Xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường CPTPP tăng trưởng dương
Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường thuộc khối CPTPP năm 2021 đều ghi nhận mức tăng trưởng dương.
Theo Bộ Công Thương, năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thị trường CPTPP đạt 91,4 tỷ USD. Việt Nam xuất khẩu nông sản, máy móc - thiết bị, điện thoại - linh kiện, hàng dệt may, da giày, thủy sản… sang 10 quốc gia thành viên CPTPP với giá trị 46 tỷ USD và nhập khẩu từ thị trường này 45,4 tỷ USD.
Trong đó, các thị trường xuất khẩu đạt giá trị lớn gồm: Singapore, Malaysia, Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico, Chile. Ba thị trường còn lại (Peru, Brunei và New Zeland) dù tăng trưởng mạnh, nhưng giá trị tuyệt đối trong giao dịch thương mại còn thấp.
Thương mại giữa Việt Nam với các đối tác CPTPP vẫn được duy trì liền mạch, thông suốt. (Nguồn: Thời báo Tài chính) |
Chính thức có hiệu lực từ tháng 1/2019, CPTPP đã qua chặng đường 3 năm đầu thực thi. Trong 3 năm qua, kinh tế - thương mại toàn cầu nói chung và thương mại giữa Việt Nam với các đối tác CPTPP nói riêng đứng trước rất nhiều khó khăn.
Năm 2019, thương mại quốc tế bị ảnh hưởng đáng kể bởi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc, xung đột thương mại ở nhiều khu vực trên thế giới, sự suy giảm tương ứng của nhiều nền kinh tế...
Năm 2020 - 2021, Covid-19 bùng phát và lan rộng toàn cầu, hoạt động thương mại bị xáo trộn chưa từng có tiền lệ. Diễn tiến dịch bệnh, chính sách giãn cách xã hội, các quyết định đóng cửa tạm thời nền kinh tế, đứt gãy chuỗi sản xuất và vận tải… là những yếu tố hoàn toàn mới, bất thường, tác động trực tiếp tới hoạt động thương mại.
Trong bối cảnh đó, thương mại giữa Việt Nam với các đối tác CPTPP vẫn được duy trì liền mạch, thông suốt. Năm đầu tiên, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khối này đạt 39,5 tỷ USD.
Năm thứ hai (năm 2020), dưới tác động của Covid-19, kim ngạch xuất khẩu giảm nhẹ, đạt 38,75 tỷ USD, nhưng bước sang năm thứ ba đã lấy lại đà tăng trưởng, đóng góp đáng kể vào kết quả xuất khẩu hơn 336,3 tỷ USD của cả nước, cho thấy nỗ lực vượt khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá, trong 3 năm qua, các doanh nghiệp trong nước đã tận dụng khá tốt những lợi thế của CPTPP để gia tăng xuất khẩu hàng hóa vào các thị trường thành viên trong Khối.
“Khác với khu vực Liên minh châu Âu (EU) - thị trường xuất khẩu tương đối truyền thống của Việt Nam, khu vực CPTPP, đặc biệt là các nước châu Mỹ như Canada, Mexico, Peru là những thị trường tương đối mới. Trước khi CPTPP có hiệu lực, xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường này còn khiêm tốn, nhưng kể từ khi có CPTPP đã tăng lên đáng kể. Điều này phản ánh, các doanh nghiệp đã tận dụng được hiệp định thương mại tự do (FTA) này để đẩy mạnh xuất khẩu”, ông Hải nói.
Doanh nghiệp xuất khẩu thận trọng với đơn hàng lớn
Xăng dầu, chi phí vận chuyển, giá nguyên vật liệu liên tục tăng cao đã khiến các doanh nghiệp xuất khẩu dè dặt và thận trọng trong việc nhận đơn hàng mới.
