Ngay từ đầu năm 2021, hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam có sự khởi sắc đáng kể. (Nguồn: VOV) |
Điểm danh những nhóm hàng tỷ USD trong 15 ngày đầu năm 2021
Theo thông tin Tổng cục Hải quan, so với một năm trước đây, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam có sự khởi sắc đáng kể,
Về xuất khẩu, so với cùng kỳ năm 2020, kim ngạch tăng thêm khoảng 2 tỷ USD, tương đương hơn 18,3%. Đây là sự khởi đầu rất ấn tượng so với mức tăng trưởng chỉ đạt 7% của năm ngoái.
Chỉ 15 ngày đầu năm, Việt Nam có tới 4 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên, tăng 1 nhóm so với cùng kỳ 2020.
Nhóm hàng mới đạt được con số tỷ USD là máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng với kim ngạch 1,45 tỷ USD, tăng mạnh tới 72% so với cùng kỳ 2020 (cùng kỳ đạt 843 triệu USD).
3 nhóm hàng còn lại vẫn duy trì kim ngạch tỷ USD như thời điểm một năm trước là điện thoại và linh kiện; là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; dệt may.
Trong đó, điện thoại và linh kiện là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất đạt 2,86 tỷ USD, tăng tới gần 1,5 tỷ USD (cùng kỳ 2020 đạt 1,375 tỷ USD). Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đứng thứ 2 với 1,7 tỷ USD, tăng hơn 10%; dệt may đạt gần 1,23 tỷ USD, giảm hơn 200 triệu USD.
Ở chiều nhập khẩu, kim ngạch tăng thêm so với cùng kỳ năm ngoái cũng rất ấn tượng với con số gần 2,2 tỷ USD (tương đương tăng hơn 19%).
Chỉ 15 ngày đầu năm, cả nước có 3 nhóm hàng nhập khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, tăng 1 nhóm so với cùng kỳ 2020. Nhóm hàng mới là điện thoại và linh kiện với 1,3 tỷ USD, tăng mạnh gần 700 triệu USD, tương đương 112%.
2 nhóm hàng có kim ngạch tỷ USD như năm ngoái là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng. Trong đó, là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện dẫn đầu với kim ngạch 2,73 tỷ USD, tăng 25%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 9,5%.
Xuất siêu năm 2020 cao kỷ lục
Con số xuất siêu chính thức của năm 2020 là gần chạm mốc 20 tỷ USD, thay vì con số 19,1 tỷ USD như ước tính trước đó của Tổng cục Thống kê.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước trong năm 2020 đạt 545,36 tỷ USD, tăng 5,4% với năm trước đó. Trong đó trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 282,65 tỷ USD, tăng 7%, tương ứng tăng 18,39 tỷ USD và nhập khẩu đạt 262,7 tỉỷ USD, tăng 3,7%, tương ứng tăng 9,31 tỷ USD.
Tính ra, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước thặng dư 19,95 tỷ USD, mức cao nhất trong 5 năm liên tiếp xuất siêu kể từ năm 2016.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, trong năm 2020, trao đổi thương mại hàng hóa của Việt Nam với châu Mỹ đạt 112,02 tỷ USD, tăng 16,2% so với năm trước đó, liên tục là châu lục đạt mức tăng trưởng cao nhất.
Xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với châu Á tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất (64,7%) trong tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước. Trị giá xuất nhập khẩu trong năm vừa qua với thị trường này đạt 352,97 tỷ USD, tăng 4,2% so với năm 2019.
Trị giá xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các châu lục khác lần lượt là châu Âu: 63,85 tỷ USD (giảm 3,1%); châu Đại Dương: 9,79 tỷ USD (tăng 2,4%); và châu Phi: 6,72 tỷ USD (giảm 5%) so với năm 2019.
Lưu ý khi xuất khẩu sang Trung Quốc
Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, vừa qua, cơ quan chức năng Trung Quốc đã thông báo tiến hành kiểm tra và khử trùng phòng dịch đối với hàng hóa được vận chuyển trong container thông thường, do lo ngại dịch Covid-19 dễ lây lan qua biên giới khi nhiệt độ xuống thấp vào mùa Đông và mùa Xuân.
