Các nhà phân tích nhận định Việt Nam sẽ có một năm đạt kỷ lục mới về xuất khẩu. (Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam) |
Việt Nam sẽ có một năm xuất khẩu "bùng nổ", đạt kỷ lục mới
Trong tháng 3, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt mức cao kỷ lục với tổng trị giá 67,37 tỷ USD. Theo truyền thống, tháng 7 sẽ là tháng bận rộn nhất trong năm bởi vào tháng này, các sản phẩm phục vụ dịp Giáng sinh sẽ được xuất khẩu sang châu Âu và châu Mỹ. Do vậy, các nhà phân tích nhận định Việt Nam sẽ có một năm đạt kỷ lục mới.
Báo Finanzmarktwelt (Thế giới thị trường tài chính) của Đức vừa đăng bài viết nhấn mạnh Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn sau dịch Covid-19, mọi ngành nghề đều có dấu hiệu khởi sắc. Xuất khẩu của Việt Nam năm nay sẽ đạt kỷ lục mới.
Theo bài báo, Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc chiến chống Covid-19 do sự lây lan mạnh của biến thể Delta. Giờ đây, quốc gia Đông Nam Á này đã mở cửa hoàn toàn, cả với du khách nước ngoài.
Tin liên quan |
Báo Đức: Hậu Covid-19, kinh tế Việt Nam khởi sắc, sẽ có một năm xuất khẩu đạt kỷ lục mới |
Dù biến thể Omicron vẫn còn lây lan rộng, song Việt Nam đã chọn cách sống chung an toàn với dịch.
Bài viết nhấn mạnh, trong tháng 3, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt mức cao kỷ lục với tổng trị giá 67,37 tỷ USD, trong đó tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 34,71 tỷ USD, vượt kỷ lục trước đó đạt được vào tháng 7/2021.
Theo truyền thống, tháng 7 sẽ là tháng bận rộn nhất trong năm bởi vào tháng này, các sản phẩm phục vụ dịp Giáng sinh sẽ được xuất khẩu sang châu Âu và châu Mỹ. Do vậy, các nhà phân tích nhận định Việt Nam sẽ có một năm đạt kỷ lục mới.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 6,5% trong năm 2022.
Xuất khẩu 7 loại nông sản tăng mạnh
Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong 4 tháng đầu năm tiếp tục tăng trưởng ấn tượng với trị giá xuất khẩu ước đạt gần 17,9 tỷ USD, tăng 15,6% so với năm trước.
Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt trên 7,4 tỷ USD, tăng 10,5%; lâm sản chính đạt gần 5,9 tỷ USD, tăng 4,9%; thủy sản ước đạt gần 3,6 tỷ USD, tăng 43,7%; chăn nuôi ước đạt 105,4 triệu USD, giảm 19,0%.
Đáng chú ý, theo Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, trong 4 tháng đầu năm đã có 5 sản phẩm, nhóm sản phẩm có trị giá xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD (cà phê, gạo, nhóm rau quả, tôm, sản phẩm gỗ).
Một số mặt hàng đạt trị giá xuất khẩu cao hơn so với cùng kỳ năm trước như: Cà phê, cao su, hồ tiêu, sắn và các sản phẩm từ sắn, cá tra, tôm, gỗ và các sản phẩm gỗ.
Cụ thể, trị giá xuất khẩu cà phê đạt gần 1,7 tỷ USD (tăng 59,4%); cao su đạt khoảng 869 triệu USD (tăng 10,9%); hồ tiêu khoảng 367 triệu USD (tăng 29,6%); sắn và sản phẩm sắn đạt 574 triệu USD (tăng 29,5%); cá tra đạt 894 triệu USD (tăng 89,6%); tôm đạt trên 1,3 tỷ USD (tăng 38,6%); gỗ và sản phẩm gỗ đạt gần 5,5 tỷ USD (tăng 4,5%)...
Hiện, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của các mặt hàng nông, lâm, thủy sản Việt Nam, đạt gần 4,9 tỷ USD (chiếm 27,3% thị phần). Trong đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tới 68,2% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam tại thị trường này.
Đứng thứ hai là thị trường Trung Quốc với trên 3,2 tỷ USD (chiếm 18,1% thị phần); thứ ba là thị trường Nhật Bản với trị giá xuất khẩu đạt gần 1,3 tỷ USD; thứ tư là thị trường Hàn Quốc với trị giá xuất khẩu đạt khoảng 822 triệu USD.
Bồ Đào Nha "chuộng" cá ngừ Việt Nam
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), giá trị xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Bồ Đào Nha đã đạt 1,1 triệu USD trong 3 tháng đầu năm 2022, tăng vọt 135% so với cùng kỳ năm 2021.
Về sản phẩm, các doanh nghiệp cá ngừ của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu cá ngừ đông lạnh mã HS0304 sang thị trường này. Giá trung bình xuất khẩu các sản phẩm này của Việt Nam đang ở mức 6.537 USD/tấn.
