📞

Xuất khẩu ngày 24-26/2: 'Lướt' EVFTA, EU tăng tốc nhập khẩu rau quả Việt Nam; năm 2023, Việt Nam dự báo xuất khẩu khoảng 6,3 triệu tấn gạo

Vân Chi 19:07 | 27/02/2023
Dự báo năm 2023, Việt Nam sẽ xuất khẩu quanh 6,3 triệu tấn gạo; nhờ EVFTA, EU tăng tốc nhập khẩu rau quả Việt Nam ... là những tin nổi bật trong bản tin xuất khẩu ngày 24-26/2.
Kết thúc năm 2022, cả nước xuất khẩu được 7,106 triệu tấn gạo, trị giá 3,455 tỷ USD, giá xuất khẩu bình quân 486,19 USD/tấn. (Nguồn: VFA)

Dự báo năm 2023, Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 6,3 triệu tấn gạo

Nhìn lại hoạt động xuất khẩu gạo, tại lễ “Tổng kết hoạt động năm 2022 và phương hướng hoạt động năm 2023” diễn ra cuối tuần qua, VFA cho biết, kết thúc năm 2022, cả nước xuất khẩu được 7,106 triệu tấn gạo, trị giá 3,455 tỷ USD, giá xuất khẩu bình quân 486,19 USD/tấn. So với cùng kỳ năm 2021 tăng 13,83% về lượng và tăng 5,09% về giá trị, giá bình quân giảm 40,47 USD/tấn.

Đặc biệt, đây là kết quả xuất khẩu cao nhất trong lịch sử ngành gạo kể từ năm 2012. Với thành tích này Việt Nam tiếp tục là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Đánh giá hoạt động xuất khẩu gạo năm qua, ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch VFA cho biết, số lượng gạo xuất khẩu chính thức của Việt Nam năm 2022 tăng 13,83% nhưng kim ngạch chỉ tăng 5,09%, và xếp thứ 03 sau Ấn Độ (23,7 triệu tấn) và Thái Lan (7,69 triệu tấn).

Tuy xuất khẩu gạo thành công về lượng nhưng hiệu quả chưa cao, dẫn đến lợi nhuận của người nông dân và doanh nghiệp không như kỳ vọng do giá gạo xuất khẩu bình quân giảm mạnh 40,47 USD/tấn.

Trong năm qua các thị trường xuất khẩu gạo không có thay đổi nhiều so với năm 2021; các thị trường nhập khẩu lớn như Philippines, Trung Quốc và châu Phi vẫn có nhu cầu nhập khẩu gạo lớn từ Việt Nam.

Riêng Philippines - quốc gia nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong những năm qua tiếp tục là thị trường tiêu thụ gạo hàng đầu khi khối lượng gạo xuất khẩu đạt 3,218 triệu tấn gạo, chiếm tỷ trọng 45,23% tổng lượng và chiếm 43,16% tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước, so với cùng kỳ năm 2021 tăng 30,65%.

Chủng loại gạo xuất khẩu sang Philippines là OM18, DT8, OM5451 và các loại gạo trắng cao cấp khác. Đáng chú ý là Indonesia đã trở lại thị trường nhập khẩu gạo thông qua hình thức thầu của Cơ quan Hậu cần (Bulog) trong các tháng cuối năm.

Giá lúa gạo trong nước và giá gạo xuất khẩu diễn biến khá đồng điệu với thị trường thương mại gạo thế giới khi ghi nhận một năm nhiều biến động; giá gạo đi xuống và duy trì ở mức thấp từ đầu năm 2022, phải đến quý 3 mới đảo chiều tăng lại và tiếp tục duy trì ở mức cao cho đến thời điểm cuối năm.

“Xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2022 tuy thành công về mặt số lượng nhưng hiệu quả vẫn còn hạn chế do biến động tỷ giá, lãi suất không ổn định và chi phí sản xuất cao làm giá thành gạo Việt Nam kém cạnh tranh, trong khi dòng chảy tín dụng không được khơi thông.

Cụ thể hơn, hạn mức vay vốn đối với mặt hàng lúa gạo trong năm 2022 thấp cộng với lãi suất tăng cao, đặc biệt là giai đoạn cuối năm, đã gây hạn chế nhiều cho công tác thu mua, dự trữ chờ giá của thương nhân, lợi nhuận của thương nhân lẫn người trồng lúa theo đó cũng bị ảnh hưởng đáng kể”, Chủ tịch VFA nói.

Sau khi cân đối về nguồn cung và nhu cầu các thị trường nhập khẩu, VFA nhận định, khả năng năm 2023, Việt Nam xuất khẩu từ 6 - 6,3 triệu tấn gạo, tương ứng lượng lúa gạo hàng hóa và bảo đảm dự trữ lưu thông, do không có tồn kho gối đầu và nguồn cung giảm do chuyển đổi cây trồng và diện tích gieo cấy theo Định hướng Chiến lược Thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ.

Xuất khẩu thủy sản bật tăng trở lại

Sau khi “tụt dốc” trong tháng 1/2023, sang nửa đầu tháng 2, xuất khẩu thủy sản tăng trở lại, đạt 286,94 triệu USD, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước.

Tính lũy kế từ đầu năm 2023 đến hết ngày 15/2, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 742 triệu USD, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2022.

