Xuất khẩu ngày 2-5/2: Trung Quốc dẫn đầu nhóm thị trường nhập điện thoại ‘Made in Vietnam. (Nguồn: VGP) |
Tháng 1, Việt Nam xuất siêu 1,3 tỷ USD
Bộ Công Thương cho hay, trong tháng đầu tiên của năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục đạt thành tích đáng ghi nhận khi xuất siêu 1,3 tỷ USD.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1/2021 ước tính đạt 27,7 tỷ USD. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng đầu tiên của năm mới tăng 50,5%.
Có tổng cộng 6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 67,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất đạt 5,8 tỷ USD, chiếm 20,9% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 4 tỷ USD, tăng 50,2%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 3,2 tỷ USD, tăng 115,3%; hàng dệt may đạt 2,6 tỷ USD, tăng 3,3%; giày dép đạt 1,8 tỷ USD, tăng 26,4%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,3 tỷ USD, tăng 48,4%.
Về xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản ước đạt 2,03 tỷ USD, giảm 16,2% so với tháng cuối của năm 2020 nhưng tăng 22,7% so với cùng kỳ. Trong nhóm này, ngoại trừ rau quả, cà phê và gạo có kim ngạch giảm so với cùng kỳ năm trước các mặt hàng khác đều có kim ngạch tăng so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, xuất khẩu thủy sản ước đạt 600 triệu USD, tăng 19,6%; cao su đạt 321 triệu USD, tăng 142,2%; hạt điều đạt 268 triệu USD, tăng 51,7%; hạt tiêu đạt 51 triệu USD, tăng 42,4%; chè đạt 16 triệu USD, tăng 31,2%.
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong tháng 1
Số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 1/2021, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 7,5 tỷ USD, tăng 57,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tiếp đến là Trung Quốc đạt 5,8 tỷ USD, tăng 111,6%; thị trường EU đạt 2,8 tỷ USD, tăng 14,8%; thị trường ASEAN đạt 2,3 tỷ USD, tăng 31,9%; Nhật Bản đạt 1,9 tỷ USD, tăng 22,7%; Hàn Quốc đạt 1,7 tỷ USD, tăng 24,2%.
Tháng 1/2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 26,4 tỷ USD, tăng 41% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 9,6 tỷ USD, tăng 72,7% so với cùng kỳ năm trước.
Tiếp đến là Hàn Quốc đạt 5,1 tỷ USD, tăng 29,3%; thị trường ASEAN đạt 3,4 tỷ USD, tăng 63,3%; Nhật Bản đạt 2 tỷ USD, tăng 52,9%; thị trường EU đạt 1,3 tỷ USD, tăng 23,3%; Mỹ đạt 1 tỷ USD, tăng 4,2%.
Ước tính, tháng 1/2021, Việt Nam xuất siêu 1,3 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 1,8 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 3,1 tỷ USD.
Xuất siêu sang EU đạt 1,5 tỷ USD, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu từ Trung Quốc 3,8 tỷ USD, tăng 34,9%; nhập siêu từ Hàn Quốc 3,4 tỷ USD, tăng 32%; nhập siêu từ ASEAN 1,1 tỷ USD, tăng 211%.
Tin liên quan |
Thu hút FDI từ ‘lá bài’ RCEP - Cửa rộng và sáng đến đâu? |
Cũng trong tháng 1/2021 có 4 mặt hàng nhập khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, chiếm 50,6% tổng kim ngạch nhập khẩu. Trong đó: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 5,5 tỷ USD (chiếm 20,8% tổng kim ngạch nhập khẩu), tăng 29,9% so với cùng kỳ năm trước; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 4,1 tỷ USD, tăng 46,3%; điện thoại và linh kiện đạt 2,6 tỷ USD, tăng 128,3%; vải đạt 1,2 tỷ USD, tăng 32,9%.
Điện thoại ‘Made in Vietnam’ thu về hơn 51 tỷ USD nhờ xuất ngoại
Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu điện thoại và linh kiện trong năm 2020 đạt xấp xỉ 51,18 tỷ USD, giảm nhẹ 0,4% so với năm 2019 và hiện đang chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu năm qua của cả nước.
