Chuối tươi được xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường Trung Quốc là chuối chưa chín, được thu hoạch trong vòng từ 10-16 tuần sau khi ra hoa. (Nguồn: Báo Thanh Niên) |
Trung Quốc chính thức nhập khẩu chuối tươi từ Việt Nam
Ngày 1/11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả chuối tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.
Nghị định thư gồm 8 điều, quy định về điều khoản chung, đăng ký, quản lý vùng trồng, đóng gói và chế biến, kiểm tra kiểm dịch trước khi xuất khẩu, kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu, đánh giá bổ sung và hiệu lực của Nghị định thư. Theo đó, Nghị định thư sẽ có hiệu lực trong 5 năm.
Theo Nghị định thư, chuối tươi được xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường Trung Quốc là chuối chưa chín được thu hoạch trong vòng từ 10-16 tuần sau khi ra hoa. Quả chuối chín hoặc nứt vỏ sẽ không được xuất khẩu sang Trung Quốc.
Chuối tươi phải tuân thủ các yêu cầu kiểm dịch thực vật quy định trong Nghị định thư và không nhiễm bất kỳ đối tượng kiểm dịch thực vật mà phía Trung Quốc quan tâm. Khi quả chuối tươi tới cửa khẩu Trung Quốc, Hải quan Trung Quốc sẽ kiểm tra giấy tờ, hồ sơ liên quan và hoàn tất quá trình kiểm tra kiểm dịch.
Tất cả vùng trồng và cơ sở đóng gói chuối xuất khẩu sang Trung Quốc phải đăng ký với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và được cả Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt. Thông tin đăng ký bao gồm tên, địa chỉ và mã số để khi phát hiện bất cứ sản phẩm nào không tuân thủ các yêu cầu của nghị định thư thì có thể truy xuất nguồn gốc một cách chính xác.
Trước khi xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phải gửi cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc danh sách đăng ký để phê duyệt và cập nhật thường xuyên. Danh sách này sẽ được công bố trên trang web chính thức của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Dưới sự giám sát của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tất cả vùng trồng đã đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc phải xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP) ví dụ như duy trì các điều kiện vệ sinh vùng trồng và cách xa nguồn ô nhiễm, loại bỏ những quả rụng và thối. Quản lý vùng trông phải thực hiện chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM).
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phải áp dụng quy trình quản lý để tổ chức các hoạt động giám sát vùng trồng đối với các loài đối tượng kiểm dịch thực vật mà Trung Quốc quan tâm trong cả năm.
Nghị định thư nêu rõ các trường hợp bị từ chối xuất khẩu sang Trung Quốc. Theo đó, chuối của các vùng trồng và cơ sở đóng gói chưa được phê duyệt, hoặc chuối chín thì lô hàng đó sẽ bị từ chối nhập khẩu.
Trong trường hợp phát hiện đối tượng kiểm dịch thực vật hoặc có đất, lẫn tàn dư thực vật, lô hàng sẽ bị trả lại hoặc tiêu hủy hoặc xử lý. Đối với trường hợp phát hiện lô hàng không phù hợp với tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc gia của Trung Quốc, lô hàng cũng sẽ không được phép nhập khẩu hoặc tiêu hủy.
Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ thông báo cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nếu phát hiện việc không tuân thủ các yêu cầu và tạm dừng nhập khẩu chuối từ các vùng trồng và cơ sở đóng gói có liên quan. Theo kết quả chấn chỉnh của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ quyết định có hủy bỏ việc đình chỉ hay không.
Xuất khẩu tăng mạnh, tôm cá Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ thế giới?
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nếu so với cùng kỳ năm 2021, kim ngạch xuất khẩu thủy sản 10 tháng của năm 2022 tăng 34%. Đứng đầu về giá trị vẫn là sản phẩm tôm, đạt gần 3,8 tỉ USD, tăng 19%. Dự kiến cả năm sẽ đạt trên 4,4 tỉ USD, tăng 14% so với năm 2021.
Còn xét về tốc độ tăng trưởng phải kể đến sản phẩm cá tra, đạt gần 2,2 tỉ USD, tăng 80% so với cùng kỳ năm 2021. Dự kiến cả năm 2022, cá tra sẽ đạt trên 2,5 tỉ USD, tăng 58% so với năm 2021.
