Tính đến hết 15/4/2022, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 104,34 tỷ USD, tăng 14,4% tương ứng tăng 13,15 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021. (Nguồn: Báo Công Thương) |
Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa vượt 200 tỷ USD
Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 32,17 tỷ USD trong kỳ 1 tháng 4/2022 (từ ngày 01/4 đến ngày 15/4/2022) - theo số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan.
Kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 4/2022 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15/4/2022 đạt 208,83 tỷ USD, tăng 15,4%, tương ứng tăng 27,85 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2021.
Trong kỳ 1 tháng 4/2022, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 1,61 tỷ USD. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/4/2022, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 144 triệu USD.
Cụ thể, về xuất khẩu, trong kỳ 1 tháng 4/2022, tổng trị giá hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 15,28 tỷ USD, giảm 20,9% (tương ứng giảm 4,04 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ 2 tháng 3/2022.
Tin liên quan |
Bài học cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt: Hớ hênh câu chuyện thanh toán |
Tính đến hết 15/4/2022, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 104,34 tỷ USD, tăng 14,4% tương ứng tăng 13,15 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021.
Mới đây, tại Quyết định số 493/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký kết, mục tiêu tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 6 - 7%/năm trong thời kỳ 2021 - 2030.
Chiến lược đặt mục tiêu giai đoạn 2021 – 2025, tăng trưởng xuất khẩu bình quân 8 - 9%/năm; giai đoạn 2026 - 2030 tăng trưởng bình quân 5 - 6%/năm.
Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa bình quân 5 - 6%/năm trong thời kỳ 2021 - 2030, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 tăng trưởng nhập khẩu bình quân 7 - 8%/năm; giai đoạn 2026 - 2030 tăng trưởng bình quân 4 - 5%/năm.
Cân bằng cán cân thương mại trong giai đoạn 2021 - 2025, tiến tới duy trì thặng dư thương mại bền vững giai đoạn 2026 - 2030; hướng đến cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý với các đối tác thương mại chủ chốt.
Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương cho biết, để cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã xây dựng một số website để đưa thông tin đến với cả các doanh nghiệp, trong đó website của Cục Xúc tiến thương mại, Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, một số các cái website chuyên đề các cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài.
Bỉ là thị trường xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 của Việt Nam
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, quý I/2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Bỉ đạt 65,7 nghìn tấn, trị giá 135,3 triệu USD, tăng 446,8% về lượng và tăng 580% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam sang Bỉ đạt mức 2.054 USD/tấn, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Bỉ là thị trường xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 của Việt Nam, tỷ trọng chiếm 11,3% tổng lượng và 10,4% tổng trị giá trong quý I/2022. Xuất khẩu cà phê sang thị trường Bỉ bứt phá mạnh đã tác động tích cực lên toàn ngành.
Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, quý I/2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 58.700 tấn, kim ngạch 1,3 tỷ USD, tăng hơn 28% về lượng và hơn 60% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Giá cà phê xuất khẩu bình quân tăng gần 25% so với cùng kỳ là yếu tố giúp kim ngạch tăng mạnh. Đây cũng là giá trị kim ngạch xuất khẩu cà phê tính theo quý cao nhất từ trước đến nay của ngành hàng cà phê. Xuất khẩu cà phê Robusta sang các thị trường chính đều tăng như: Đức, Bỉ, Anh, Nhật Bản, Nga, Tây Ban Nha, Philippines.
Theo Bộ Công Thương, với cam kết xóa bỏ thuế quan theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), cà phê xuất khẩu sang EU sẽ có 93% dòng thuế về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực. Đây là một cơ hội tốt cho cà phê Việt Nam khi EU là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất trên thế giới, với kim ngạch nhập khẩu từ các nước ngoại khối khoảng 10 tỷ USD/năm, chiếm 66% lượng nhập khẩu và khoảng 30% lượng tiêu thụ toàn cầu.
Đẩy mạnh đưa hàng Việt sang Đức
Nhằm giúp doanh nghiệp trong nước gia tăng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Đức, ngày 21/4, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã phối hợp tổ chức phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường này.
Tại phiên tư vấn, các diễn giả, báo cáo viên đã thông tin, giải đáp các vấn đề liên quan đến việc xuất, nhập khẩu sản phẩm chế biến từ nông sản, thực phẩm... với thị trường Đức. Trong số đó có yêu cầu đối với chất lượng và phẩm cấp hàng hóa, phương thức thanh toán, cách thức vận chuyển, bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu, giải quyết các vấn đề bất cập có thể phát sinh trong quá trình xuất nhập khẩu.
