10 tháng qua, xuất khẩu xơ sợi tăng trưởng ấn tượng. (Nguồn: Báo Đầu tư) |
Nguy cơ mất thị trường vì không đủ hàng xuất khẩu
Theo các doanh nghiệp, các biện pháp phòng chống dịch thời gian qua đã trực tiếp hoặc gián tiếp làm khó doanh nghiệp, dẫn đến nguy cơ thua lỗ và nghiêm trọng hơn là mất thị trường khi người mua chuyển sang mua hàng từ các quốc gia khác.
Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, thời gian vừa qua khi các tỉnh/thành phố thực hiện giãn cách để phòng chống dịch theo chỉ thị 16, đến 70% nhà máy chế biến thủy sản phải ngừng sản xuất suốt 2 tháng qua. Chỉ khoảng 30% nhà máy sản xuất cầm chừng theo phương thức “3 tại chỗ”, “1 cung đường - 2 điểm đến”.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP, cho biết, các doanh nghiệp không sắp xếp được chỗ ở cho người lao động trong quá trình thực hiện phương thức sản xuất “3 tại chỗ”, “1 cung đường - 2 điểm đến”; doanh nghiệp bị thiếu hụt lao động do các tỉnh, thành phố thực hiện biện pháp giãn cách xã hội khiến người lao động không thể đi làm; và bị thiếu hụt nguyên liệu, nguyên vật liệu phụ trợ trong chuỗi cung ứng sản xuất xuất khẩu do quá trình vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn khi di chuyển liên tỉnh.
“Những điều này khiến doanh nghiệp đứng trước nguy cơ bị đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, bị mất khách hàng do không cung cấp đủ đơn đặt hàng cho khách hàng”, ông Nam cho hay.
Xuất khẩu xơ sợi thắng lớn
Theo thống kê mới nhất của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), 10 tháng qua, ngành sợi đã xuất khẩu gần 1,6 triệu tấn sợi, đạt kim ngạch 4,497 tỷ USD, tăng 15,1% về sản lượng và tăng tới 52,7% về trị giá so với 10 tháng của năm 2020. Cùng kỳ năm trước, dù xuất 1,38 triệu tấn xơ sợi, nhưng ngoại tệ thu về chỉ đạt 2,945 tỷ USD.
Trên thị trường thế giới, tồn kho sợi ở Trung Quốc và các nước sản xuất dệt may đã cạn kiệt, cùng với lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm có nguồn gốc từ bông Tân Cương của Mỹ đã tác động mạnh đến chuỗi cung - cầu sợi, khiến nhu cầu sợi tăng cao.
Tin liên quan |
Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc: Nhanh chóng thay đổi cách tiếp cận, thích ứng với quy định mới |
Từ đầu năm đến nay, giá sợi cotton có mức tăng mạnh nhất (18 - 20%), tiếp đến là sợi poly-visco (tăng 16 - 17%), sợi poly và sợi pha poly-cotton cũng tăng trên 10%. Được hưởng lợi từ việc giá sợi tăng cao và giá bông đầu vào thấp trước đó, nhiều doanh nghiệp sợi đã công bố lãi đậm.
Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nhận định, mặc dù vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức như sự biến động của giá nguyên phụ liệu, nhu cầu sợi trồi sụt, giá cước vận chuyển tăng cao, nhiều thị trường bị phong tỏa do Covid-19, nhưng thị trường sợi 9 tháng của năm 2021 vẫn duy trì được đà tăng mạnh mẽ, nối tiếp từ cuối năm 2020, mang đến biên lợi nhuận cao cho các doanh nghiệp sản xuất.
Riêng quý III/2021, Vinatex đạt doanh thu bán hàng 4.077 tỷ đồng, tăng 22,9% so với quý III/2020.
9 tháng đầu năm 2021, doanh thu bán hàng đạt 11.137 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế đạt 946 tỷ đồng, tăng 121% so với cùng kỳ và là kết quả cao nhất kể từ khi Tập đoàn chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.
