Người dân xã Xuân Thủy thu hoạch nhãn hương chi chín sớm. (Nguồn: Báo Hòa Bình) |
Nhãn tươi Hòa Bình "lên đường" sang châu Âu
Ngày 11/8, tại xã Xuân Thủy (huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình), Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình đã phối hợp với UBND huyện Kim Bôi và Công ty CP Nông nghiệp hữu cơ FUSA tổ chức xuất khẩu lô hàng 1 tấn quả nhãn tươi Sơn Thủy đầu tiên sang thị trường EU.
Lô hàng 1 tấn nhãn tươi xuất khẩu nói trên do HTX Dịch vụ nông nghiệp Sơn Thủy, xã Xuân Thủy, huyện Kim Bôi sản xuất, được Công ty CP Nông nghiệp hữu cơ FUSA đóng gói và vận chuyển sang thị trường EU bằng đường hàng không.
Tin liên quan |
Xuất khẩu ngày 22-24/7: Tìm cách 'phất cờ' cho trái sầu riêng; Việt Nam thu 29,17 tỷ USD từ xuất khẩu điện thoại, linh kiện |
Trước đó, vào năm 2016, sản phẩm nhãn Sơn Thủy khi được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bảo hộ "Nhãn hiệu tập thể". Tiếp đó, hàng loạt các chứng nhận về an toàn thực phẩm (năm 2016), VietGAP (năm 2019), OCOP (năm 2020) đã giúp thương hiệu nhãn Sơn Thủy vươn xa hơn đến các thị trường trong nước và quốc tế.
Nhãn Sơn Thủy cũng là sản phẩm đầu tiên của tỉnh Hòa Bình được cấp mã số vùng trồng vào năm 2019 và đó là "giấy thông hành" để sản phẩm này được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường quốc tế, trong đó, một trong những thị trường khó tính nhất là EU.
Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình cho biết tất cả những yêu cầu kỹ thuật mà thị trường EU đặt ra với sản phẩm rau quả tươi đã được người trồng nhãn Sơn Thủy hoàn thiện một cách nghiêm ngặt từ năm 2019 đến nay.
Theo kết quả phân tích tại phòng thử nghiệm được chỉ định theo tiêu chuẩn EU, 3 mẫu nhãn Sơn Thủy đều đạt yêu cầu kỹ thuật với 821 chỉ tiêu kiểm định về an toàn thực phẩm của EU.
Như vậy, thị trường EU đã chấp nhận sản phẩm nhãn tươi Sơn Thủy. Đây là thành công từ nỗ lực của người trồng nhãn xã Xuân Thủy, sự đồng hành của doanh nghiệp và sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình.
Hiện diện tích nhãn của toàn xã Xuân Thủy đạt gần 200 ha, riêng HTX dịch vụ nông nghiệp Sơn Thủy có 34 ha.
Ngành NN&PTNT tỉnh Hòa Bình đặt mục tiêu từ nay đến hết vụ nhãn năm 2022 sẽ xuất khẩu 50 tấn nhãn Sơn Thủy sang thị trường EU.
Nhóm hàng tỷ USD giảm tốc
Không còn là dự báo, hoạt động xuất khẩu của một số ngành hàng tỷ USD, thậm chí chục tỷ USD đã có sự sụt giảm đáng kể trong tháng 7/2022. Theo số liệu của Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu tháng 7 đã giảm 7,7% so với tháng 6, đạt 30,3 tỷ USD chủ yếu do sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng nông, lâm, thủy sản và công nghiệp chế biến, chế tạo, với mức giảm tương ứng là 7,4% và 7,2%.
Đây cũng là tháng thứ hai, xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo suy giảm (tháng 6 đã giảm 9,1% so với tháng 5). Giảm nhiều nhất là phân bón các loại, giảm 33,3%; tiếp đến là sắt thép các loại giảm 23,3%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 22,6%; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện giảm 15,4%.
