Sản xuất gia vị tại Dh Foods. (Nguồn: Báo Đầu tư) |
Gia vị, xoài, gạo Việt đều đặn 'xuất ngoại' sang Mỹ, EU
Thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo tháng 1/2022 đã bật tăng mạnh, đạt 505.741 tấn, trị giá 246,02 triệu USD, tăng mạnh 45,4% về khối lượng, tăng 28,2% về trị giá so với cùng kỳ.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dự báo, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2022 vẫn đảm bảo từ 6-6,2 triệu tấn, tương đương năm 2020 và 2021 với trị giá trên 3,2 tỷ USD.
Xuất khẩu gạo trong năm 2022 sẽ duy trì thứ hạng tốt do ngành lúa gạo Việt Nam ngày càng được cải thiện về chất lượng (tỷ trọng gạo thơm tăng lên, năng suất lúa được cải thiện). Các doanh nghiệp lớn như Lộc Trời, Tân Long, Intimex, Trung An… vẫn được đối tác ký kết các đơn hàng lớn, giá trị cao. Năm 2022, các ngành hàng này tiếp tục là trụ cột để giúp ngành nông nghiệp đặt mục tiêu cán đích kim ngạch xuất khẩu trên 50 tỷ USD.
Tin liên quan |
Thêm cơ hội cho trái cây Việt Nam ghi dấu ấn tại châu Âu |
Đóng góp trên 3,5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm 2021, ngay đầu năm, ngành trái cây, rau quả cũng giao thành công một loạt đơn hàng mới. Dấu ấn cho trái xoài đi thị trường khó tính là Công ty TNHH Westerfarm (huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp) và Công ty cổ phần Cánh cổng vàng Việt Nam đã xuất khẩu lô hàng 3 tấn xoài đầu tiên năm 2022 đi Hà Lan, gồm 1,5 tấn xoài Cát Chu vàng và 1,5 tấn xoài Cát Chu xanh.
Cánh cửa xuất khẩu cũng rộng hơn với lĩnh vực sản xuất gia vị trong nước, nếu nhìn ở sự kiện Công ty cổ phần Dh Foods vừa ký kết hợp tác với Công ty Heritage Beverage (Mỹ) để xuất khẩu gia vị sang thị trường này. Theo đó, Heritage Beverage sẽ trở thành đơn vị phân phối độc quyền gia vị đặc sản vùng miền Việt Nam của Dh Foods tại Mỹ.
Sản phẩm của Dh Foods dự kiến lên đường sang Mỹ bắt đầu từ quý III/2022, với sản lượng khoảng 10 container trong năm nay và sẽ tăng dần qua các năm.
Các sản phẩm gia vị đặc sản vùng miền của Dh Foods sẽ có cơ hội xuất hiện trên các hệ thống phân phối của HB như: hole Foods, Costco, Cost Plus, Safeway, Albertson’s, Kroger, Trader Joe’s và 99 Ranch cùng nhiều nhà hàng Việt Nam tại Mỹ.
Ngành cá tra phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,6 tỷ USD
Năm 2021 là năm khó khăn của ngành sản xuất và chế biến xuất khẩu ngành hàng cá tra do dịch bệnh Covid-19. Chuỗi sản xuất, chế biến, xuất khẩu cá tra đã bị tác động mạnh, làm cho toàn ngành gặp nhiều khó khăn.
Riêng ba tháng 7, 8, 9 năm 2021, diện tích thả nuôi cá tra đã giảm 30-55% và sản lượng giảm tới gần 18% so với cùng kỳ năm 2020 do nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội. Nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản tạm ngưng hoặc dừng hoạt động do không đáp ứng được gánh nặng chi phí và điều kiện “3 tại chỗ”.
