Sầu riêng, chanh leo có nhiều cơ hội vào thị trường Trung Quốc. (Nguồn: Báo Công Thương) |
"Mách chiêu" cho doanh nghiệp đưa sầu riêng, chanh leo vào thị trường Trung Quốc
Ngày 26/8, tại thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), Hội nghị quốc tế nâng cao năng lực thâm nhập thị trường Trung Quốc cho doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng và chanh leo của Việt Nam do Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk được tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến kết nối với thương vụ, Chi nhánh thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh, Nam Ninh (Trung Quốc) và doanh nghiệp.
Theo ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 30 tỷ USD, tăng 5,09% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 13,81% trong tổng xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới.
Thách thức đối với nông sản xuất khẩu của Việt Nam đối với thị trường Trung Quốc là xu thế kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm từ cơ sở sản xuất, nuôi trồng; áp dụng các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.
Hiện nay thị trường Trung Quốc thay đổi hệ thống quản lý và giám sát an toàn thực phẩm; giám sát an toàn thực phẩm theo hệ thống Lệnh 248-249; chính sách ZeroCovid-19 tại cơ sở sản xuất và trên bao bì phương tiện vận tải thực phẩm đông lạnh.
Tại hội nghị, các chuyên gia đã chia sẻ thông tin về thị trường Trung Quốc và những vấn đề cần lưu ý khi xuất khẩu trái cây tươi, trái cây chế biến của Việt Nam. Những cơ hội và thách thức đối với nông sản xuất khẩu của Việt Nam; quy định kỹ thuật và các bước để doanh nghiệp có thể xuất khẩu sầu riêng, chanh leo vào thị trường Trung Quốc. Các thông tin về nhu cầu của thị trường Trung Quốc và kinh nghiệm, giải pháp nhằm thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng sầu riêng và chanh leo; hỏi đáp và giao thương doanh nghiệp hai bên.
Các chuyên gia khuyến nghị, doanh nghiệp hợp tác xã cần nâng cao nhận thức trong việc nắm bắt các quy định về kỹ thuật và yêu cầu SPS của thị trường; thay đổi tiếp cận an toàn thực phẩm giám sát mọi công đoạn trong toàn bộ chuỗi sản xuất; thiết lập cơ chế hợp tác giữa cơ quan quản lý –doanh nghiệp- người sản xuất nhằm đảm bảo an toàn chuỗi cung ứng sản phẩm.
Lập kế hoạch sản xuất và chế biến xuất khẩu, Xây dựng chiến lược quảng bá và tiếp thị cho sản phẩm; đào tạo cán bộ kỹ năng quản lý và giám sát thực hành nông nghiệp tốt; đầu tư sản xuất sản phẩm có chất lượng cao- sản phẩm đặc sản, chỉ dẫn địa lý, sản phẩm hữu cơ.
Có thể tăng thêm 100 tỉ USD xuất khẩu?
Nếu khai thác tốt hơn các hiệp định thương mại song phương (FTA), kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng thêm đến cả 100 tỉ USD.
Đó là nhận định tại hội thảo “Hai năm thực hiện Hiệp định EVFTA - Gia tăng cơ hội xuất khẩu và đầu tư thông qua phát triển bền vững” ngày 24/8 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh (VCCI-HCM) phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức.
Để gia tăng kim ngạch xuất khẩu thêm 100 tỉ USD, các doanh nghiệp và chuyên gia cho rằng phải có chính sách tốt cho từng ngành bên cạnh chính sách phát triển tổng thể về hạ tầng, về vốn, nguồn nhân lực, thu hút đầu tư… Đó hoàn toàn không phải là điều gì quá xa vời.
TS Carsten Schittek, Tham tán kiêm Trưởng ban Kinh tế thương mại, phái đoàn EU tại Việt Nam, nói: “Trong mắt nhiều người, Việt Nam không còn là một nước đang phát triển mà là một nền kinh tế năng động, hiệu quả. Thời điểm này, nhiều nhà đầu tư muốn vào Việt Nam để tận dụng cơ hội mà các FTA mang lại.