Đồng thời, sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng chiến lược khác như: xơ, sợi dệt các loại giảm 16,4%; gỗ và các sản phẩm gỗ giảm 7,5%; giày dép các loại giảm 2,7%; dây điện và cáp điện giảm 2,3%... đã làm giảm kim ngạch xuất khẩu chung của nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo xuống 16,1%.
Xuất khẩu thủy sản cũng ghi nhận dấu hiệu hạ nhiệt, tăng trưởng chậm lại. Sau nhiều tháng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, xuất khẩu thủy sản trong tháng 7/2022 chững lại, giảm so với tháng 6, chỉ đạt mức dưới 1 tỷ USD.
Nếu xuất khẩu thủy sản tăng 34% trong tháng 5 và tăng 18% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm 2021, thì tháng 7 giảm tốc mạnh hơn, đạt 970 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2021 và giảm 4% so với tháng 6/2022.
Chỉ ra nguyên nhân khiến xuất khẩu thủy sản giảm tốc từ tháng 5 đến nay, bà Lê Hằng, Phó giám đốc Trung tâm Đào tạo và Xúc tiến thương mại Vasep cho biết, thời tiết bất lợi, mưa sớm hơn so với mọi năm làm ảnh hưởng đến sản lượng thủy sản, gây ra dịch bệnh trên tôm nuôi, khiến sản lượng tôm giảm, đồng thời nguồn hàng dự trữ từ năm ngoái cũng đã cạn dần.
Dù sự suy giảm trên chưa ảnh hưởng đến xuất khẩu của cả nước trong 7 tháng, nhưng nếu không chặn được đà giảm, sẽ kéo giảm tốc độ tăng trưởng của những tháng tới. Đơn cử, nếu 6 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng xuất khẩu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 17%, thì sau 7 tháng chỉ còn 16,1%.
Trước những rủi ro hiện hữu tác động đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu, Bộ Công thương cho hay, toàn ngành vẫn tập trung để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 8%. Sự giảm tốc của một số ngành hàng trong tháng 7 chưa đáng lo ngại.
Xuất khẩu hạt điều "gặp khó"
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu Tổng cục Hải quan cho biết, ước tính, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam trong tháng 7/2022 giảm 3,2% về lượng và giảm 8,7% về trị giá so với tháng 6/2022, so với tháng 7/2021 giảm 17,5% về lượng và giảm 26,1% về trị giá. Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hạt điều đạt 294 nghìn tấn, trị giá 1,76 tỷ USD, giảm 10,5% về lượng và giảm 12,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) chia sẻ, dịch bệnh Covid-19, giá cước vận chuyển tăng khiến cho nhiều đơn hàng đã ký kết trong năm 2021 nhưng vẫn không giao được, phải tồn đọng sang năm 2022.
Tin liên quan |
Xuất khẩu ngày 12-15/10: Việt Nam là nhà cung hạt điều số 1 ở Mỹ, thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, vì sao giá gạo tăng mạnh? |
Đáng chú ý, mặc dù giá xuất khẩu bình quân đạt khoảng 5.792 USD/tấn, tăng 1,45% so với cùng kỳ năm 2021. Thế nhưng, giá nhập khẩu điều thô từ châu Phi từ đầu vụ đến nay đã tăng 15-20% so với cùng kỳ. Giá xuất khẩu tăng nhưng chưa bắt kịp đà tăng giá nhập khẩu nguyên liệu khiến các nhà nhập khẩu và chế biến đang có xu hướng chậm mua nguyên liệu.
Theo thông tin mới nhất của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến ngày 15/7, cả nước nhập khẩu gần 1,26 triệu tấn, kim ngạch gần 1,84 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng nhập khẩu giảm hơn 670 nghìn tấn, tương đương giảm 34,82%; trong khi kim ngạch giảm tới 37%, tương đương 1,077 tỷ USD.
Lạm phát tăng cao tại nhiều nền kinh tế lớn toàn cầu khiến người dân thắt chặt chi tiêu, đặc biệt đối với các sản phẩm có giá thành cao. Dự báo xuất khẩu hạt điều của Việt Nam trong các tháng cuối năm 2022 sẽ vẫn gặp khó khăn.
