minh thông tin: XK nông sản Mỹ vào Việt Nam tăng 40% trong vòng 5 năm qua đạt 3,7 tỷ USD vài năm 2020. Việt Nam đang là thị trường lớn thứ bảy đối với hàng nông sản và các sản phẩm có liên quan của Mỹ, trong đó, các sản phẩm có kim ngạch XK lớn là đậu nành, bắp làm nguyên liệu, thịt heo, thịt bò…
Ngoài ra, Mỹ cũng đang đẩy mạnh XK các mặt hàng như táo, blueberry và các nguyên liệu làm bánh.
Kiểm soát ngăn chặn hành vi kinh doanh và nhập khẩu cá tầm
Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) vừa có văn bản số 488/TCQLTT-CNV gửi Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hành vi kinh doanh, nhập khẩu cá tầm.
Theo đó, Tổng cục Quản lý thị trường yêu cầu Cục Quản lý thị trường các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Hà Giang, Lào Cai chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng như bộ đội biên phòng, hải quan để tăng cường kiểm tra, kiểm soát mặt hàng cá tầm nhập khẩu của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Tổng cục Quản lý thị trường cũng đề nghị các lực lượng lưu ý trong thị trường nội địa, nhất là các trung tâm tiêu thụ lớn tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, chủ động nắm bắt tình hình kinh doanh, buôn bán mặt hàng cá tầm, phối hợp, trao đổi với các cơ quan chức năng như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tiến hành kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh, buôn bán mặt hàng cá tầm (nguồn gốc, xuất xứ, giấy phép, kiểm dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm, gian lận thương mại...).
Theo những người kinh doanh cá nước lạnh lâu năm ở tỉnh Lào Cai, do cá tầm của Trung Quốc nuôi bằng cám tăng trọng, cá lớn rất nhanh nên có giá bán rất rẻ so với cá tầm nuôi ở Sa Pa, Bát Xát. Chính vì vậy đã khiến một số tư thương nhằm trục lợi đã nhập lậu cá tầm Trung Quốc về Việt Nam tiêu thụ để kiếm lời cao.
Thêm 2 công ty được cấp mã giao dịch XK sản phẩm sữa sang Trung Quốc
Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, Tổng cục Hải quan Trung Quốc vừa thông báo cấp mã giao dịch cho phép 2 công ty của Việt Nam được phép XK sản phẩm sữa sang thị trường Trung Quốc.
Đó là công Ty TNHH FrieslandCampina Hà Nam (FRIESLANDCAMPINA HANAM COMPANY LIMITED) được phép XK sản phẩm sữa tiệt trùng và sữa lên men sang thị trường Trung Quốc và công ty TNHH FrieslandCampina Việt Nam (FRIESLAND CAMPINA VIETNAM COMPANY LIMITED) được phép XK sản phẩm sữa tiệt trùng, sữa lên men, sữa đặc có đường và các sản phẩm sữa khác sang thị trường Trung Quốc.
Theo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, đến nay cơ quan chức năng của Trung Quốc đã cấp mã giao dịch cho phép 9 công ty/nhà máy của Việt Nam XK các sản phẩm sữa sang thị trường Trung Quốc.
Kiểm tra giá vận chuyển container của 12 hãng tàu ngoại
Đoàn công tác liên ngành của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công Thương sẽ có chuyến kiểm tra giá vận chuyển container của 12 hãng tàu ngoại đang hoạt động tại Việt Nam về việc thực hiện quy định của pháp luật về giá cước, phụ thu ngoài giá và các vấn đề liên quan đến dịch vụ vận chuyển container bằng đường biển.
Cục Hàng hải Việt Nam vừa có công văn gửi các hãng tàu/đại diện hãng tàu tại Việt Nam thông báo sẽ tiến hành kiểm tra về giá, phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển container bằng đường biển.
Mục đích là kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về giá cước, phụ thu ngoài giá và các vấn đề liên quan đến dịch vụ vận chuyển container bằng đường biển. Thời kỳ kiểm tra là từ năm 2020 đến nay.
Danh sách các hãng tàu/đại diện hãng tàu nằm trong danh sách kiểm tra của Cục Hàng hải Việt Nam gồm: Maersk, MSC, COSCO, CMA – CGM, Hapad –Lloyd, ONE, Evergreen, HMM, YangMing, PIL, OOCL, INTERASIA.
Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương cho biết, từ những tháng cuối năm 2020 đến đầu năm 2021 có hiện tượng giá cước tàu biển cũng như cước thuê container tăng cao một cách bất thường.
Đợt kiểm tra một mặt là để kiểm tra tình hình thực hiện Nghị định 146/2016/NĐ-CP về quy định việc niêm yết giá, phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển, giá dịch vụ tại cảng biển. Từ đó tìm ra những giải pháp cùng hãng tàu để có thể gia tăng lượng container rỗng đưa về Việt Nam cũng như hợp lý hóa những khoản thu mà hiện nay các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang có phản ánh lại là tăng cao quá mức hợp lý.
Điện thoại và linh kiện tiếp tục là điểm sáng xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2021. (Nguồn: VG) |
Điểm sáng xuất khẩu điện thoại và linh kiện
Theo Bộ Công Thương, trong 2 tháng đầu năm, có 9 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỷ USD, chiếm 73,8% tổng kim ngạch XK; trong đó, trị giá XK của nhóm hàng điện thoại và linh kiện đạt 9,3 tỷ USD, chiếm 19,2% tổng kim ngạch XK và tăng cao ở mức 22,8% so với cùng kỳ năm trước.
Nếu như năm 2010, XK điện thoại và linh kiện mới chỉ chiếm 3,2% tổng kim ngạch XK thì đến năm 2016 chiếm 19,5%, gấp 6 lần tỷ trọng của năm 2010 và luôn duy trì mức trên dưới 20% từ đó đến nay. Đóng góp vào tốc độ tăng cao này chủ yếu do chỉ số sản xuất ngành điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng khá (21,2%); trong đó, sản xuất thiết bị truyền thông (chiếm phần lớn là sản phẩm điện thoại và linh kiện) tăng 22,9%.
Thị trường XK lớn của nhóm hàng này chủ yếu vẫn là EU, Mỹ, Trung Quốc; trong đó, XK điện thoại và linh kiện sang Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm đạt gần 2,5 tỷ USD, tăng cao 103,9% so với cùng kỳ năm trước.
Điện thoại, linh kiện là một trong những nhóm hàng XK có kim ngạch đứng đầu sang Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) trong 2 tháng năm 2021, với kim ngạch trên nửa tỷ USD.
Về cơ cấu hàng hóa XK, điện thoại các loại và linh kiện vẫn là mặt hàng XK chính của Việt Nam sang thị trường này, đạt 551 triệu USD, tăng tới gần 108% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm tới 2/3 tổng kim ngạch XK.