Gạo là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. (Nguồn: Lao động) |
Xuất nhập khẩu 'miễn nhiễm' Covid-19
Báo cáo “Tăng trưởng chậm lại do ảnh hưởng từ đại dịch” của hãng phân tích VnDirect nhận định: Xuất nhập khẩu vẫn vững vàng bất chấp ảnh hưởng từ làn sóng Covid-19 thứ tư đang lan rộng và diễn biến phức tạp tại Việt Nam.
Cụ thể, nhóm chuyên gia đến từ VnDirect dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, giá trị xuất khẩu tháng 7/2021 tăng 8,4% so với cùng kỳ lên khoảng 27 tỷ USD.
Các chuyên gia phân tích của VnDirect đánh giá: “Việc xuất khẩu duy trì tăng trưởng dương so với cùng kỳ trong bối cảnh các cảng biển tại miền Nam Việt Nam phải giảm công suất hoạt động là một kết quả rất đáng khích lệ, cho thấy sức chống chịu tương đối tốt của hoạt động xuất nhập khẩu trước đại dịch”.
Trong 7 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu tăng lên 185,3 tỷ USD, tăng 25%.
Ngược lại, một số mặt hàng xuất khẩu sụt giảm bao gồm hàng điện tử & máy tính (giảm 13,9%), đồ chơi và dụng cụ thể thao (giảm 28,9%), dầu thô (giảm 36,7%), sắn và sản phẩm (giảm 12,7%), chè (giảm 19,6%)...
Kim ngạch nhập khẩu tháng 7/2021 tăng 29,9% lên 28,7 tỷ USD.
Trong 7 tháng đầu năm, giá trị nhập khẩu tăng lên 188,0 tỷ USD (tăng 35,3%) và Việt Nam nhập khẩu ròng 2,7 tỷ USD trong kỳ, so với thặng dư thương mại 8,7 tỷ USD trong 7 tháng của 2020.
Australia lùi thời hạn kết luận về chống bán phá giá dây đai thép từ Việt Nam
Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Ủy ban Chống bán phá giá Australia (ADC) đã có thông báo gia hạn lần thứ 5 về thời gian ban hành kết luận cuối cùng và chấm dứt điều tra với Công ty TNHH Sam Hwan Vina trong vụ việc điều tra chống bán phá giá dây đai thép phủ màu từ Trung Quốc và Việt Nam, mã vụ việc 553.
Theo đó, thời hạn mới ban hành kết luận cuối cùng và chấm dứt điều tra vụ việc này là ngày 26/10/2021.
Đồng thời, ADC cũng chính thức kết luận rằng Công ty TNHH Sam Hwan Vina - nhà xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong vụ việc, với kim ngạch xuất khẩu khoảng 4,6 triệu USD, chiếm 83% tổng kim ngạch của Việt Nam, bán phá giá không đáng kể, thấp hơn 2% nên quyết định chấm dứt điều tra với DN này.
Nguyên đơn có thể đề nghị rà soát lại quyết định này trong vòng 30 ngày kể từ ngày ADC công bố thông báo.
Vụ việc vẫn tiếp tục được điều tra đối với các doanh nghiệp (DN) còn lại của Trung Quốc và Việt Nam. ADC sẽ đệ trình kết luận lên Bộ trưởng Công nghiệp, Khoa học và Kỹ thuật chậm nhất ngày 26/10/2021.
Trước đó, tại kết luận điều tra sơ bộ được ban hành vào ngày 23/4/2021, ADC cho rằng Việt Nam không can thiệp vào thị trường nguyên liệu để DN xuất khẩu bán phá giá; biên độ bán phá giá của DN xuất khẩu Việt Nam không đáng kể và không gây thiệt hại cho ngành sản xuất của Australia.
Nhiều dư địa cho hàng nội thất Việt Nam tại thị trường Pháp
Mặc dù Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn thứ 6 cho thị trường Pháp, nhưng tỷ trọng chỉ chiếm 4,5% tổng trị giá nhập khẩu. Đây là con số vẫn còn thấp so với nhu cầu nhập khẩu của thị trường này.
Đặc biệt, hơn một năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người Pháp phải ở nhà nhiều hơn nên dành nhiều thời gian để tân trang lại ngôi nhà và quan tâm nhiều tới các sản phẩm nội thất. Điều này cho thấy cơ hội mở rộng thị phần tại Pháp vẫn rất lớn đối với các DN xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam.
Dẫn số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, tháng 6/2021, Pháp nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ đạt 386,3 triệu USD, tăng 31,2% so với tháng 6/2020.
Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Pháp đạt 2,4 USD, tăng 59,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo Cục Xuất Nhập khẩu, thị trường Pháp tăng mạnh nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ các thị trường trong 6 tháng năm 2021; trong đó, nhập khẩu chủ yếu từ thị trường Italy, Trung Quốc và Đức, trị giá nhập khẩu từ 3 thị trường này chiếm 49,8% tổng trị giá nhập khẩu.
DN ngành gỗ đã thích ứng được tình hình mới, ổn định sản xuất và tăng cường giao thương trực tuyến tìm các đối tác nước ngoài, mở rộng xuất khẩu. (Nguồn: Báo Đầu tư) |
Việt Nam là thị trường cung cấp ghế khung gỗ lớn thứ 5 cho Pháp; trị giá nhập khẩu ghế khung gỗ của Pháp từ Việt Nam chỉ chiếm 6,7% tổng trị giá nhập khẩu mặt hàng này.
Theo các chuyên gia thương mại, DN ngành gỗ đã thích ứng được tình hình mới, ổn định sản xuất và tăng cường giao thương trực tuyến tìm các đối tác nước ngoài, mở rộng xuất khẩu.
Do đó, dù dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh, nhưng các DN ngành gỗ Việt Nam vẫn giữ được sự chủ động, khách hàng nước ngoài tin tưởng tìm nguồn cung tại Việt Nam ngày một tăng.
Chính vì vậy, các chuyên gia thương mại khuyến cáo, các DN phải nỗ lực, sáng tạo nâng cao công nghệ trong quá trình sản xuất sản phẩm; cập nhật xu hướng mới cũng như nhu cầu của khách hàng.
Ngoài ra, DN cũng cần tạo kênh liên kết để ổn định giá cước vận chuyển trong xuất nhập khẩu nhằm thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường Pháp với mẫu mã phong phú, giá cả cạnh tranh.
Kem của Nga được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng
Sau chuyến hàng đầu tiên vào tháng 3/2021, chuyến hàng thứ 2 gồm 4,75 tấn kem đã được xuất khẩu từ tỉnh Novosibirsk, Nga, sang Việt Nam.
Trang mạng Nga ngày 18/8 cho biết 4,75 tấn kem đã được xuất khẩu từ tỉnh Novosibirsk sang Việt Nam. Đây là chuyến hàng thứ hai xuất khẩu sang Việt Nam trong năm 2021.
Nhà sản xuất kem là DN ở Novosibirsk. Các sản phẩm đã được gửi bằng đường sắt và sau đó bằng đường biển. Kem xuất khẩu đáp ứng tất cả các yêu cầu cần thiết.
Tính chung từ đầu năm 2021 đến nay, công ty này đã xuất khẩu 6 lô kem với tổng khối lượng là 38,6 tấn sang Việt Nam, Trung Quốc, Uzbekistan và Azerbaijan.
Công nhận 315 'Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín' năm 2020
Sau một thời gian đăng tải Danh sách sơ tuyển “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín” năm 2020 và tiếp thu các ý kiến phản hồi, ngày 18/8/2021, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 1974/QĐ-BCT phê duyệt Danh sách “DN xuất khẩu uy tín” năm 2020.
Danh sách DN xuất khẩu uy tín được tổng hợp và công bố trên cơ sở xét chọn và đề xuất của các cơ quan hữu quan, được xét chọn trên cơ sở các tiêu chí do Bộ Công Thương quy định về mức kim ngạch xuất khẩu tối thiểu, về uy tín trong kinh doanh đối với bạn hàng nước ngoài, về việc chấp hành nghĩa vụ đối với Nhà nước trong lĩnh vực hải quan, lĩnh vực thuế, lĩnh vực môi trường…
Trên cơ sở đề xuất của 60 cơ quan, tổ chức xét chọn, Bộ Công Thương đã xét chọn được 315 DN (tương đương với 323 lượt DN theo 26 ngành hàng).
Trong 315 “DN xuất khẩu uy tín” năm 2020 có 13 DN xuất khẩu cà phê, 20 DN cao su, 6 DN xuất khẩu chè các loại, 44 DN thuỷ sản, 27 DN gạo, 18 DN xuất khẩu hạt điều, 12 DN hạt tiêu, 17 DN xuất khẩu rau-củ-quả và các sản phẩm từ rau-củ-quả, 3 DN xuất khẩu sữa - sản phẩm sữa, 7 DN thủ công mỹ nghệ, 4 DN dây điện và cáp điện, 43 DN dệt may, 4 DN dược và thiết bị y tế, 6 DN xuất khẩu điện thoại và linh kiện, 6 DN giày dép, 4 DN xuất khẩu bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc, 4 DN xuất khẩu máy tính-sản phẩm điện tử và linh kiện, 21 DN xuất khẩu sản phẩm chất dẻo, 8 DN cơ khí, 9 DN gỗ, 14 DN vật liệu xây dựng, 9 DN xơ-sợi dệt…