Pháp là thị trường nhập khẩu hạt điều lớn thứ 3 tại EU. Mặc dù đang có lợi thế về thuế nhờ Hiệp định EVFTA, nhưng ngành điều Việt Nam chưa khai thác tốt thị trường này. Theo Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), 5 tháng đầu năm 2022, thị phần hạt điều của Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Pháp giảm từ 64,95% trong 5 tháng đầu năm 2021 xuống 63,68% trong 5 tháng đầu năm 2022.
Theo Tham tán Thương mại Việt Nam tại Pháp, tính cạnh tranh của hạt điều Việt Nam tại thị trường này chưa cao. Tại các siêu thị, đại siêu thị của Pháp chưa có sản phẩm hạt điều mang thương hiệu Việt Nam. Đa phần doanh nghiệp mới chỉ tập trung bán sỉ mà chưa quan tâm phát triển thương hiệu.
Để nâng cao giá trị sản phẩm và gia tăng thị phần hạt điều Việt Nam tại Pháp, Hiệp định EVFTA là công cụ tốt nhưng ngoài quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan, đáp ứng các quy định của EU và Pháp là tối quan trọng.
Hệ thống pháp luật liên quan đến thực phẩm của EU và Pháp khá phức tạp, có quy định riêng về độc tố nấm mốc, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hàm lượng kim loại nặng, chất ô nhiễm vi sinh. Trước khi đưa hàng hoá vào thị trường Pháp, doanh nghiệp nên tìm văn phòng luật sư hỗ trợ trong việc cập nhật thông tin mới nhất, xây dựng hợp đồng và trong quá trình giao dịch để tránh rủi ro.
Việt Nam nhập siêu gần 2 triệu tấn thép
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 7/2022, xuất khẩu sắt thép các loại của Việt Nam đạt mức 613.454 tấn, giảm 28,7% so với tháng 6.
Trong khi đó, nhập khẩu sắt thép lên tới 909.245 tấn, giảm 26,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng luỹ kế từ đầu năm, xuất khẩu sắt thép giảm mạnh hơn 22% trong khi nhập khẩu suy yếu gần 8%.
Sản xuất thép tấm tại Công ty TNHH Siam Steel Viet Nam, khu công nghiệp Hải Dương. (Nguồn: TTXVN) |
Như vậy, cả nước đã nhập siêu 295.791 tấn thép trong tháng 7.
Tính chung 7 tháng đầu năm nay, Việt Nam vẫn đang nhập siêu gần 2 triệu tấn sắt thép các loại.
Trong những năm gần đây, ngành sản xuất thép trong nước đã có những bước phát triển đáng kể. Đặc biệt, việc hàng loạt các FTA có hiệu lực đã góp phần giúp ngành thép tăng trưởng xuất khẩu.
Tuy nhiên, hạn chế của ngành thép là hiện vẫn bị phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.
Trước đó, trong năm 2021, Việt Nam đã nhập khẩu 12,31 triệu tấn sắt thép các loại, chủ yếu là từ Trung Quốc khi thị trường này chiếm đến 41,38% tổng lượng thép nhập khẩu. Các quốc gia tiếp theo cung cấp thép cho Việt Nam là Nhật Bản (14,51%), Hàn Quốc (13,63%), Ấn Độ (12,2%).
Hạn chế lớn nhất của ngành thép là mới chỉ đáp ứng được nhu cầu xây dựng, còn thép trong lĩnh vực chế tạo, chế biến, cơ khí, hoặc công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa thể đáp ứng được.
Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào của ngành này đa phần phải nhập khẩu, nên giá thành sản phẩm sẽ phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thị trường nước ngoài. Đây vẫn là một trong những thách thức lớn của ngành sản xuất thép Việt Nam trong thời gian tới.
| Loại vaccine được xuất khẩu nhiều nhất trong lịch sử của Nga Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga (RDIF) Kirill Dmitriev cho biết, Sputnik V đã trở thành loại vaccine được xuất ... |
| Xuất siêu 7 tháng vọt lên 1,08 tỷ USD Theo dữ liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 7 tháng đạt 433,6 tỷ USD, xuất ... |