“Tăng trưởng trong quý III/2021 đến từ lĩnh vực sợi. Sau giai đoạn 2019 - 2020 bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh thương mại và dịch bệnh, thị trường sợi trong năm 2021 đã phục hồi mạnh mẽ, các đơn vị sợi trong Tập đoàn đều có kết quả kinh doanh tốt, đóng góp khoảng 60% vào kết quả chung của Vinatex”, ông Hiếu chia sẻ.
Xuất khẩu 10 tấn mía đầu tiên sang thị trường Đức
Ngày 7/11, Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn phối hợp với Công ty Cổ phần phân bón FUSA và Công ty TNHH ĐTTM Tiến Ngân tổ chức lễ xuất hàng chuyến mía đầu tiên từ Hoà Bình sang thị trường Đức.
Chuyến mía đầu tiên từ Hoà Bình xuất sang thị trường Đức có tổng số lượng 10 tấn. Mía do HTX Dịch vụ nông, lâm nghiệp Tùng Dương (Tân Lạc) sản xuất. Công ty TNHH và ĐTTM Tiến Ngân (TP. Hòa Bình) thu mua, sơ chế đóng gói và xuất qua Công ty CP phân bón FUSA. Đối tác bên Đức là Tập đoàn Vĩnh Lợi (công ty của người Việt Nam làm chủ) ở thành phố Hamburg (Đức).
Sản phẩm mía trắng ăn tươi trước khi được xuất sang thị trường Đức đã vượt qua yêu cầu kiểm dịch vô cùng khắt khe, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng tốt nhất. Mía được chọn lọc và thực hiện 2 công đoạn sơ chế, bỏ 100% đầu mấu, cạo vỏ, cắt khúc 35cm, đóng gói vào túi PE (hút chân không) trọng lượng 2,5kg/túi và cấp đông, đóng 10kg/thùng carton, đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn xuất khẩu.
Việc đóng hàng được thực hiện đúng quy cách yêu cầu, chủng loại hàng hóa, đảm bảo tiêu chuẩn ATTP của EU. Việc giao, nhận đảm bảo thực hiện đúng thời gian phía đối tác yêu cầu. Sau 40 ngày, chuyến mía đầu tiên từ Hoà Bình sẽ có mặt tại thị trường Đức.
Dự kiến, từ nay đến cuối năm 2021, Công ty sẽ xuất khẩu thêm 44 tấn mía sang thị trường Anh và Đức nhưng đang gặp khó khăn về tàu và container.
Trung Quốc ngày càng kiểm soát chặt chẽ hàng hóa qua biên giới
Ngày 6/11,Tổ Điều hành Diễn đàn kết nông sản 970 phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật, Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản, Văn phòng SPS Việt Nam… tổ chức Diễn đàn trực tuyến Chia sẻ thông tin, thích ứng với quy định mới trong xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào thị trường Trung Quốc (Lệnh 248 & 249).
Những năm vừa qua, Trung Quốc có nhiều thay đổi trong việc quản lý an toàn thực phẩm và an toàn sinh học đối với thực phẩm và nông sản nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc. Theo đó, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào thị trường Trung Quốc phải tuân thủ Luật An toàn thực phẩm và Luật An toàn sinh học.
Trước đây, sau khi nhận được hồ sơ đăng ký xuất khẩu nông sản của các doanh nghiệp thông qua đầu mối là Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Tổng cục Hải quan Trung Quốc sang Việt Nam để kiểm tra thực địa tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay cơ quan này sẽ đánh giá hồ sơ doanh nghiệp, trước khi tổ chức kiểm tra online. Đây là vấn đề mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang vướng mắc.
Ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, phía Trung Quốc đang ngày càng kiểm soát chặt chẽ hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là giao thương tiểu ngạch cùng với đó là yêu cầu đàm phán mở cửa đối với từng loại sản phẩm. Ngoài ra, phía Trung Quốc đang quản lý sản phẩm nhập khẩu theo hình thức nghị định thư và yêu cầu khai báo mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.