Với tốc độ tăng trưởng 50% trong 10 tháng qua, xuất khẩu cá ngừ đạt 890 triệu USD. Ước cả năm 2022, lần đầu tiên cá ngừ trở thành ngành hàng xuất khẩu trên 1 tỉ USD.
Bên cạnh đó, sản phẩm bạch tuộc xuất khẩu đã đạt doanh số 625 triệu USD, tăng 32%. Ước tính cả năm 2022, sẽ đạt 734 triệu USD, tăng 22% so với năm 2021.
Báo cáo của VASEP nhận định: 2022 là năm có nhiều biến động và khó khăn, tuy nhiên các doanh nghiệp ngành thủy sản đã biến thách thức thành cơ hội, tận dụng lợi thế của các hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng như nhu cầu của thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu.
Năm 2022, ước tính ngành thủy sản chiếm 3% tổng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. So với tổng kim ngạch xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước, ngành thủy sản đóng góp gần 12% giá trị.
Trong khi tỷ trọng của nhóm hàng nông lâm thủy sản nói chung đang bị giảm 0,6% thì ngành hàng thủy sản tăng 0,4%, cho thấy sự bứt phá và vai trò ngày càng quan trọng của ngành thủy sản trong chỉ số GDP của cả nước.
Ước tính thủy sản Việt Nam chiếm trên 7% thị phần trên thị trường thế giới; đứng ở vị trí thứ 3 sau Trung Quốc và Na Uy.
Xuất nhập khẩu hàng hóa vượt 600 tỷ USD
Báo cáo của Bộ Công Thương về tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa cho thấy, trong bối cảnh nhu cầu hàng hóa toàn cầu đang chậm lại, đặc biệt là từ hai thị trường hàng đầu của Việt Nam là Hoa Kỳ và EU, lượng đơn hàng xuất khẩu có dấu hiệu chậm lại từ tháng 9 nên kim ngạch xuất nhập khẩu trong tháng 10 ước tính tăng không nhiều so với tháng trước đó.
Trong tháng 10/2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 58,27 tỷ USD, ước tính tăng 0,1% so với tháng trước (đạt 58,21 tỷ USD) và chỉ tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 616,24 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu tăng 15,9%; nhập khẩu tăng 12,2%. Cán cân thương mại hàng hóa 10 tháng năm 2022 ước tính xuất siêu 9,4 tỷ USD.
Cụ thể, về xuất khẩu, tháng 10/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 30,27 tỷ USD, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước ước đạt 7,55 tỷ USD, tăng 8,7% so với tháng trước nhưng giảm gần 5% so với so với cùng kỳ.
Tính chung 10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 312,8 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 80,36 tỷ USD, tăng 13,4%, chiếm 25,7% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 232,46 tỷ USD, tăng 16,8%, chiếm 74,3%.
Trong 10 tháng năm 2022, xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn là động lực trong tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước khi chiếm tỷ trọng 86% tổng xuất khẩu cả nước; xuất khẩu nhóm hàng nông sản, lâm thủy sản chiếm 8,2%; nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản chiếm 1,2%.
Trong đó, xuất khẩu thủy sản ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, ước tính đạt 9,4 tỷ USD, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm trước do các thị trường xuất khẩu hiện đều có nhu cầu cao đối với thủy sản Việt Nam. Các mặt hàng khác như cà phê, gạo cũng tăng trưởng cao cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Hiện nay, tình hình hạn hán tại Trung Quốc ảnh hưởng đến sản xuất đã và đang là cơ hội cho xuất khẩu nông sản sang thị trường này. Bên cạnh đó, lạm phát tại châu Âu, xung đột quân sự tại Ukraine, biến đổi khí hậu làm trầm trọng vấn đề về an ninh lương thực; EU đã xây dựng kế hoạch “Làn đường đoàn kết” để thuận lợi cho việc giao thương nên xuất khẩu nông sản sang thị trường này dần chuyển biến tích cực.
Bên cạnh nhóm nông sản, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến trong 10 tháng tiếp tục đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng chung của hoạt động xuất khẩu với kim ngạch ước đạt 269,5 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 86% trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung.
Trong nhóm hàng này, xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng chủ lực đều đạt tốc độ tăng trưởng cao trên 10% như: phân bón; hóa chất; sản phẩm hóa chất; Túi sách, vali, mũ, ô dù; Hàng dệt và may mặc; Giầy, dép các loại; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện…
Ở nhóm còn lại, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản trong 10 tháng năm 2022 mặc dù có xu hướng chậm lại nhưng tiếp tục là nhóm hàng đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu xăng dầu, than đá và quặng, khoáng sản khác tăng cao do giá các mặt hàng này tăng.
