📞

Xuất khẩu ngày 26-28/12: Gạo xuất khẩu vẫn chưa được nhận tên 'Vietnam rice'; Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vượt 'sóng to gió lớn'

Gia Thành 09:19 | 28/12/2020
TGVN. Tổng trị giá xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 'cán đích' trên 41 tỷ USD, gạo xuất khẩu vẫn chưa được gắn logo 'Vietnam rice', tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt gần 544 tỷ USD... là những tin chính trong bản tin xuất khẩu ngày 26-28/12.
Cả năm 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 41,2 tỷ USD. (Nguồn: Moit.gov.vn)

Vượt "sóng to gió lớn", tổng trị giá xuất khẩu nông, lâm, thủy sản “cán đích” trên 41 tỷ USD

Theo thông tin mới nhất từ Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, cả năm 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 41,2 tỷ USD, tăng 2,5% so với năm 2019.

Trong đó, các mặt hàng nông sản chính ước 18,54 tỷ USD, giảm 0,5%; thuỷ sản 8,47 tỷ USD, giảm 0,8%; lâm sản và đồ gỗ ước đạt trên 12,8 tỷ USD, tăng 13,4%.

Nhìn lại năm 2020, điểm không khó nhận ra là nông nghiệp Việt đã liên tiếp phải đối mặt khó khăn kép. Đó là dịch Covid-19, dịch bệnh lan rộng cả thế giới làm "đứt, gãy" các chuỗi cung ứng trong và ngoài nước.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp còn phải đương đầu với tình hình xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán tại một số nơi ở Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long… Trên thực tế nửa đầu năm xuất khẩu không ít các mặt hàng nông sản tỷ USD đã ghi nhận sự sụt giảm không nhỏ, đặt ra lo ngại chất chồng về chặng đường về đích khó khăn cho cả năm.

Qua đó thấy rằng, những “trái ngọt” cuối năm không phải tự nhiên mà có, đó là kết quả cả quá trình nỗ lực không ngừng nghỉ của toàn hệ thống.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2020 ước đạt gần 544 tỷ USD

Theo Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2020 ước tính đạt 543,9 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5%.

Năm 2020 ghi nhận nỗ lực mạnh mẽ của hoạt động xuất, nhập khẩu trong bối cảnh nền kinh tế trong nước cũng như thế giới chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và sự đứt gãy thương mại toàn cầu. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2020 ước tính xuất siêu 19,1 tỷ USD, giá trị xuất siêu lớn nhất từ trước đến nay.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 12/2020 ước tính đạt 26,5 tỷ USD, tăng 5% so với tháng trước và tăng 17,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý IV/2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 78,9 tỷ USD, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước và giảm 1,1% so với quý III/2020.

Đáng chú ý, trong quý 4 có 12 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 77,2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tính chung cả năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019.

Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 78,2 tỷ USD, giảm 1,1%, chiếm 27,8% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 203,3 tỷ USD, tăng 9,7%, chiếm 72,2% (tỷ trọng tăng 2,1 điểm phần trăm so với năm trước).

Trong năm 2020 có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,9% tổng kim ngạch xuất khẩu (6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 64,3%).

Xuất khẩu tôm năm 2020 dự kiến tăng 12%

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (Vasep), xuất khẩu tôm năm nay dự kiến đạt 3,78 tỷ USD, tăng 12,4% so với năm ngoái.

Vasep cũng cho biết, xuất khẩu tôm năm nay hoạt động tốt mặc dù Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới. Các doanh nghiệp đã tìm kiếm, đa dạng hóa thị trường, tận dụng cơ hội từ những thay đổi tạo ra trên thị trường do dịch bệnh, đa dạng hóa các sản phẩm phù hợp với từng phân khúc khác nhau.

Đến tháng 11, xuất khẩu tôm đạt 3,4 tỷ USD, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tôm chân trắng chiếm 72,5% tổng giá trị xuất khẩu, tôm sú chiếm 15,5%, còn lại là tôm biển.

Xuất khẩu tôm Việt Nam tăng trưởng ổn định ở thị trường Mỹ và các thị trường nhỏ hơn như Anh, Canada và Australia. Xuất khẩu sang các thị trường như Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc, mặc dù vẫn ghi nhận tăng trưởng dương trong 11 tháng đầu năm, nhưng cũng có những tháng sụt giảm.

Năm nay, Mỹ là thị trường dẫn đầu về nhập khẩu tôm Việt Nam, chiếm tỷ trọng 23,5%. Mặc dù Mỹ là tâm dịch nhưng xuất khẩu tôm sang đây vẫn tăng trưởng dương trong tất cả 11 tháng và là thị trương ổn định nhất của Việt Nam.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu tôm sang Mỹ trong tháng 11 tăng 37% so với cùng kỳ 2019. Tính chung 11 tháng, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 806,6 triệu USD, tăng 34%.

Trong khi đó, EU là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 4 của Việt Nam sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc, chiếm 13,7% tổng giá trị. Sau khi giảm trong những tháng trước đó, xuất khẩu tôm Việt Nam sang khu vực này bắt đầu tăng trưởng tốt từ đầu quý III/2020 nhờ tác động tích cực của Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA).

Gạo xuất khẩu vẫn chưa được gắn logo "Vietnam rice"

Dù có nhiều thành công trong thời gian qua nhưng nhiều mục tiêu của đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt năm 2016, vẫn chưa đạt được, trong đó có mục tiêu 20% gạo xuất khẩu mang thương hiệu Việt vào năm 2020. Cụ thể, đến nay vẫn chưa có lô hàng xuất khẩu nào mang logo và thương hiệu Gạo Việt Nam/Vietnam rice.

Theo ông Trần Xuân Định, nguyên Cục phó Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vẫn còn 7 mục tiêu chưa đạt được, trong đó có chỉ tiêu về tỉ lệ 20% gạo xuất khẩu mang thương hiệu; còn lại gồm: chỉ tiêu về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, liên kết tổ chức sản xuất, giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân bón/thuốc bảo vệ thực vật, cơ giới hóa sản xuất và áp dụng các biện pháp thực hành sản xuất nông nghiệp tốt.

"Đến nay, chưa có lô gạo xuất khẩu nào mang logo, thương hiệu Gạo Việt Nam/Vietnam rice. Lý do không phải vấn đề kỹ thuật hay chất lượng mà do thủ tục hành chính. Hiện nay, việc cấp chứng nhận đủ tiêu chuẩn sử dụng logo và thương hiệu Gạo Việt Nam/Vietnam rice được giao cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhưng theo quyết định của Bộ Nội vụ thì VFA chưa có chức năng này. Hơn nữa, đây lại là thủ tục hành chính nhà nước", ông Định phân tích.

Trong khi đó, theo giải thích của lãnh đạo Agrotrade, nguyên nhân Việt Nam chưa có lô gạo xuất khẩu nào mang logo Gạo Việt Nam là do sự phức tạp của luật pháp quốc tế xung quanh vấn đề sở hữu trí tuệ.

"Đối với thị trường quốc tế, các cơ quan chức năng đang tập trung hoàn thiện tiến trình đăng ký quốc tế nhãn hiệu chứng nhận Gạo Việt Nam/Vietnam rice theo hệ thống Madrid. Sau khi hoàn thiện tiến trình đăng ký quốc tế thì mới có thể chuyển giao cho một cơ quan đầu mối sở hữu, quản lý và vận hành, khi ấy mới có thể gắn logo", lãnh đạo Agrotrade thông tin.

(tổng hợp)