Trước bối cảnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã kịp thời triển khai nhiều giải pháp thiết thực như: Thành lập tổ công tác đặc biệt “970”, phối hợp với các Bộ (Y tế, Giao thông vận tải, Công Thương) và các địa phương để trực tiếp xử lý các vướng mắc nảy sinh trong sản xuất chưa có tiền lệ; tổ chức một số Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, tiêu thụ thủy sản nói chung; tổ chức hội nghị riêng bàn về giải pháp phát triển ngành hàng cá tra.
Nhờ vậy mà kết quả sản xuất nuôi trồng thủy sản năm 2021 vẫn duy trì tăng trưởng. Sản lượng nuôi trồng thủy sản cả năm đạt 4,81 triệu tấn, tăng hơn 1% so với năm 2020, trong đó sản lượng cá tra đạt 1,52 triệu tấn, tăng 1,63% so với cùng kỳ năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 1,62 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là cú lội ngược dòng ngoạn mục của ngành hàng cá trong năm 2021.
Nhiều chuyên gia cho rằng, năm 2022, dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng trở lại sau khi chiến lược tiêm vaccine cho toàn dân được thực hiện và dịch Covid-19 được kiểm soát. Nhu cầu của thế giới đối với các mặt hàng thủy sản gia tăng sẽ là động lực thúc đẩy sản xuất phục hồi và tăng trưởng.
Tuy nhiên, tăng trưởng nóng sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây mất cân đối cung cầu và khả năng bùng phát những vấn đề về môi trường, dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản. Tình hình thời tiết, khí hậu có thể tiếp tục diễn biến bất thường; hạn hán xâm nhập mặn diễn ra sớm có thể làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh và gây khó khăn cho sản xuất. Vì vậy, cần có những giải pháp để khắc phục khó khăn, phát triển ngành hàng cá tra hiệu quả và bền vững.
Năm 2022 ngành cá tra Việt Nam đưa ra mục tiêu sản lượng thương phẩm đạt khoảng 1,5 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,6 tỷ USD.
Xuất khẩu dồn dập đón tin vui, liên tục lập kỷ lục mới
Thông tin từ Bộ NN-PTNT, năm 2021, xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt kết quả cao kỷ lục 48,6 tỷ USD, tăng 14,9% so với năm 2020. Trong đó, nông sản chính 21,49 tỷ USD, tăng 13,5%; lâm sản chính 15,96 tỷ USD, tăng 20,7%; thủy sản trên 8,89 tỷ USD, tăng 5,6%...
Tháng 1 năm nay, nhiều ngành hàng chủ lực của ngành nông nghiệp tiếp tục báo tin vui khi xuất khẩu lập kỷ lục mới.
Thông tin từ Tổng cục Hải quan, ngay trong tháng đầu tiên của năm 2022, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lập đỉnh lịch sử, đạt gần 1,55 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Thế mạnh này của Việt Nam lần thứ 3 ghi nhận kim ngạch xuất khẩu vượt 1,5 tỷ USD/tháng.
Thu về 1,55 tỷ USD, gỗ và sản phẩm gỗ nằm trong 7 nhóm hàng xuất khẩu của cả nước đạt kim ngạch hơn 1 tỷ USD trong tháng đầu năm 2022 và nằm trong top 3 nhóm hàng tăng trưởng ở mức hai con số.
Trong tháng đầu tiên năm nay, xuất khẩu thuỷ sản cũng đạt 872 triệu USD, tăng tới 43,3% so với cùng kỳ năm 2021. Đây cũng là tháng đầu tiên ghi nhận con số xuất khẩu cao hiếm trong lịch sử xuất khẩu của ngành thuỷ sản khi vượt mốc 800 triệu USD.
Tin liên quan |
Xuất khẩu ngày 24-28/1: Doanh nghiệp bận rộn với đơn hàng đầu năm; xuất khẩu cao su lập kỷ lục về kim ngạch |
Thủy sản xuất khẩu sang hầu hết các thị trường đều tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, như sang Mỹ tăng 82%, Nhật Bản tăng 19,25%, EU tăng 63,86%, Hàn Quốc tăng 15,44%, Trung Quốc tăng hơn 62%...