Đặc biệt tại phiên tư vấn, TS Rene Schäfer - Chuyên gia tư vấn luật quốc tế, Công ty Dornbach GmbH đã thông tin về Bộ phận thông tin Việt Nam tại Đức (Vietnam Desk) - nơi cung cấp nhiều thông tin giá trị hỗ trợ doanh nghiệp hai nước Việt Nam và Đức phát triển các cơ hội hợp tác kinh doanh và đầu tư.
Đức hiện là quốc gia xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa đứng thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc. Theo thống kê của ITC Trademap (hệ thống cơ sở dữ liệu cập nhật về tình hình thương mại của các nước do Trung tâm Thương mại quốc tế ITC thiết lập), năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Đức là 2.550 tỷ USD, chiếm khoảng 67% GDP; trong đó, xuất khẩu đạt 1.378 tỷ USD, nhập khẩu đạt 1.172 tỷ USD.
Đối với hàng nông sản, mặc dù tỷ trọng trong tổng nhập khẩu không lớn nhưng Đức vẫn là nước EU nhập khẩu nhiều nhất các sản phẩm rau quả tươi và chế biến; trong đó, cụ thể gồm chè, cà phê, gia vị, thủy sản chế biến, mật ong…
Ngoài ra, Đức cũng được biết đến là một trong số những thị trường tiêu dùng “khó tính” nhất trên thế giới. Người tiêu dùng Đức thường rất kỹ tính, bảo thủ và trung thành với các thương hiệu quen thuộc.
Ước tính có khoảng 60% người tiêu dùng sẵn sàng mua nhiều lần cùng một nhãn hiệu đã sử dụng. Vì thế người Đức thường ưu tiên sử dụng các sản phẩm trong khu vực châu Âu, sản phẩm quốc gia và địa phương. Tuy nhiên, thời gian gần đây, người tiêu dùng Đức đã ngày càng cởi mở hơn với hàng hóa quốc tế.
Trong bối cảnh xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới bị ảnh hưởng chung, thị trường Đức vẫn là điểm sáng khi duy trì được mức tăng trưởng đáng khích lệ.
Đặc biệt, 3 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất siêu gần 1,2 tỷ USD sang thị trường này. Đây là một tín hiệu rất khả quan và nằm trong xu hướng tăng chung của tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam và EU sau hơn một năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU.
Xuất khẩu dệt may tăng trưởng cao nhất trong vòng 10 năm
Theo Tổng cục Hải quan, trong quý I/2022, trị giá xuất khẩu nhóm hàng dệt may đạt 8,68 tỉ USD, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng 1,46 tỉ USD. Đây là mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, tính từ năm 2012 đến nay.
Tăng trưởng của nhóm hàng dệt may ở mức kỷ lục trong tháng 3/2022, đạt 3,05 tỉ USD, tăng 48,3%, tương ứng tăng hơn 1 tỉ USD so với tháng trước.
Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), năm 2022, ngành dệt may được dự báo đạt kim ngạch xuất khẩu từ 42 đến 43,5 tỉ USD. (Nguồn: Báo Đầu tư) |
Trong quý I/2022, Mỹ tiếp tục là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất từ Việt Nam với trị giá đạt 4,3 tỉ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 50,3% tổng trị giá xuất khẩu hàng dệt may của cả nước. Tiếp theo là thị trường EU với 896 triệu USD, tăng 31%; thị trường Hàn Quốc với 754 triệu USD, tăng 7%...
Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), năm 2022, ngành dệt may được dự báo đạt kim ngạch xuất khẩu từ 42 đến 43,5 tỉ USD.
Ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) - cho rằng, với nỗ lực của cả ngành, đặc biệt là các doanh nghiệp, kỳ vọng xuất khẩu dệt may có thể đạt được con số đã nêu trên, bởi căn cứ vào các yếu tố như: Dự báo tổng cầu dệt may năm 2022 của thế giới tăng khoảng 3%.
Hơn nữa, các đối tác bày tỏ sự tin tưởng đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi trong khó khăn do dịch bệnh Covid-19, các doanh nghiệp Việt Nam đã nỗ lực khắc phục, đáp ứng các đơn hàng trong hoàn cảnh nhiều thách thức.
Theo Công ty chứng khoán Mirae Asset, xuất khẩu may mặc của Việt Nam vào EU trong năm 2022 tiếp tục duy trì ở mức quanh 3 tỉ Euro.
Mirae Asset cũng cho rằng, nhu cầu mặt hàng dệt may ở các thị trường chính sẽ tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh cuộc sống trở lại bình thường sẽ là động lực cho ngành dệt may năm 2022.
| Để hàng Việt Nam ‘chạm’ tới thị trường Pháp Theo Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng, với việc EVFTA đi vào hiệu lực từ tháng 8/2020, nếu có sự chuẩn bị, ... |
| Khai thác tiềm năng xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam vào New Zealand Ngày 20/4, Đại sứ quán Việt Nam tại New Zealand và Hội mỹ nghệ chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức ... |