Vấn đề của Việt Nam là làm sao chọn lọc được các nhà đầu tư có chất lượng để cùng phát triển. Các nhà đầu tư EU hiện chỉ đứng thứ 5 - 6 về vốn nhưng chính là các nhà đầu tư tạo ra giá trị cao nhất. Chỉ có sự lan tỏa và hiệu quả cho cộng đồng thì mới mang lại giá trị bền vững”.
7 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu sang CPTPP tăng gần 22%
Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, 7 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam với các nước thành viên Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đạt 31,47 tỷ USD, tăng 21,43 % so cùng kỳ năm 2021 và chiếm 14,48% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam...
Bộ Công Thương nhận định, CPTPP đã tạo ra bước đột phá cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.
Cụ thể, năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 680 tỷ USD, mức tăng trưởng ấn tượng 19% trong bối cảnh dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc đến kinh tế thế giới.
7 tháng năm 2022, theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam với các nước thành viên CPTPP đạt 31,47 tỷ USD, tăng 21,43 % so với 7 tháng năm 2021 và chiếm 14,48% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam.
Về thị trường xuất khẩu, trong 7 tháng năm 2022, Nhật Bản tiếp tục giữ vị trí số 1 trong các nước thành viên CPTPP, với kim ngạch xuất khẩu đạt 13,44 tỷ USD, tăng 13,39% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 24,70% tỷ trọng xuất khẩu trong các nước CPTPP và chiếm 6,18% trong kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam.
Canada là quốc gia đạt kim ngạch xuất khẩu lớn thứ hai trong CPTPP, với kim ngạch 7 tháng năm 2022 đạt 3,87 tỷ USD, tăng 32,19% so với cùng kỳ năm ngoái.
Malaysia đứng thứ 3 với kim ngạch đạt 3,46 tỷ USD, tăng 4,26% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về tăng trưởng kim ngạch, so với 7 tháng năm 2021, hầu hết các thị trường đều có sự tăng trưởng cao về kim ngạch, như Brunei (tăng trưởng trên 659%), Malaysia (tăng 42,26%), Australia (tăng 38,75%). Đây cũng là những thị trường được dự báo có nhiều tiềm năng trong thời gian tới của Việt Nam.
Ở chiều ngược lại, Peru là thị trường duy nhất có sự sụt giảm nhẹ về kim ngạch (ứng với 331,50 triệu USD, giảm 91 nghìn USD).
Xét về nhu cầu thị trường, các nước châu Mỹ, đặc biệt là các nước thành viên CPTPP có nhu cầu tiêu thụ lớn đối với các mặt hàng như dệt may, da giày, đồ gỗ và nông thuỷ sản, đây đều là những mặt hàng chủ đạo xuất khẩu của Việt Nam nên có nhiều lợi thế cạnh tranh.
Bên cạnh đó, các thị trường này cũng có nhu cầu lớn đối với các mặt hàng mới mà doanh nghiệp Việt Nam có thể khai thác như dây cáp điện, các thiết bị điện nhỏ; sản phẩm cao su, sản phẩm nhựa gia dụng, túi nhựa và đồ chơi; sản phẩm giấy và carton; trang sức; cửa nhôm và cửa sổ cuốn; dược mỹ phẩm hữu cơ và dầu thơm.
Dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định CPTPP giai đoạn 2022-2027 đang được lấy ý kiến góp ý.
Triển vọng cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang các nước CPTPP đang rất sáng. (Nguồn: VnEconomy) |
Trong đó, dự thảo quy định rõ về Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi thực hiện Hiệp định CPTPP gồm mã hàng, mô tả hàng hóa, thuế suất cho giai đoạn 2022-2027, áp dụng đối với 603 dòng thuế. Thuế suất trung bình thuế xuất khẩu ưu đãi năm 2022 là 8,3%; năm 2023 là 7,9%; năm 2024 là 7,4%; năm 2025 là 7%; năm 2026 là 6,6%; năm 2027 là 3,6%.
Thuế suất ban hành trong Nghị định được xây dựng trên nguyên tắc tuân thủ cam kết theo Lộ trình cắt giảm thuế quan của Việt Nam trong Hiệp định CPTPP.