Ở ngành rau quả, dù tháng 1/2022 xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc gần như bị "tê liệt" song, thống kê sơ bộ xuất khẩu rau quả của Việt Nam tháng 1/2022 vẫn đạt khoảng 301 triệu USD, tăng 0,3% với tháng 12/2021 (tháng cao điểm xuất khẩu của năm) và tăng tới 16% so với 260 triệu USD cùng kỳ năm 2021.
Theo Bộ NN-PTNT, xuất khẩu rau quả đạt con số tăng trưởng cao trong tháng đầu năm là nhờ những thị trường mới. Hoạt động xuất khẩu được các doanh nghiệp duy trì xuyên Tết Nguyên đán, những lô hàng xuất bán đi khắp các thị trường Mỹ, EU, Australia... góp phần tạo nên doanh thu xuất khẩu ấn tượng.
Vài năm trở lại đây, Việt Nam đang nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu hàng rau quả. Cơ cấu thị trường trong năm 2021 có sự chuyển dịch rõ rệt khi tỷ trọng xuất khẩu hàng rau quả sang EU, Mỹ tăng, còn tỷ trọng xuất sang thị trường Trung Quốc giảm dần.
Năm 2022, hoạt động xúc tiến mở rộng xuất khẩu sang thị trường mới tiếp tục được đẩy mạnh. Theo đó, xuất khẩu rau quả tự tin với mục tiêu xuất khẩu 4 tỷ USD trong năm nay.
Trong khi đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam được đánh giá là có nhiều cơ hội tại thị trường EU. Các doanh nghiệp có thể khai thác tối đa ưu đãi, lợi thế mà Hiệp định EVFTA mang lại để nâng cao thị phần.
Ngành điều với "bẫy" số 1 thế giới
Năm 2021, vượt qua những khó khăn thách thức của dịch Covid-19, ngành điều tiếp tục tăng trưởng dương 14% so với năm 2020, đạt 3,659 tỉ USD. Đến nay, ngành điều Việt Nam vẫn giữ vị trí số 1 thế giới về công nghệ và sản lượng điều nhân xuất khẩu (chiếm 80% thương mại điều nhân toàn cầu), có vai trò quan trọng đối với thị trường điều thô toàn cầu.
Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) đặt mục tiêu năm 2022 là giữ ổn định về lượng, tăng chất và tăng giá với kim ngạch xuất khẩu phấn đấu đạt 3,8 tỉ USD, tăng 3,9% so với năm 2021.
Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), năm 2022, ngành điều có nhiều thuận lợi khi nhu cầu tăng ở hầu hết các thị trường nhập khẩu do kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19 cùng với xu hướng tăng sử dụng đạm thực vật.
Tuy nhiên, vẫn có một số thách thức do yêu cầu của thị trường về chất lượng an toàn thực phẩm, môi trường, trách nhiệm xã hội ngày càng cao trong khi ngành điều vẫn còn nhiều DN nhỏ, cần sự hỗ trợ để đáp ứng được. Bên cạnh đó là sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ Ấn Độ, Tanzania và mới nổi gần đây là một số nước châu Phi như Mozambique, Ghana... ở khâu chế biến, phân phối, thương hiệu trong khi họ lại chủ động được vùng nguyên liệu.
"Qua nghiên cứu của các chuyên gia quốc tế, ngành điều Việt Nam chỉ mới tham gia 18% chuỗi giá trị điều toàn thế giới. Những phân khúc cao như điều chế biến thành phẩm và phân phối chiếm 80% giá trị chưa phải là lợi thế của DN Việt Nam. Do đó, DN Việt Nam cần quan tâm đến việc chế biến sâu, nâng cao thương hiệu hơn là mở rộng diện tích, tăng sản lượng", ông Phú nhìn nhận.
