Hàng Việt sang thị trường Bắc Âu khởi sắc
Theo Bộ Công Thương, trước đây, các nước Bắc Âu chưa đầu tư nhiều tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp Đan Mạch đang có xu hướng chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam. Nếu chỉ tính riêng đầu tư mới trong 6 tháng đầu năm 2022, Đan Mạch vươn lên thứ ba trong số các nước đầu tư vào Việt Nam, chỉ sau Singapore và Hàn Quốc, với tổng vốn là 1,3 tỷ USD.
Số liệu của Hải quan Việt Nam cũng cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa Việt Nam và Bắc Âu (trừ Phần Lan không tính vì không thuộc Thương vụ Thụy Điển phụ trách) đạt 1,6 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực này đạt 1,1 tỷ USD, tăng 25,1%.
Thủy sản là một trong những mặt hàng Việt Nam được thị trường Bắc Âu ưa chuộng. (Nguồn: Tạp chí Công Thương) |
Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển kiêm nhiệm thị trường Bắc Âu Nguyễn Hoàng Thúy cho biết, thủy sản, gạo, dệt may, da giày… đặc biệt là cá tra là những mặt hàng Việt Nam được thị trường Bắc Âu ưa chuộng.
“Doanh nghiệp khu vực Bắc Âu thường mua gạo Japonica từ các nước trong khu vực EU như Tây Ban Nha, Italy, hoặc nhập khẩu từ Nhật Bản, Mỹ. Tuy nhiên, khi được giới thiệu và nhập khẩu thử, các doanh nghiệp đều hào hứng với gạo của Việt Nam do giá chỉ bằng 1/3-1/2 nhưng chất lượng không thua kém”, bà Nguyễn Hoàng Thúy thông tin.
Thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển cho biết, các nước Bắc Âu luôn đi đầu trong vấn đề biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Vì vậy, người tiêu dùng Bắc Âu sẵn sàng trả cao hơn từ 20% đến 50% cho các sản phẩm có chứng nhận bảo vệ môi trường hay trách nhiệm xã hội, phát triển bền vững...
Đối với thực phẩm, người tiêu dùng ngày càng có xu hướng tiêu thụ thực phẩm hữu cơ. Còn đối với các sản phẩm tiêu dùng hằng ngày, họ có xu hướng chọn các sản phẩm đơn giản, tiện dụng, dùng được nhiều lần, sử dụng các nguyên vật liệu tái chế...
Một xu hướng nữa của người tiêu dùng Bắc Âu vốn có thu nhập cao nhất thế giới là các sản phẩm đặc sản, mới lạ, có lợi cho sức khỏe; có xu hướng giảm các sản phẩm sử dụng bao bì nhựa, thay thế bằng bao bì thân thiện với môi trường.
Thời gian qua, các doanh nghiệp Việt Nam thường chọn đưa hàng vào thị trường Bắc Âu thông qua các nhà nhập khẩu trung gian lớn tại Đức, Pháp, Bỉ, Hà Lan và Ba Lan. Vì vậy, theo bà Nguyễn Hoàng Thúy, để nâng cao hiệu quả hoạt động thương mại, vấn đề đặt ra cho công tác phát triển thị trường Bắc Âu trong thời gian tới cần phải có hướng tiếp cận mới.
Nhiều loại trái cây xuất khẩu đồng loạt tăng giá
Nhiều loại trái cây xuất khẩu của Việt Nam đang được các thương lái thu mua với giá cao hơn trước, nhờ việc thông thương cửa khẩu phía bắc thuận lợi.
Ngày 6/8, một số vựa thu mua mít Thái tại khu vực Tiền Giang, Đồng Tháp báo giá xuất khẩu loại 1 lên đến 23.000 đồng/kg, loại 2 là 10.000 đồng/kg, tăng khoảng 3.000 đồng/kg so với vài ngày trước.
Tin liên quan |
Lô xoài Việt Nam đầu tiên "lên đường" sang Hoa Kỳ |
Giá dưa hấu xuất khẩu cũng tăng khá cao ở thời điểm hiện tại, dưa hấu bao cước vận chuyển tại khu vực Hà Nội loại 1 từ 11.000-12.000 đồng, loại 2: 8.000 đồng/kg.
Thanh long Bình Thuận ngày 6/8 đang hạ thấp một chút so với tuần trước nhưng vẫn còn khá cao, giá thu mua tại vựa hàng đẹp từ 17.000-18.000 đồng/kg. Nhu cầu thu mua của thương lái cũng tăng cao hơn trước để đáp ứng lượng hàng xuất khẩu cũng như tiêu thụ nội địa vào dịp rằm tháng 7 Âm lịch.
Một số chủ vườn cho biết cách đây vài ngày giá thanh long đã lên đến trên 20.000 đồng/kg, tuy nhiên hiện chưa phải là thời điểm thu hoạch rộ nên không có nhiều sản lượng.
