Bản tin xuất khẩu: Đồ nội thất gỗ Việt Nam đang chiếm lĩnh trị trường Mỹ. (Nguồn: Vietnambiz) |
Tin vui cho ngành gỗ Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ
Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan vừa thay mặt Chính phủ Việt Nam ký thỏa thuận với Trưởng đại diện thương mại (USTR) của Chính phủ Hoa Kỳ Katherine Tai về kiểm soát khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thỏa thuận này là kết quả của nỗ lực không ngừng nghỉ của Việt Nam trong đàm phán với Mỹ để khép lại vụ Điều tra 301 của Chính phủ Mỹ về khai thác và thương mại gỗ của Việt Nam.
Việc ký thỏa thuận thể hiện tinh thần thiện chí và hợp tác của 2 bên, là nền tảng cho phát triển lâm nghiệp bền vững, phục vụ lợi ích cho người dân và doanh nghiệp 2 nước.
Thỏa thuận cũng thể hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc tăng cường kiểm soát nguồn gốc và chuỗi cung ứng gỗ, mở rộng thị trường xuất khẩu, cải thiện thể chế quản lý rừng, giải quyết tình trạng khai thác và thương mại gỗ trái phép.
Đồng thời, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong việc xây dựng, ban hành và thực thi các quy định pháp luật bảo đảm nguồn gốc gỗ hợp pháp, phù hợp với các quy định liên quan của Điều ước Quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Phía Mỹ đánh giá cao thỏa thuận này vì đây là thỏa thuận thương mại đầu tiên của Mỹ nhằm thúc đẩy môi trường bền vững và là hình mẫu cho Mỹ hợp tác với các nước trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và toàn cầu.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng lên mức cao
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong tuần qua, giá lúa gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục tăng nhẹ. Cụ thể, giá lúa thường tại ruộng cao nhất là 5.100 đồng/kg, giá bình quân là 4.950 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg. Giá lúa thường tại kho cao nhất 7.250 đồng/kg, trung bình là 6.175 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg.
Cùng với đó, giá các loại gạo cũng có xu hướng tăng. Gạo 5% tấm có giá cao nhất 9.400 đồng/kg, giá bình quân 9.243 đồng/kg, tăng 186 đồng/kg. Gạo 15% tấm có giá cao nhất 9.200 đồng/kg, giá bình quân 9.008 đồng/kg, tăng 173 đồng/kg. Gạo 25% tấm có giá cao nhất 9.000 đồng/kg, giá bình quân 8.775 đồng/kg, tăng 183 đồng/kg.
Số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cũng cho thấy, tại Sóc Trăng, giá các loại lúa vẫn ổn định như: OM4900 là 7.500 đồng/kg, OM6976 là 6.500 đồng/kg, ST24 là 8.050 đồng/kg, riêng Đài thơm 8 là 7.300 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc thu hoạch và tiêu thụ lúa Hè Thu với gần 1.780 nghìn ha gần như kết thúc. Các địa phương đang tích cực chăm sóc và thu hoạch lúa Thu Đông.
Cùng với đó, hiện các địa phương đã lên kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2021-2022. Những vùng ven biển, có nguy cơ hạn cuối vụ như: Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Kiên Giang với khoảng 400.000ha chiếm khoảng 26% diện tích vụ Đông Xuân vùng Nam Bộ sẽ gieo cấy xong trong tháng 10 nhằm né mặn...
5 điều cần lưu ý khi kinh doanh tại EU
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) vừa đưa ra một loạt khuyến nghị cho doanh nghiệp Việt Nam khi kinh doanh tại thị trường EU.
Thứ nhất là xây dựng các quy tắc khi trao đổi thông tin với đối thủ cạnh tranh. Doanh nghiệp yêu cầu nhân viên các cấp không được phép trao đổi với đối thủ cạnh tranh của doanh nghiệp những nội dung như: Các thông tin liên quan đến việc bán hàng tại thị trường EU (hỏi đối thủ cạnh tranh có tham gia vào cuộc đấu thầu cụ thể nào đó hay không; giá của một mặt hàng nhất định, chiết khấu hoặc các nội dung khác liên quan đến giá sản phẩm mà doanh nghiệp đang kinh doanh tại EU…).
Thứ hai là luôn cảnh giác khi tham gia vào Hiệp hội thương mại. Hiệp hội thương mại là một trong những kênh thông tin giúp doanh nghiệp nắm bắt thị trường. Tuy nhiên, các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh thông thường ẩn nấp dưới các hoạt động của hiệp hội.
Thứ ba là xây dựng các quy tắc khi liên lạc với khách hàng và nhà cung cấp sản phẩm. Trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp và các đối tác khách hàng (nhà phân phối) hoặc các nhà cung cấp nguyên vật liệu, doanh nghiệp không nên thực hiện những hành vi như: Ép buộc nhà phân phối phải tuân theo mức giá nhất định.