Xuất khẩu da giày khởi đầu tích cực
Ngay từ đầu năm, xuất khẩu (XK) da giày của Việt Nam đã có sự khởi đầu thuận lợi khi đơn hàng XK đến nhiều thị trường lớn như Mỹ, EU khả quan. Với đà khởi động hiện tại, XK da giày cả năm được nhìn nhận tương đối khả thi, có thể đạt tới mục tiêu cao nhất đặt ra là 25 tỷ USD.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, tháng 1/2022, ngành da giày, túi xách đã XK 1,937 tỷ USD mặt hàng giày, dép và 390,3 triệu USD mặt hàng túi xách, ô dù. (Nguồn: Báo Đầu tư) |
Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), hiện nay nhịp độ sản xuất của các DN, nhất là DN da giày ở khu vực phía Nam khá tốt. Nhiều DN trong ngành đã có đơn hàng XK ít nhất đến hết quý 2/2022, là cơ sở tốt cho các DN đẩy nhanh sản xuất, lấy lại tăng trưởng sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Trên thực tế, cơ hội lấy lại đà tăng trưởng sản xuất và XK của ngành da giày trong năm nay được nhận định khá khả quan. Ngay từ đầu năm, một số thương hiệu lớn như Nike, Adidas đều bày tỏ mong muốn gia tăng sản lượng sản xuất tại Việt Nam.
“Riêng với Nike, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước gia công, sản xuất da giày lớn nhất cho hãng với hơn 50% sản lượng giày. Việc gia công và XK cho Nike đang chiếm khoảng 30% kim ngạch XK của cả ngành, tạo ra việc làm cho khoảng 300.000 lao động. Thương hiệu giày thể thao đình đám này có định hướng tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất tại Việt Nam”, dại diện Lefaso thông tin thêm.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, tháng 1/2022, ngành da giày, túi xách đã XK 1,937 tỷ USD mặt hàng giày, dép và 390,3 triệu USD mặt hàng túi xách, ô dù.
Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Lefaso cho biết, dù dịch bệnh vẫn còn phức tạp, thị trường chưa thể phục hồi như trước dịch song cơ hội cho DN da giày Việt trong năm 2022 là vẫn có. Căn cứ tình hình kinh tế thế giới và diễn biến, kiểm soát dịch bệnh Covid-19 cũng như kết quả ký kết các đơn hàng của các DN năm 2022, Lefaso dự kiến cả năm 2022, XK toàn ngành sẽ đạt khoảng 23-25 tỷ USD, tăng khoảng 10-15% so với năm 2021.
Nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, giúp DN da giày trong nước sớm phục hồi sản xuất, XK, tận dụng tốt các cơ hội thị trường mở ra, bà Phan Thị Thanh Xuân đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành sớm đưa vào thực hiện gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế có quy mô 350.000 tỷ đồng, cải thiện các thủ tục để DN tiếp cận gói hỗ trợ dễ dàng hơn; nghiên cứu ban hành chính sách mới, tập trung vào chính sách hỗ trợ DN tận dụng được các Hiệp định thương mại tự do để gia tăng XK…
“DN da giày cũng mong muốn Nhà nước tiếp tục nâng cao hệ thống cơ sở hạ tầng, logistics; cần có chiến lược phát triển tốt hơn về đầu tư nguyên phụ liệu, thu hút tín dụng để phát triển cụm công nghiệp, khu công nghiệp; đầu tư phát triển chiều sâu, nghiên cứu phát triển thiết kế mẫu mã và nguyên liệu mới...”, bà Phan Thị Thanh Xuân nói.
| Kiến nghị Hoa Kỳ không áp thuế ngành ong xuất khẩu của Việt Nam, cơ hội cho gia vị và hương liệu Việt Nam sang ... |
| Kim ngạch xuất khẩu tháng đầu năm giảm do sát Tết Nguyên đán; tin vui cho ngành thủy sản và ngành gỗ; tháo gỡ vướng ... |