Đáng chú ý, danh mục sinh vật gây hại thực vật của Trung Quốc đưa ra có 500 loài, trong đó có nhiều loài sinh vật gây hại phổ biến, thường đi theo các loại quả xuất khẩu tươi của Việt Nam.
“Các doanh nghiệp cần chú ý để thực hiện biện pháp loại bỏ trước khi xuất khẩu. Công tác đào tạo, phối hợp với các địa phương và xây dựng cơ sở dữ liệu để đẩy mạnh công tác cấp mã số vùng trồng cũng phải đẩy mạnh", ông Đạt nhấn mạnh.
Đến nay, Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt gần 2.000 mã số vùng trồng và gần 1.800 cơ sở đóng gói. Do trái cây tươi, nông sản vẫn là sản phẩm chủ yếu xuất sang Trung Quốc, công tác kiểm dịch, kiểm tra an toàn thực phẩm sẽ bề bộn từ giờ đến cuối năm 2021. Về phía doanh nghiệp, nhiều đơn vị chưa thể hoàn thiện được hồ sơ dù thời gian đăng ký không còn nhiều.
Ấn tượng 15 năm Việt Nam gia nhập WTO
Nhìn lại chặng đường 15 năm được kết nạp là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đến nay (7/11/2006-7/11/2011), Việt Nam đã có một bước tiến dài trên đại lộ hội nhập.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng ấn tượng sau 15 năm Việt Nam gia nhập WTO. (Nguồn: TTXVN) |
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, nếu như năm 2006 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước chỉ ở mức 84,7 tỷ USD; trong đó kim ngạch xuất khẩu là 39,8 tỷ USD và nhập khẩu là 44,9 tỷ USD thì đến năm 2020 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã lên tới 545,3 tỷ USD, tăng 5,3% so với năm 2006; trong đó xuất khẩu đạt 282,6 tỷ USD và nhập khẩu đạt 262,7 tỷ USD.
Riêng 10 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã đạt 537,31 tỷ USD; trong đó xuất khẩu đạt 267,93 tỷ USD và nhập khẩu đạt 269,38 tỷ USD.
Đặc biệt, cán cân thương mại được cải thiện rõ nét, từ mức 14,2 tỷ USD năm 2007 và 3,7 tỷ USD năm 2015. Từ năm 2016 đến nay, cán cân thương mại luôn đạt thặng dư với mức xuất siêu tăng dần qua các năm từ 1,77 tỷ USD năm 2016; 2,1 tỷ USD năm 2017; 6,8 tỷ USD năm 2018; 10,9 tỷ USD năm 2019. Năm 2020, tiếp tục ghi nhận xuất siêu kỷ lục trên 19 tỷ USD.
Hơn nữa, việc khai thác các Hiệp định thương mại tự do cũng góp phần phát triển xuất khẩu nhanh và bền vững, giảm dần phụ thuộc vào một hay một vài thị trường. Tổng kim ngạch xuất khẩu sử dụng các loại C/O ưu đãi theo FTA trung bình đạt 32%-34%/năm. Kết quả này phản ánh doanh nghiệp và hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đang dần nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan tại các thị trường có FTA với Việt Nam.
Nhận định về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhấn mạnh báo cáo Rà soát thống kê thương mại thế giới năm 2020 của WTO đã ghi nhận trong số 50 nước có nền thương mại hàng hóa lớn nhất thế giới, Việt Nam có mức tăng trưởng lớn nhất khi dịch chuyển từ vị trí thứ 39 vào năm 2009 lên vị trí thứ 23 vào năm 2019. Điều này cho thấy Việt Nam là đất nước “mở” sau khi gia nhập WTO và thực thi nghiêm túc các cam kết gia nhập.
| Để tăng tốc trên 'đường cao tốc' EVFTA Sau hơn một năm đi vào triển khai, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đã mang lại nhiều kết quả tích cực, ... |
| 15 năm Việt Nam là thành viên của WTO: Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng hơn 6 lần Ngày 7/11/2006, Việt Nam được kết nạp làm thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Sau 15 năm gia nhập ... |