Các biện pháp kiểm tra bao gồm việc lấy mẫu hàng hóa nhập khẩu trong container để tiến hành kiểm tra, xét nghiệm; tiến hành khử trùng công đoạn bốc dỡ hàng hóa trên container nhập khẩu; thực hiện phun khử trùng phòng dịch đối với container rỗng trong lúc lau dọn, bốc xếp hàng hóa.
Công tác kiểm tra, khử trùng phòng dịch đối với xe chở container cũng như bao bì hàng hóa trên xe cũng được thực hiện tương tự quy trình nêu trên.
Chính quyền Quảng Tây, Trung Quốc (địa phương có biên giới với 4 tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang của Việt Nam), cũng đã đưa ra một số yêu cầu tăng cường quản lý hoạt động nhập khẩu thực phẩm đông lạnh.
Cụ thể, đối với mặt hàng thực phẩm đông lạnh nhập khẩu, nếu không có đầy đủ 4 loại giấy tờ sau sẽ không được phép tiêu thụ trên thị trường.
Đó là Chứng nhận kiểm nghiệm, kiểm dịch hàng hóa nhập khẩu; Chứng nhận khử trùng; Chứng nhận thông tin truy xuất nguồn gốc hợp pháp và Chứng nhận xét nghiệm Axit Nucleic âm tính với Covid-19.
Các sản phẩm thực phẩm đông lạnh nhập khẩu vào Quảng Tây qua các cửa khẩu, cảng biển khi bảo quản, tiêu thụ và gia công trên địa bàn phải được nhập kho giám sát tập trung của địa phương, thực hiện nghiêm túc lấy mẫu Axit Nucleic, khử trùng toàn bộ bề mặt hàng hóa, quản lý truy xuất nguồn gốc hàng hóa.
Các sản phẩm đã thực hiện công tác trên tại tỉnh, thành phố khác của Trung Quốc vẫn phải nhập kho để đối chiếu, sau đó có thể tiêu thụ hoặc gia công.
Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản, thủy sản xuất khẩu tới thị trường Trung Quốc tăng cường công tác giám sát chất lượng của hàng hóa, tránh vi phạm các quy định của Trung Quốc về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, an toàn thực phẩm, góp phần góp quá trình thông quan diễn ra thuận lợi hơn.
Xuất khẩu quả và quả hạch giảm tốc
Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) ước tính, xuất khẩu quả và quả hạch trong tháng 12/2020 đạt 175 triệu USD, tăng 3,3% so với tháng 11/2020, nhưng giảm 24,4% so với tháng 12/2019. Năm 2020 xuất khẩu quả và quả hạch ước đạt 2,2 tỷ USD, giảm 20,1% so với năm 2019.
Quả và quả hạch là chủng loại xuất khẩu chính trong cơ cấu mặt hàng rau quả của Việt Nam, với tỷ trọng xuất khẩu chiếm 67,5% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam. Trong 11 tháng năm 2020, xuất khẩu quả và quả hạch tới thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn, nhưng trị giá xuất khẩu sang thị trường này giảm mạnh, là do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 khiến nhu cầu nhập khẩu trái cây của Trung Quốc giảm.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đưa ra những quy định nghiêm ngặt hơn liên quan đến vấn đề truy xuất nguồn gốc, vệ sinh an toàn thực phẩm. Đáng chú ý, mặc dù xuất khẩu quả và quả hạch sang một số thị trường tăng mạnh trong 11 tháng năm 2020 như: Thái Lan, Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất, Australia, Hàn Quốc, thị trường Đài Loan và Nhật Bản, nhưng tỷ trọng xuất khẩu sang các thị trường vẫn còn thấp so với nhu cầu nhập khẩu.
Trong cơ cấu chủng loại quả và quả hạch có rất nhiều loại quả có lợi thế cạnh tranh và còn nhiều tiềm năng để phát triển như: Thanh long, xoài, dưa hấu, chuối, nhãn, mít, các loại hạt..., vì vậy các doanh nghiệp nên có sự thay đổi trong sản xuất và kinh doanh, đặc biệt chú trọng vào chất lượng và truy xuất nguồn gốc, để đẩy mạnh xuất khẩu những loại quả này trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, để giảm dần sự phụ thuộc trong xuất khẩu quả và quả hạch sang thị trường Trung Quốc, cần phải đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.