Xuất khẩu gạo thơm ST24 và ST25 ghi nhận đà tăng trưởng đột phá trong 4 tháng đầu năm. (Nguồn: Vinanet) |
Xuất nhập khẩu đạt gần 290 tỷ USD, nhập siêu gần 2 tỷ USD
Số liệu sơ bộ được Tổng cục Hải quan ghi nhận, nửa đầu tháng 6 (từ ngày 1-15/6), kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 12,3 tỷ USD, giảm gần 2 tỷ USD so với nửa cuối tháng 5 trước đó (cuối tháng 5 đạt 14,28 tỷ USD).
Nửa đầu tháng 6, cả nước có 4 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, nhưng kim ngạch giảm nhóm so với nửa cuối tháng 5/2021 (nhóm hàng giày dép). Đồng thời, kim ngạch các nhóm hàng chủ lực đều giảm như: điện thoại và linh kiện đạt hơn 1,96 tỷ USD, giảm khoản 50 triệu USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 1,06 tỷ USD, giảm mạnh khoảng 800 triệu USD; máy móc thiết bị đạt 1,1 tỷ USD, giảm khoảng 260 triệu USD.
Trong 4 nhóm hàng “tỷ đô” chỉ dệt may tăng trưởng nhẹ hơn 10 triệu USD, đạt 1,452 tỷ USD.
Lũy kế từ đầu năm đến 15/6, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 143,36 tỷ USD vẫn tăng mạnh 29,67% so với cùng kỳ 2020.
Ở chiều nhập khẩu, nửa đầu tháng 6 đạt 13,65 tỷ USD, giảm gần 800 triệu USD so với nửa cuối tháng 5/2020.
Hai nhóm hàng nhập khẩu “tỷ đô” trong 15 ngày đầu tháng này là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 2,73 tỷ USD, giảm hơn 150 triệu USD so với nửa cuối tháng 5. Trong khi máy móc thiết bị đạt gần 2,1 tỷ USD, tăng nhẹ hơn 10 triệu USD.
Từ đầu năm đến 15/6, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 145,32 tỷ USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế từ đầu năm đến 15/6, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 288,68 tỷ USD và nước ta nhập siêu 1,96 tỷ USD.
Thép Việt Nam đi EU tăng gấp 5 lần
Số liệu của Bộ Công thương cho thấy, 5 tháng qua, Việt Nam đã xuất khẩu 4,91 triệu tấn sắt thép, trị giá 3,557 tỷ USD, tăng 62,2% về lượng và tăng 113,3% về trị giá so với cùng kỳ.
Nhưng, đối chiếu với số liệu mà Tổng cục Hải quan đưa ra, xuất khẩu sắt thép còn tăng mạnh hơn, riêng trong tháng 5/2021, xuất khẩu sắt thép các loại đạt 980.000 tấn, với trị giá là 833 triệu USD, giảm 4% về lượng và tăng 8,2% về trị giá so với tháng trước.
Trong 5 tháng/2021, cả nước xuất khẩu 4,88 triệu tấn sắt thép các loại với trị giá đạt 3,61 tỷ USD; tăng mạnh 61,6% về lượng và 117% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
EU, Trung Quốc, Campuchia, Malaysia và Mexico là 5 thị trường lớn nhất nhập khẩu nhóm hàng sắt thép của Việt Nam với tốc độ tăng cao đột biến.
Cụ thể: lượng xuất khẩu sắt thép Trung Quốc: 1,1 triệu tấn, tăng gấp 2 lần; sang EU là 713.000 tấn, tăng gấp 5 lần; Mexico: 293.000, tăng 2,5 lần. Trong khi đó, xuất khẩu sang Malaysia chỉ tăng nhẹ 12,8% đạt 322.000 tấn; xuất khẩu sang Campuchia giảm 1,5% đạt 584.000 tấn.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu mặt hàng này cũng chung đà tăng mạnh, với hơn 6 triệu tấn, trị giá 4,64 tỷ USD, tăng 9,2% về lượng và tăng 37,9% về trị giá so với cùng kỳ. Riêng nhập khẩu sản phẩm từ thép cũng tăng 28,5%, trị giá 2,037 tỷ USD.
Điện thoại và máy vi tính cùng cán mốc 20 tỷ USD
Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, 15 ngày đầu tháng 6, kim ngạch xuất khẩu điện thoại đạt 1,06 tỷ USD, qua đó nâng tổng kim ngạch từ đầu năm đến 15/6 đạt 22,818 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái và tiếp tục là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất, chiếm 15,9% tổng kim ngạch của cả nước.
Các thị trường xuất khẩu lớn nhất của nhóm hàng này là Trung Quốc, Mỹ, EU.
Cập nhật theo thị trường hết tháng 5, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 4,84 tỷ USD, tăng 50,5%; sang Mỹ đạt 3,71 tỷ USD, tăng 9,3%; Liên minh châu Âu (EU) đạt 3,52 tỷ USD, giảm 11,4%...
Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tiếp tục bám đuổi sát nhóm hàng điện thoại.
Nửa đầu tháng 6, nhóm hàng này đạt kim ngạch 1,965 tỷ USD để nâng tổng kim ngạch từ đầu năm đến 15/6 lên gàn 21,69 tỷ USD tăng 25% so với cùng kỳ 2020, chiếm 15,13% tổng kim ngạch cả nước.
Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện xuất khẩu nhiều nhất vào thị trường Mỹ với kim ngạch đạt 4,88 tỷ USD (cập nhật 5 tháng đầu năm), tăng 40,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tiếp đến là Trung Quốc đạt 4,03 tỷ USD, giảm 6,2%; EU đạt 2,84 tỷ USD, tăng 42,7%; Hàn Quốc đạt 1,66 tỷ USD, tăng 56,4%…
Xuất khẩu gạo ST24 tăng "phi mã" hơn 500%
Theo Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (VITIC), tính đến hết tháng 4, chủng loại gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục chuyển biến tích cực với lượng gạo thơm xuất khẩu đạt hơn 682 nghìn tấn, tăng hơn 11% so cùng kỳ năm 2020.
Các thị trường tiêu thụ chính là Gana (26%), Philippines (24%), Bờ Biển Ngà (17,5%)...
Đặc biệt, xuất khẩu gạo thơm ST24 và ST25 ghi nhận đà tăng trưởng đột phá trong 4 tháng đầu năm. Xuất khẩu gạo ST24 đạt gần 13 nghìn tấn, tăng 513% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó 11 nghìn tấn (87%) được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Xuất khẩu gạo ST25 cũng tăng rất mạnh lên mức 2,3 nghìn tấn trong 4 tháng đầu so với chỉ 5 tấn của cùng kỳ năm ngoái và đồng thời tăng gấp đôi so với con số 1,2 nghìn tấn của cả năm 2020.
Trong đó, 98% lượng gạo ST25 (hơn 2,2 nghìn tấn) đã được xuất khẩu vào thị trường Mỹ.
Việc gạo Việt Nam liên tục có mặt trong top đầu tại cuộc thi gạo ngon nhất thế giới những năm gần đây (gạo ST25 của Việt Nam đạt giải gạo ngon nhất thế giới năm 2019 và giải nhì năm 2020) đã thu hút được sự chú ý của người tiêu dùng cũng như các nhà nhập khẩu gạo tại Mỹ.
Tuy nhiên, để cạnh tranh với các loại gạo thơm của Thái Lan và Ấn Độ tại Mỹ, bên cạnh đảm bảo chất lượng và sản lượng, việc xây dựng một thương hiệu mạnh ngay từ đầu cũng là vấn đề quan trọng.
Cá tra sang EU chưa thoát khỏi mức âm
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), tính đến nửa đầu tháng 5, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường EU đạt hơn 39 triệu USD, giảm 26% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, giá trị xuất khẩu sang Hà Lan giảm gần 22%, Tây Ban Nha giảm 33%, Đức giảm 51% và Bỉ giảm 38%. Như vậy, 3 năm trở lại đây, giá trị xuất khẩu cá tra sang EU vẫn chưa thể thoát khỏi mức tăng trưởng âm ảm đạm.
Theo nguồn tin từ một số nhà nhập khẩu lớn của EU, năm 2020, thị trường thủy sản EU bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi Covid-19, các biện pháp giãn cách ở Italy, Pháp, Đức... tác động không nhỏ tới lưu thông vận chuyển hàng hóa nội khối và ngoại khối.
Đầu năm 2021, thị trường bán lẻ EU tăng mạnh, tăng 30% so với năm trước. Tuy nhiên ngành dịch vụ thực phẩm như nhà hàng, khách sạn... vẫn tăng trưởng chậm.
Dù giá bán cá tra ở EU vẫn ổn định, các nhà nhập khẩu theo phương thức FOB dè dặt mua hàng do chi phí vận chuyển đường biển cao. Tháng 3, giá cá tra philê cao cấp chưa qua xử lý tại TP. Hồ Chí Minh dao động 2,2 - 3,3 USD/kg.
Theo VASEP, phần lớn sản phẩm cá tra xuất khẩu sang EU là sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh. Trong đó, Hà Lan là thị trường xuất khẩu lớn nhất của doanh nghiệp cá tra Việt Nam, đây cũng vẫn là thị trường nhập khẩu sản phẩm cá tra giá trị gia tăng lớn.
Việt Nam xuất khẩu chủ yếu các sản phẩm sau sang thị trường Hà Lan: Cá tra phi lê đông lạnh, phi lê cá tra organic đông lạnh, cá tra cắt khoanh đông lạnh, cá tra nguyên con đông lạnh, cá tra phi lê xiên que đông lạnh…