Lộ trình cắt giảm thuế quan trong Biểu thuế ban hành được áp dụng cho từng năm, được áp dụng từ ngày 1/12/2022 đến hết ngày 31/12/2027.
Hiệp định CPTPP không có quy định cụ thể về các điều kiện để được hưởng thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi.
Tuy nhiên, để đảm bảo kiểm soát được hàng hóa thực tế được nhập khẩu vào lãnh thổ các nước theo đúng đối tượng và tránh gian lận thương mại, dự thảo Nghị định quy định điều kiện áp dụng thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi là có chứng từ vận tải và tờ khai nhập khẩu thể hiện đích đến thuộc lãnh thổ các nước trên.
Trung Quốc có thể là điểm sáng cho xuất khẩu thủy sản cuối năm?
Trong nửa đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt hơn 5,7 tỷ USD, tăng vọt 40% so với nửa đầu năm 2021, đóng góp bởi nhu cầu tăng trở lại sau khi nhiều nước nhập khẩu mở cửa trở lại nền kinh tế; Tình trạng thiếu hụt thủy sản trên toàn cầu, đặc biệt là nhu cầu cá trắng do các lệnh trừng phạt Nga của EU và Mỹ.
Lạm phát cao ở các nước lớn thúc đẩy tiêu dùng đối với các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là các sản phẩm giá rẻ.
Riêng giá trị xuất khẩu cá tra tăng 82%, mạnh hơn mức tăng 31% của giá trị xuất khẩu tôm do nhu cầu tiêu thụ cá tra tăng mạnh sau hai năm chững lại, đặc biệt trong bối cảnh thiếu hụt cá trắng toàn cầu, trong khi giá trị xuất khẩu tôm vẫn ổn định trong năm năm qua. Ngoài ra, cá tra nguyên liệu trong nước cũng đẩy giá bán tăng mạnh trong nửa đầu năm 2022.
Đối với sản phẩm cá tra, trước đó, nửa cuối năm 2021, thị trường Mỹ dẫn đầu về xuất khẩu cá tra của Việt Nam trong khi thị trường Trung Quốc giảm sâu, tình hình này có vẻ sẽ đảo ngược trong nửa cuối năm 2022.
Tình hình xuất khẩu cá tra nguy cơ suy thoái tại thị trường Mỹ: Sự bùng nổ của cuộc chiến tranh Nga-Ukraine đã khiến các nhà bán sỉ của Mỹ nhập khẩu ồ ạt các sản phẩm thủy sản trong khi lạm phát đang diễn ra đã thắt chặt chi tiêu của khách hàng, dẫn đến dư cung trong Q3 2022.
Dẫu vậy, thị trường Trung Quốc có thể là điểm sáng trong nửa cuối năm 2022 khi quốc gia này có dấu hiệu mở cửa trở lại nền kinh tế. Nhu cầu tăng nhanh sau hai năm giảm sẽ là động lực cho xuất khẩu cá tra của Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2022.
Nhu cầu từ các thị trường còn lại có thể ổn định trong bối cảnh lạm phát cao để thúc đẩy chi tiêu cho các sản phẩm thực phẩm giá rẻ.
Kỳ vọng nguồn cung nguyên liệu nửa cuối năm nay sẽ ít tăng đột biến hơn so với giai đoạn 2018-2019, do chi phí thức ăn cao và nguy cơ nhu cầu giảm đã hạn chế hoạt động nuôi mới. Do đó, điều này cũng thúc đẩy giá bán neo ở mức cao. Xuất khẩu quý IV/2022 có thể tăng trở lại khi các nhà nhập khẩu giải quyết được vấn đề tồn kho và tăng lượng hàng dự trữ cho mùa lễ trong Q4.
Trong khi đó, ngành tôm lại đối mặt nhiều thử thách trong nửa cuối năm 2022 do giá nguyên liệu tăng cao do dịch bệnh ở tôm khiến nguồn cung giảm, cạnh tranh gay gắt với tôm Ấn Độ, Indonesia và Ecuador, lạm phát toàn cầu cao dẫn đến thắt chặt chi tiêu đối với các sản phẩm cao cấp như tôm.