Điện thoại từ Việt Nam đã xuất đi hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Dẫn đầu tiêu thụ nhóm sản phẩm này là Trung Quốc với 12,34 tỷ USD, chiếm 24% tổng kim ngạch xuất khẩu điện thoại của cả nước, tăng 48,8% so với năm 2019. Thị trường EU đứng thứ 2 về kim ngạch khi đạt 9,9 tỷ USD, giảm 18,9% so với năm 2019.
Tiếp đến là Mỹ đạt 8,79 tỷ USD, giảm 1,2%; Hàn Quốc đạt 4,58 tỷ USD, giảm 11%; UAE đạt gần 2,53 tỷ USD, giảm 25,6%...
Ngoài thị trường Trung Quốc vẫn tăng mua điện thoại và linh kiện từ Việt Nam, trong năm qua còn có Hồng Kông (Trung Quốc) cũng tăng 44,14% với 1,73 tỉ USD; Canada tăng 34,3% với 826,23 triệu USD; Nhật Bản tăng 16,5% với 937,75 triệu USD…
Năm 2020 đã đánh dấu năm đầu tiên kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện sụt giảm. Bởi lẽ trong 10 năm trước đó, đây là nhóm mặt hàng luôn có mức tăng trưởng cao, giá trị xuất khẩu năm sau cao hơn năm trước. Thậm chí có năm tăng trưởng đến 3 con số như năm 2011 tăng tới 178,3% so với năm 2010.
Với mức tăng trưởng này, sản phẩm điện thoại và linh kiện đã nhanh chóng soán ngôi của các nhóm hàng truyền thống như dệt may, giày dép… để trở thành nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nhiều năm qua. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu nhóm mặt hàng này những năm qua luôn đóng góp đến trên dưới 20% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước.
Kim ngạch xuất khẩu nhóm điện thoại và linh kiện chủ yếu nhờ vào các doanh nghiệp FDI, trong đó các dự án đầu tư của Samsung ở Bắc Ninh và Thái Nguyên đóng góp lớn nhất. Hai nhà máy của Samsung ở Việt Nam là SEV (Bắc Ninh) và SEVT (Thái Nguyên) là hai nhà máy sản xuất linh kiện và lắp ráp điện thoại di động lớn nhất và hiện đại nhất của Samsung Electronics trên toàn cầu.
Đối với điện thoại, khoảng 60% sản phẩm Samsung bán ra trên thị trường toàn cầu là được lắp ráp sản xuất ở các nhà máy tại Việt Nam.
Xuất khẩu cà phê lạc quan
Những tháng đầu năm 2021, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn cho rằng, tồn kho cà phê tại các kho cảng trên thế giới đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua là tín hiệu lạc quan cho thấy, thị trường xuất khẩu cà phê sẽ cải thiện trong năm 2021.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, xuất khẩu cà phê năm 2020 đạt 1,51 triệu tấn, tương đương 2,66 tỷ USD, giảm 8,8% về khối lượng và giảm 7,2% về giá trị so với năm trước.
Đức, Mỹ và Italy tiếp tục là 3 thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam với thị phần lần lượt là 12,8% (đạt 319,2 triệu USD); 9,3% (đạt 230,6 triệu USD); 8,4% (đạt 208,2 triệu USD).
Đáng chú ý, năm 2020, giá trị xuất khẩu cà phê tăng mạnh tại một số thị trường khác. Cụ thể, tại thị trường Ba Lan, tăng 35,6%, đạt 36,5 triệu USD; Nhật Bản tăng 15,4%, đạt 170,3 triệu USD; Malaysia tăng 15,2%, đạt 65,3 triệu USD. Ngược lại, giá trị xuất khẩu cà phê giảm mạnh nhất tại thị trường Anh, giảm 36,5%, đạt 46,4 triệu USD.
Về giá cà phê xuất khẩu, giá cà phê xuất khẩu bình quân cả năm 2020 ước đạt 1.759 USD/tấn, tăng 1,8% so với năm 2019.
Nhận định về thị trường xuất khẩu cà phê những tháng đầu năm 2021, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng, tồn kho cà phê tại các kho cảng trên thế giới đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua là tín hiệu lạc quan cho thấy, thị trường xuất khẩu cà phê sẽ cải thiện trong năm 2021.
Các thị trường nhập khẩu cà phê lớn của Việt Nam đều gặp thiệt hại lớn vì dịch Covid-19 và tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội ở mức cao, theo đó, nhu cầu tiêu thụ cà phê tại nhà sẽ tăng mạnh.