Việc giá xăng dầu liên tục tăng nóng trong những ngày qua đã khiến các doanh nghiệp vận tải, từ đường bộ đến đường biển đều rục rịch lên phương án tăng giá. Đơn cử, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn vừa gửi hãng tàu về điều chỉnh giá dịch vụ vận chuyển container đường bộ, đường thủy phục vụ qua lại giữa cảng Cát Lái - Hiệp Phước, cảng Đồng Nai và các ICD liên kết... với mức tăng 10 - 30% so với đơn giá được duy trì từ năm 2019. Mức giá điều chỉnh sẽ có hiệu lực từ ngày 1/4.
Áp lực tăng giá xăng dầu khiến chi phí vận tải neo ở mức cao, nhiều doanh nghiệp tỏ ra khá thận trọng khi ký hợp đồng mới có giá trị lớn.
Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, đây là dịp doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm bận rộn sản xuất và giao đơn hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp phải đối diện tình trạng giá đầu vào và đặc biệt là chi phí logistics cao, thời gian vận chuyển kéo dài, nên nhiều doanh nghiệp tỏ ra thận trọng khi nhận đơn hàng. Thậm chí có doanh nghiệp phải từ chối đơn hàng.
“Trước đây, từ lúc đặt chuyến tới khi hàng hóa đến Mỹ là 28 ngày, bây giờ thời gian chờ container rỗng có thể tới 2 - 3 tháng. Trong khi đó, sản phẩm của chúng tôi có hạn dùng chỉ 1 năm, nên thời gian sử dụng bị rút ngắn rất nhiều”, bà Chi nói.
Các doanh nghiệp trong ngành gỗ cũng trong tình cảnh tương tự. Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh cho biết, chi phí dịch vụ hậu cần là khó khăn lớn nhất hiện nay với ngành gỗ. Đặc thù của ngành gỗ nội thất là thể tích hàng cồng kềnh, cần lượng lớn container. Tuy nhiên, giá container hiện rất cao nên doanh nghiệp trong ngành đang gặp không ít khó khăn.
“Mặc dù người mua hàng trả chi phí vận chuyển, nhưng khi phí cao quá, lại thiếu container, thì người ta chưa lấy hàng, nên tồn kho tăng cao đẩy doanh nghiệp vào cảnh thiếu dòng tiền. Nhiều doanh nghiệp không dám nhận đơn hàng trong bối cảnh này”, ông Phương cho hay.
36 lô hạt điều xuất khẩu có nguy cơ bị mất trắng
Liên quan đến vụ 100 container hạt điều xuất sang Italy, ông Trần Hữu Hậu – Phó Tổng thư ký Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas) cho biết, hiện tại Cảnh sát Kinh tế - Tài chính của Italy đã hỗ trợ Việt Nam can thiệp để các hãng tàu tạm thời giữ lại, chưa giao 16 container nhân hạt điều xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam cho người mua ở phía Italy.
Tin liên quan |
Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết container hạt điều tại Italy |
Tuy nhiên, đây chỉ là tạm giữ và nếu các doanh nghiệp không làm các thủ tục nhanh chóng để có phán quyết của tòa án kinh tế, nếu trát của tòa phán quyết giao lại cho các doanh nghiệp Việt Nam, thì các doanh nghiệp Việt mới nhận lại được các container hàng này. Như vậy, rủi ro đối với 16 lô hàng hạt điều vẫn còn, dù đã tạm giữ lại.
Về vấn đề này, ông Bạch Khánh Nhựt – Phó Tổng thư ký Thường trực Vinacas cũng nhấn mạnh: Ngoài lo thủ tục tòa án cho 16 container hạt điều đang được câu lưu, hiện vẫn còn trên 20 container hàng đang nằm trong các chuyến tàu sẽ đến Italy trong tháng 3/2022 và đầu tháng 4/2022, các doanh nghiệp cần khẩn trương lo các thủ tục pháp lý để có thể giữ được các lô hàng này.
Do đó, Vinacas đang khẩn thiết nhờ hai bộ có ảnh hưởng trực tiếp đến là Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công an. Cụ thể, hiện nay đang có nhiều nghi vấn các bộ chứng từ bị mất là do bị đánh tráo dọc đường, nằm ngoài hải phận Việt Nam nên công an địa phương không thể hỗ trợ cho doanh nghiệp được mà phải thông qua Interpol quốc tế.