Đà giảm diễn ra trong bối cảnh xuất khẩu thủy sản của Việt Nam giảm sút trong quý IV/2022 và tiếp tục giảm trong tháng 1/2023 khi Tết, kỳ nghỉ lễ lớn nhất năm tại Việt Nam diễn ra.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, bức tranh xuất khẩu thủy sản khó có thể bừng sáng trong những tháng đầu năm khi nền kinh tế thế giới được dự báo có thể sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay.

Được biết, ASEAN là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 4 của Việt Nam sau Nhật Bản, Hoa Kỳ và EU. Trong thời gian tới, ASEAN là thị trường thủy sản tiềm năng của Việt Nam khi nhu cầu tiêu thụ thủy sản của thị trường này được dự báo tiếp tục tăng lên 51,5 kg/người/năm vào năm 2030 và sẽ tăng lên 61,5 kg/người/năm tới năm 2050.

Ngoài ra, xuất khẩu thủy sản kỳ vọng vào Trung Quốc khi thị trường này mở cửa trở lại, tuy nhiên, sự phục hồi này được đánh giá là phải từ quý II/2023. Đồng thời, ngành thủy sản của Việt Nam vẫn có sự lạc quan tại các thị trường có nền kinh tế tăng trưởng trong năm 2023 như khu vực châu Á, Trung Đông…

Nhờ EVFTA, EU tăng tốc nhập khẩu rau quả Việt Nam

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đang thực thi đã góp phần đưa nhiều loại hàng hóa của Việt Nam tăng tốc xuất khẩu sang EU, trong đó có mặt hàng rau quả, nhờ lợi thế về các ưu đãi thuế quan.

Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), nhập khẩu hàng rau quả của EU (HS 06, 07, 08, 20, không tính HS 080131 và 080132) trong 11 tháng năm 2022 đạt 78,4 triệu tấn, trị giá 115,1 tỷ USD, giảm 0,4% về lượng, nhưng tăng 9,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Việt Nam là thị trường cung cấp hàng rau quả lớn thứ 59 cho EU trong 11 tháng năm 2022, đạt 74.000 tấn, trị giá 215 triệu USD, tăng 7,8% về lượng và tăng 35,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Ước kim ngạch xuất khẩu cả năm 2022 vào khoảng 235 triệu USD.

Trị giá tăng cao, do giá nhập khẩu bình quân từ Việt Nam đạt 2.723,1 Euro/tấn, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Hầu hết các chủng loại hàng rau quả EU nhập khẩu từ Việt Nam hiện vẫn chiếm tỷ trọng thấp so với nhu cầu nhập khẩu của khối này trong 11 tháng năm 2022. Trong đó, nhóm quả và quả hạch (HS 08) EU nhập khẩu nhiều nhất từ Việt Nam, tuy nhiên tỷ trọng chỉ chiếm 0,09% tổng trị giá nhập khẩu.

Với việc thực thi EVFTA, EU đang tăng nhập khẩu rau quả từ thị trường Việt Nam. (Nguồn: Báo Đầu tư)

Tiếp theo là chủng loại rau và một số loại củ, thân củ và rễ ăn được (HS 07), chỉ chiếm 0,03%. Đáng chú ý, mới đây việc châu Âu gỡ bỏ kiểm soát 50% với 4 loại rau gia vị được kỳ vọng sẽ thúc đẩy trị giá xuất khẩu chủng loại này trong thời gian tới.

Hàng rau quả của Việt Nam được xuất khẩu sang các nước thành viên EU với các thị trường xuất khẩu chủ lực là Hà Lan, Pháp, Đức, Italy, Bỉ....

Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật SPS Việt Nam cho hay, 4 sản phẩm: mùi tây, rau mùi, húng quế, bạc hà của Việt Nam xuất khẩu vào châu Âu sẽ không còn áp dụng các biện pháp kiểm soát chính thức và khẩn cấp. Đây là thành quả đạt được sau 6 tháng tích cực đàm phán, cam kết đảm bảo chất lượng từ phía doanh nghiệp và cơ quan quản lý của Việt Nam.

Trước khi EVFTA có hiệu lực, rau quả Việt Nam xuất khẩu vào EU đã được hưởng mức thuế suất ưu đãi theo Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP), nhưng vẫn ở mức khá cao từ 10 - 20%.

Từ ngày 1/8/2020, EVFTA có hiệu lực, khoảng 94% trong tổng số 547 dòng thuế nhóm hàng rau, quả tươi và chế biến được EU cắt giảm về 0%, trong đó có nhiều mặt hàng rau, quả có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam.

Thuế giảm mạnh theo EVFTA là một lợi thế cạnh tranh rất lớn so với các mặt hàng nông sản của các nước ở châu Á (vì có nhiều mặt hàng tương đồng), đặc biệt với hai thị trường nông sản lớn Thái Lan và Trung Quốc, do chưa có Hiệp định thương mại tự do với EU.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) nhận định, EU là một trong các thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam. Hiệp định EVFTA được coi là cơ hội để nông sản Việt liên kết sâu rộng vào thị trường lớn, có giá bán cao, nhưng cũng là thách thức đòi hỏi các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cần phải thay đổi mạnh mẽ hơn nữa để tăng trưởng xuất khẩu bền vững sang thị trường này.

(tổng hợp)