Tin liên quan |
Chuyên gia Đỗ Cao Bảo: Chống dịch là cách tốt nhất để ‘giữ chân’ FDI, thu hút dự án mới |
Thứ tư là rà soát hợp đồng ký kết giữa doanh nghiệp và các doanh nghiệp phân phối hoặc doanh nghiệp cung ứng nguyên vật liệu tại thị trường EU. Đối với doanh nghiệp Việt Nam có vị trí thống lĩnh trên một thị trường liên quan nhất định tại EU, doanh nghiệp không được thực hiện những hành vi nếu hành vi đó gây tổn hại tới cạnh tranh.
Thứ năm, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng lưu ý các doanh nghiệp vấn đề tham gia Chương trình khoan hồng nếu thực hiện hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh. Trong trường hợp doanh nghiệp cho rằng đã vô tình tham gia vào hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh tại thị trường EU thì nên khai báo và tham gia Chương trình khoan hồng theo pháp luật cạnh tranh EU để hưởng miễn trừ tiền phạt.
8 tháng, Việt Nam xuất khẩu hơn 800 nghìn tấn phân bón
Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, 8 tháng năm 2021, xuất khẩu phân bón tăng mạnh cả khối lượng, kim ngạch và giá so với cùng kỳ năm 2020, với mức tăng tương ứng 19,2%, 46,7% và 23%, đạt 830.437 tấn, tương đương gần 295,91 triệu USD, giá trung bình đạt 356,3 USD/tấn.
Phân bón của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Canpuchia. Trong 8 tháng, xuất khẩu phân bón sang Canpuchia đạt trên 354.336 tấn, tương đương trên 133,83 triệu USD, giá trung bình 377,7 USD/tấn, tăng mạnh cả khối lượng, kim ngạch và giá so với 8 tháng năm 2020, với mức tăng tương ứng 37%, 66% và 21%. Campuchia chiếm 42,7% trong tổng lượng và chiếm 45,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước.
Đứng sau thị trường chủ đạo Campuchia là thị trường Mozambique với mức tăng rất mạnh 482,3% về lượng và tăng 545% kim ngạch, giá cũng tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 38.759 tấn, tương đương 18,21 triệu USD, giá trung bình 470 USD/tấn; chiếm 4,7% trong tổng lượng và chiếm 6,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước.
Xuất khẩu sang thị trường Lào đạt 39.361 tấn, tương đương trên 15,7 triệu USD, giá 398,8 USD/tấn, tăng 34,8% về lượng, tăng 38,2% kim ngạch, giá tăng 2,5% so với cùng kỳ, chiếm 5% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước.
Nhìn chung, xuất khẩu phân bón 8 tháng đầu năm 2021 sang các thị trường chủ đạo bị tăng cả lượng và kim ngạch so với 8 tháng năm 2020.
Xuất khẩu lâm sản đạt gần 12 tỷ USD
Theo số liệu vừa được Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) công bố, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 9/2021 đem về 750 triệu USD, lũy kế 9 tháng đạt 11,14 tỷ USD, tăng 30,9% so với 3 quý tương ứng của năm ngoái.
Xuất khẩu lâm sản ngoài gỗ đem về 71 triệu USD trong tháng 9/2021, gồm 50 triệu USD từ mây, tre, thảm và 21 triệu USD từ quế. Lũy kế 9 tháng, nhóm lâm sản ngoài gỗ đem về 832 triệu USD kim ngạch xuất khẩu, tăng 46,4% so cùng kỳ năm trước, gồm nhóm mây, tre, thảm đạt 632 triệu USD; sản phẩm quế đạt 201 triệu USD.
Các thị trường xuất khẩu gỗ và lâm sản chính là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc hiện nay chiếm trên 90% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản.
Về nhiệm vụ phát triển rừng, Tổng cục Lâm nghiệp cho hay, trong tháng 9, cả nước trồng được 26.744 ha rừng, trong đó trồng rừng phòng hộ được 1.100 ha; rừng sản xuất trồng được 25.640 ha.
Lũy kế 9 tháng, đã trồng 174.695 ha rừng, đạt 75,9% kế hoạch năm, bằng 141% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm trồng rừng đặc dụng đạt 348 ha; rừng phòng hộ 821 ha và rừng sản xuất 170.526 ha.
Ngoài ra, trong 3 quý vừa qua, cả nước cũng đã trồng được 72 triệu cây phân tán, đạt 60% kế hoạch cả năm và bằng 131% so với cùng kỳ năm ngoái.
| Danh sách 7 doanh nghiệp trúng đấu giá nhập 97.000 tấn đường năm 2021, xuất khẩu cá tra vẫn tăng trưởng bất chấp Covid-19, xuất ... |
| Xuất khẩu đồ gỗ nội thất Việt sang Canada tăng vọt, tôm Việt vẫn bị cạnh tranh khốc liệt tại Mỹ, nhập khẩu ngô từ ... |