Tại Việt Nam có Interpol Việt Nam nên thông qua Bộ Công an, Vinacas mong muốn được hỗ trợ để mở những cuộc điều tra, tìm hiểu, chứng minh được rằng việc mất chứng từ gốc là do các tổ chức tội phạm tác động vào. Từ đó có cơ sở để các doanh nghiệp Việt Nam tập hợp chứng cứ, hồ sơ gửi luật sư, trình tòa án có thẩm quyền bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho họ.
Về phần Bộ Giao thông Vận tải, doanh nghiệp hi vọng với tác động của Bộ Giao thông Vận tải sẽ tổ chức cuộc họp với hãng tàu, đưa yếu tố pháp lý bất lợi của người Việt Nam khi mất chứng từ, để hãng tàu có những quyết định dựa vào tình huống khẩn cấp.
Nếu doanh nghiệp chứng minh được bị mất bộ chứng từ do yếu tố lừa đảo tạo thì có thể ra quyết định hủy toàn bộ chứng từ gốc đã phát hành trước đây, cấp phát thêm bộ chứng từ mới để doanh nghiệp Việt có đủ cơ sở nhận lại hàng.
11 nhóm sản phẩm xuất khẩu có nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại
Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) vừa công bố danh sách 11 nhóm sản phẩm xuất khẩu có nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Đáng lo ngại, 11 sản phẩm này đều xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ...
Theo danh sách cập nhật đến tháng 11/2021 mà Cục Phòng vệ thương mại đưa ra, 4 sản phẩm gỗ có nguy cơ bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp hoặc biện pháp phòng vệ thương mại.
Cụ thể, gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng (hardwood plywood) xuất khẩu sang Hoa Kỳ với các mã HS tham khảo: 4412.31, 4412.32, 4412.33, 4412.34, 4412.94, 4412.99. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng nhanh từ 33,4 triệu USD năm 2016 lên 322,2 triệu USD năm 2019.
Bốn sản phẩm gỗ xuất sang Hoa Kỳ có nguy cơ bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh, gian lận xuất xứ. (Nguồn: VnEconomy) |
Trong giai đoạn 12 tháng từ tháng 12/2020 đến tháng 11/2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 516 triệu USD, tăng 39,5% so với cùng kỳ năm trước. Thị phần của Việt Nam có xu hướng tăng. Kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 25,5% tổng kim ngạch nhập khẩu của Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ đã chính thức áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm tương tự nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ tháng 11/2017.
Tháng 10/2019, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ thông báo chính thức điều tra trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế (evasion) đối với một số công ty Hoa Kỳ nhập khẩu gỗ dán từ Việt Nam.
Tháng 6/2020, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã khởi xướng điều tra lẩn tránh biện pháp PVTM (circumvention) đối với toàn bộ sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam. Hiện tại, DOC đang gia hạn thời gian ban hành kết luận đến tháng 4/2022.
Tiếp đến là tủ gỗ (Wooden cabinets and vanities) xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Các mã HS tham khảo: 9403.40, 9403.60. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã tăng mạnh từ 913 triệu USD năm 2018 lên 1,37 tỷ USD năm 2019 (tăng 50%).
Trong giai đoạn 12 tháng từ tháng 12/2020 đến tháng 11/2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng 28,3% so với cùng kỳ năm trước lên gần 2,8 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 32,3% tổng kim ngạch nhập khẩu của Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ chính thức áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với các sản phẩm tương tự nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ tháng 2/2020 với mức thuế chống bán phá giá từ 4,37% đến 262,18%, mức thuế chống trợ cấp từ 13,33% đến 293,45%.
Ghế sofa có khung gỗ (Seats with wooden frames, upholstered) xuất khẩu sang Hoa Kỳ cũng nằm trong danh sách này. Mã HS tham khảo: 9401.61. Theo Bộ Công Thương, kim ngạch của Việt Nam đã tăng nhanh từ 819 triệu USD năm 2018 lên 1,4 tỷ USD năm 2019 và 2,1 tỷ USD năm 2020.