Về thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 93,4 tỷ USD, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 29,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Tiếp đến là thị trường Trung Quốc, EU, ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Ở chiều ngược lại, tháng 10/2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 28 tỷ USD, giảm 1,4% so với tháng trước nhưng tăng 7,1% so với cùng kỳ. Tính chung 10 tháng, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 303,42 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước. Hàng hóa nhập khẩu chủ yếu tập trung vào nhóm hàng cần nhập khẩu.
Tháng 10/2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 2,27 tỷ USD. Tính chung 10 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 9,4 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 24,9 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 34,3 tỷ USD.
Gạo Việt Nam đang có giá trị cao hơn gạo Thái
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong tháng 10, giá gạo 5% tấm của Việt Nam là 425-430 USD một tấn, ghi nhận mức cao nhất trong một năm qua. Mức giá này đã khiến gạo Việt cao hơn hàng cùng loại của Ấn Độ khoảng 48-51 USD một tấn và Thái Lan 18-25 USD một tấn.
Việt Nam tiếp tục ghi dấu ấn bởi lần đầu tiên món cơm chiên sử dụng gạo ST25 trở thành "bữa trưa đặc biệt" tại Văn phòng Nội các Nhật Bản. (Nguồn: Báo Biên phòng) |
Giá tăng cao nhất so với 2 đối thủ xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới và 10 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đã đạt hơn 6 triệu tấn, thu về gần 3 tỷ USD, tăng hơn 17% về khối lượng và hơn 7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo các doanh nghiệp, đây không phải là lần đầu tiên giá gạo Việt cao hơn của Thái Lan (đối thủ xuất khẩu lớn nhất cùng phân khúc gạo). Thế nhưng gần đây, gạo Việt có nhiều thay đổi khi ngày càng cải thiện về chất lượng và khẳng định thương hiệu.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), cho hay trước đây gạo Việt xuất khẩu đa phần là hàng gạo bình dân thì nay đã ghi dấu ấn nhiều hơn ở sản phẩm chất lượng cao. "Gạo thơm Việt Nam đi sau Thái Lan nhưng đang phát triển nhiều giống lúa mới nên ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng", ông Bình nói.
Vị này cũng cho biết, giá gạo xuất sang thị trường châu Âu rất cao, 700-1.250 USD mỗi tấn. Mỗi tháng công ty ông xuất khẩu khoảng 30 container gạo sang thị trường này.
Mới đây, giống gạo ngon nhất thế giới của Việt Nam là ST25, ST24, "Gạo Ông Cua Việt Nam" cũng đã được bảo hộ thương hiệu để bán vào Australia.
Cùng thời điểm, Việt Nam tiếp tục ghi dấu ấn bởi lần đầu tiên món cơm chiên sử dụng gạo ST25 trở thành "bữa trưa đặc biệt" tại Văn phòng Nội các Nhật Bản. Tại Pháp, thương hiệu "Cơm Vietnam Rice" được bày bán trên kệ 4.000 siêu thị ở Pháp.
Theo các doanh nghiệp, trong 3 năm tới, Việt Nam vẫn sẽ hưởng lợi khi toàn cầu sắp đối mặt với biến đổi khí hậu, nguồn cung lương thực khan hiếm. Hiện, năng suất sản xuất lúa gạo của Thái Lan đang giảm, trong khi đó, quy mô vụ mùa của Ấn Độ sẽ thấp hơn so với kỳ vọng trước đó do mưa đã làm hư hại các ruộng lúa ở các bang phía Bắc và Đông Bắc. Các trận mưa lớn đã làm hỏng mùa màng ngay trước khi thu hoạch ở các bang sản xuất chính như Uttar Pradesh, Tây Bengal và Andhra Pradesh hồi đầu tháng.
Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới, sau Ấn Độ và Thái Lan. Sản lượng xuất hàng năm khoảng 6-6,5 triệu tấn, bằng 30% của Ấn Độ, chiếm 7,8% giao dịch thương mại toàn cầu và là nước xuất khẩu lớn nhất sang Trung Quốc với 24,5% thị phần. Hiện gạo Việt cũng xuất sang 28 nước và vùng lãnh thổ, trải khắp các châu lục, nhiều nhất là châu Á và châu Âu.