Lý giải việc xuất khẩu thủy sản nói chung, cá ngừ nói riêng tăng mạnh, ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký VASEP cho biết, do các doanh nghiệp tập trung vào “trả nợ” đơn hàng hợp đồng cũ đã ký của năm 2021, đồng thời cũng có những hợp đồng mới của năm 2022. Ngoài ra, sau dịch Covid-19, nhu cầu thị trường cũng tăng nhanh.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại thế giới, Bồ Đào Nha hiện đang là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn thứ 6 trong khối EU. Năm 2021, Bồ Đào Nha nhập khẩu cá ngừ từ 35 nước trên thế giới. Trong đó, Việt Nam là nguồn cung cá ngừ ngoài khối lớn thứ 8 cho thị trường này sau Ecuador, Trung Quốc, Papua New Guinea, Mauritius, Indonesia, Ghana và Philippines.
Trong 3 năm bùng phát đại dịch, nhập khẩu cá ngừ của Bồ Đào Nha vẫn tiếp tục duy trì sự tăng trưởng. Khối lượng nhập khẩu cá ngừ của thị trường này đã tăng từ 45 nghìn tấn năm 2019 lên 53 nghìn tấn năm 2021.
Theo VASEP, năm 2021, giá trung bình xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Bồ Đào Nha có xu hướng tăng, nhờ đó mặc dù khối lượng xuất khẩu sang thị trường này giảm nhưng giá trị xuất khẩu vẫn tăng. Với sản phẩm xuất khẩu chủ lực thịt/loin cá ngừ đông lạnh mã HS0304, các sản phẩm này của Việt Nam đang có giá cao nhất nhì trong số các nguồn cung.
Bước sang năm 2022, các ưu đãi thuế quan cho các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam theo Hiệp định EVFTA đang tạo đà cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường Bồ Đào Nha.
Bên cạnh đó, việc các nước châu Âu mở cửa đón khách du lịch trở lại dự kiến sẽ làm tăng nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm cá ngừ có giá trị cao tại các nước này. Do đó, nhu cầu nhập của các nước châu Âu trong đó có Bồ Đào Nha hiện đang tăng lên. Và đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp cá ngừ Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu trong những tháng tới.
“Chúng tôi nhận định rằng, trong quý II/2022, xuất khẩu sẽ tiếp tục tốc độ tăng trưởng bởi nhu cầu của thị trường vẫn đang tăng và các mặt hàng của Việt Nam phù hợp với yêu cầu thị trường sau dịch, đặc biệt là với những hệ thống nhà hàng, khách sạn”, ông Hòe dự báo.
Gạo Việt có nhiều lợi thế trong cuộc đua xuất khẩu sang ASEAN
Việt Nam đang so kè trực tiếp với gạo Thái Lan tại các nước ASEAN - thị trường ngày càng khó tính về chất lượng và cạnh tranh về giá.
Nhận xét này được các tham tán thương mại Việt Nam nêu tại phiên tư vấn xuất khẩu gạo sang thị trường ASEAN, ngày 5/5.
Với số dân gần 700 triệu dân, ASEAN là thị trường có nhiều nét tương đồng về văn hoá, lối sống... với Việt Nam. Đây cũng là thị trường nhập khẩu nhiều loại hàng hoá, nông sản từ Việt Nam, trong đó có gạo. Trong đó, Philippines là thị trường tiêu thụ gạo Việt lớn nhất, tiếp theo là Indonesia.
Ông Phạm Thế Cường, Tham tán thương mại Việt Nam tại Indonesia, cho biết năm 2020, sản lượng gạo Việt Nam và Thái Lan nhập khẩu tương đương nhau, nhưng hiện gạo Việt có xu hướng vượt lên do chất lượng và giá cạnh tranh.
Cơ cấu gạo Việt xuất khẩu đang chuyển dịch theo hướng tăng các loại gạo thơm, gạo đặc sản, hay gạo trắng chất lượng cao. "Gạo Việt đang cạnh tranh trực tiếp với gạo Thái Lan ở phân khúc cao tại thị trường này", ông Phạm Thế Cường đánh giá.
Thu nhập bình quân đầu người của nước này gần 4.350 USD một người một năm, xu hướng tìm mua các loại gạo chất lượng cao của người dân Indonesia ngày càng tăng.
Gạo Việt đang được tiêu thụ mạnh ở hai kênh là chợ truyền thống và siêu thị của Indonesia nhưng người dân nước này ít biết tới thương hiệu gạo Việt so với gạo Thái Lan.
"Các loại gạo đặc sản như ST24, ST25 hoàn toàn có thể cạnh tranh trong thời gian tới. Tuy nhiên công tác quảng bá gạo mang thương hiệu Việt cần tăng cường, nhiều đơn vị nhập khẩu lớn của Indonesia chưa biết gạo ST24, ST25", ông Cường nói.
Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 4 triệu tấn gạo đến năm 2030. Để nâng cao hiệu quả xuất khẩu sang ASEAN, đại diện Cục Xúc tiến thương mại cho rằng ngành gạo cần rà soát lại nhu cầu nhập khẩu của từng khách hàng, xác định những thị trường tiêu thụ gạo phẩm cấp thường với giá rẻ, thị trường tiêu thụ gạo cao cấp, gạo thơm...
Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng cần chú trọng các chính sách thương mại với các nước trong khu vực, tận dụng tối đa những lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN với các đối tác trên thế giới.
Đồng thời, các doanh nghiệp được khuyến cáo tiếp tục cải thiện trình độ công nghệ nhằm gia tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa và chuyển dịch cơ cấu sản phẩm, tăng cường thương mại dịch vụ và đầu tư, tăng lợi thế cạnh tranh của Việt Nam.
7 tỷ USD hàng Việt Nam sang Nhật được ưu đãi thuế
Xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản năm 2021 đạt 20,1 tỷ USD, chiếm 6% trong tổng xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới
Trong số 20,1 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu năm 2021 sang Nhật Bản, Việt Nam đã cấp C/O ưu đãi (mẫu AJ, VJ và CPTPP) cho lượng hàng hóa trị giá 7,12 tỷ USD, tương đương tỷ lệ sử dụng ưu đãi là 35,36%.
Xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản năm 2021 đạt 20,1 tỷ USD, chiếm 6% trong tổng xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới. (Nguồn: Báo Đầu tư) |
Theo Bộ Công Thương, một trong những nguyên nhân chính khiến tỷ lệ sử dụng ưu đãi này chưa cao là do quy tắc xuất xứ AJCEP, VJEPA cũng như CPTPP được coi là chặt nhất trong số các FTA mà Việt Nam đã ký với đối tác. Đây cũng là các FTA đã có hiệu lực duy nhất tính đến thời điểm này áp dụng quy tắc từ vải hoặc từ sợi trở đi đối với hàng dệt may của Việt Nam.
Tuy nhiên, một số nhóm hàng có tỷ lệ sử dụng ưu đãi AJCEP, VJEPA và CPTPP trong năm 2021 tốt có thể kể đến như: rau quả (68,55%), nhựa và sản phẩm nhựa (89,31%), giày dép (90,2%).
Tận dụng ưu đãi thuế quan hiệu quả nhất theo các FTA đang có hiệu lực với Nhật Bản trong năm qua là dệt may. Theo đánh giá, mặc dù quy tắc xuất xứ hàng dệt may trong AJCEP, VJEPA và CPTPP rất chặt, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vẫn tận dụng rất tốt ưu đãi từ các Hiệp định này.
Các doanh nghiệp dệt may đã tìm hiểu các quy định trong từng hiệp định để bằng cách sử dụng nguyên liệu (chủ yếu là vải) của Nhật Bản để sản xuất hàng may mặc xuất khẩu. Năm 2021, cơ cấu nhập khẩu vải của ngành dệt may trong năm qua có khoảng 671 triệu USD từ các thị trường CPTPP.
Do đó, tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi đối với hàng dệt may xuất khẩu sang Nhật Bản đạt mức 79,17% với kim ngạch 2,56 tỷ USD. Năm qua, xuất khẩu hàng dệt may sang Nhật Bản giảm 8,3% so với cùng kỳ đạt 3,23 tỷ USD, vì ảnh hưởng của đại dịch.
Với 90,2% hàng xuất khẩu sử dụng C/O ưu đãi đi Nhật, giày dép cũng là ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu hưởng ưu đãi lên tới 710 triệu USD, tương tự nhựa và sản phẩm nhựa khoảng 640 triệu USD, rau quả hơn 130 triệu USD..
Dự báo, năm 2022, tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi cho hàng hóa xuất sang Nhật Bản sẽ tăng cao do Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) đã đi vào thực thi từ đầu năm nay.
RCEP là FTA thế hệ mới mà Việt Nam tham gia với các nước ASEAN và 5 đối tác kinh tế ngoài ASEAN là Australia, Hàn Quốc, New Zealand, Nhật Bản và Trung Quốc. Như vậy, với thị trường Nhật Bản, các doanh nghiệp có thêm một sự lựa chọn sử dụng C/O theo FTA nào để có ưu đãi thuế quan tốt nhất cho ngành hàng xuất khẩu của mình.
| Thời gian và chi phí tăng nhiều lần, xuất khẩu Việt Nam gặp khó khi Trung Quốc tiếp tục chính sách Zero Covid Các nhà xuất khẩu Việt Nam ngày càng gặp khó khăn trong việc vận chuyển sản phẩm sang Trung Quốc do thời gian vận chuyển ... |
| Xuất khẩu ngày 25-29/4: Trung Quốc phong tỏa thành phố, 'cú bồi domino' với nông sản Việt; công bố Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam Công bố Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2021; áp lực cho xuất khẩu nông sản do Trung Quốc phong tỏa các thành ... |