Trong giai đoạn 12 tháng từ tháng 12/2020 đến tháng 11/2021, kim ngạch của Việt Nam lên đến 3,1 tỷ USD, tăng 52,1% so với cùng kỳ năm trước. Thị phần của Việt Nam có xu hướng tăng.
Hiện tại, kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 38,3% tổng kim ngạch nhập khẩu của Hoa Kỳ. Mặt hàng này nằm trong danh sách các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đang bị Hoa Kỳ áp thuế 25%.
Cuối cùng là gỗ thanh và viền dải gỗ được tạo dáng liên tục (Wood mouldings, millwork products) xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Mã HS tham khảo: 4409.10, 4409.22, 4409.29. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu tăng từ tháng 11/2020.
Ngoài ra, các mặt hàng khác là đá nhân tạo, gạch men, xe đạp điện, vỏ bình ga, ghim đóng thùng, pin năng lượng mặt trời, thép carbon chống ăn mòn...
Cà phê "rộng cửa" xuất khẩu vào EU
Theo dự báo của Bộ Công Thương, cà phê, hạt điều, cao su, rau quả, hạt tiêu, gạo và chè tiếp tục sẽ là những mặt hàng tăng trưởng mạnh trong năm 2022. Trong đó EU là thị trường được dự báo sẽ có mức tăng trưởng mạnh.
Khu vực miền Trung - Tây Nguyên, nơi được xem là "đại bản doanh" của cây cà phê tại Việt Nam, việc xuất khẩu cà phê sang EU có nhiều tín hiệu khởi sắc.
Tin liên quan |
Đại sứ ‘bật mí’ nghệ thuật chinh phục thị trường |
Khi nói các vùng trồng cà phê ở Việt Nam, không thể không kể đến Tây Nguyên, đặc biệt là Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk được coi là "vựa" cà phê Robusta xuất khẩu đứng đầu thế giới. Những tín hiệu tích cực từ thị trường cho thấy, mặt hàng số 1 là cà phê sẽ tiếp tục tận dụng tốt lợi thế về thuế suất ưu đãi theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) để gia tăng thị phần trong tổng nhu cầu nhập khẩu cà phê khoảng 10 tỷ USD mỗi năm mà EU đang có.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến nay, xuất khẩu cà phê của cả nước đạt gần 400.000 tấn, thu về trên 824 triệu USD, giá trung bình đạt hơn 2.219 USD/tấn; tăng gần 31% về khối lượng, tăng xấp xỉ 66 % về kim ngạch và tăng gần 27% về giá so với cùng kỳ năm 2021.
Đức là thị trường tiêu thụ nhiều nhất các loại cà phê của Việt Nam, chiếm gần 13% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước, đạt hơn 47 ngàn tấn. Tiếp theo là thị trường Bỉ, Italy, chiếm lần lượt gần 10% và 7% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước.
Đây rõ ràng là các tín hiệu vui từ thị trường xuất khẩu cà phê ngay trong những tháng đầu năm nay. Hiệp định EVFTA đã mang lại những tác động tích cực đến việc xuất khẩu của ngành hàng cà phê cả nước, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên.
Tuy nhiên, EVFTA không phải là chìa khóa vạn năng, bởi có một điều không thay đổi, đó là cho dù có Hiệp định thương mại tự do, EU vẫn luôn coi trọng và đặt yêu cầu về chất lượng sản phẩm lên hàng đầu. Do đó, cả người trồng cà phê, cũng như các doanh nghiệp thu mua chế biến xuất khẩu vừa tranh thủ lợi thế này, vừa coi đây là động lực mạnh mẽ để không ngừng nâng cao giá trị cà phê Tây Nguyên.
| Tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng sau 1 năm thực thi UKVFTA, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp xử lý container hạt điều tại Italy, ... |
| Một năm thực thi UKVFTA: Xuất khẩu sang Anh tăng trưởng ấn tượng Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, sau một năm thực thi, UKVFTA đã giúp cho quan hệ thương mại Việt Nam-Anh đạt ... |