Theo Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, tình hình xuất khẩu nông sản sang cửa khẩu biên giới phía bắc hiện tại khá thông thoáng, bình quân mỗi ngày có trên 150 xe xuất khẩu, tổng số container còn tồn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn còn khoảng 300 xe. Nhu cầu tiêu thụ ở Trung Quốc tăng lên đã khiến giá thu mua trong nước khởi sắc.
Tháng 7, cả nước xuất siêu 74 triệu USD
Thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 7, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt 61,14 tỷ USD, giảm 5,3% so với tháng trước (tương ứng giảm 3,93 tỷ USD).
Trong đó, xuất khẩu đạt 30,61 tỷ USD, giảm 6,8% (tương ứng giảm 2,23 tỷ USD) và nhập khẩu đạt 30,53 tỷ USD, giảm 5,3% (tương ứng giảm 1,7 tỷ USD).
Như vậy, tính chung 7 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt 433,6 tỷ USD, tăng 15,3%, tương ứng tăng 57,45 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó xuất khẩu đạt 217,34 tỷ USD, tăng 16,6% (tương ứng tăng 30,92 tỷ USD) và nhập khẩu đạt 216,26 tỷ USD, tăng 14% (tương ứng tăng 26,53 tỷ USD).
Như vậy, trong tháng 7, cả nước xuất siêu 74 triệu USD, tính chung trong 7 tháng cán cân thương mại thặng dư 1,08 tỷ USD.
Theo Bộ Công Thương, kết quả xuất nhập khẩu thời gian vừa qua đến từ nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc tận dụng, nhanh chóng khai thác thị trường xuất khẩu ngay sau khi nhu cầu được phục hồi khi các nước dần kiểm soát được đại dịch Covid-19.
Các doanh nghiệp cũng tận dụng tốt cơ hội để xuất khẩu sang các thị trường đối tác trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới tiếp tục trong bối cảnh các FTA đã thực thi được một thời gian, các doanh nghiệp đã dần thích nghi với các cam kết của Hiệp định.
Cho dù xuất khẩu 7 tháng năm 2022 đã đạt được những kết quả tích cực, song Bộ Công Thương cũng đưa ra dự báo từ nay đến cuối năm, hoạt động xuất khẩu sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là khi các thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn của Việt Nam như Mỹ, EU chịu ảnh hưởng của lạm phát và suy thoái dẫn đến giảm nhu cầu tiêu thụ, đặc biệt là đối với các mặt hàng tiêu dùng, gia dụng… sẽ ảnh hưởng đến các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Bên cạnh đó, nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng, giá cước vận tải tăng mạnh do giá xăng dầu tăng cao cũng gây bất lợi cho hoạt động xuất khẩu. Lo ngại hơn, trong thời gian tới, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với giá nguyên, nhiên, vật liệu nhập khẩu tăng cao sẽ tác động đến giá hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Nhằm tạo đà cho xuất khẩu trong những tháng cuối năm, đặc biệt là khai thác tốt tại những thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản... bên cạnh các hoạt động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã yêu cầu các đơn vị chức năng tăng cường kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết để tìm kiếm thị trường mới.
Các chuyên gia dự báo, năm 2022, nếu không có yếu tố bất thường xảy ra, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước có thể vượt mốc 700 tỷ USD.
Ngành thép Việt Nam lại gặp khó
Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã thông báo khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm ống thép - chủ yếu thuộc mã HS 7306.61 và 7306.30 nhập khẩu từ Việt Nam. Thông tin từ Cục Phòng vệ Thương mại cho biết.
Nguyên đơn trong vụ việc này gồm các doanh nghiệp sản xuất ống thép lớn tại Mỹ (như Nucor Corporation, Bull Moose Tube, Maruichi Steel Corporation…) cáo buộc Việt Nam nhập khẩu thép cán nóng (HRS), vốn là nguyên liệu chính để sản xuất ra ống thép từ Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Ấn Độ sau đó gia công, chế biến đơn giản thành ống thép và xuất sang Mỹ nhằm lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại tương ứng mà Mỹ đang áp dụng với Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Ấn Độ.
DOC đã thông báo khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm ống thép từ Việt Nam. (Nguồn: Vietnamfinance) |
Trước đó, tháng 5 vừa qua, Mỹ đã nhận đơn đề nghị điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại với một số sản phẩm ống thép Việt Nam.
Mỹ đã áp thuế chống bán phá giá ống thép dạng vuông/chữ nhật và ống thép carbon dạng tròn có đường hàn, nhập từ Trung Quốc với mức lần lượt là hơn 69-86% và 249-265%; áp thuế chống trợ cấp là 30-616% và 2,2- 201% từ năm 2008. Với Hàn Quốc, mức thuế chống bán phá giá ống thép carbon dạng tròn được Mỹ áp là 4,91-11,63% từ 1992.
Theo dữ liệu của Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC), trong năm ngoái, tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm bị đề nghị điều tra của Việt Nam sang Mỹ khoảng 57,6 triệu USD.
Tính đến hết năm 2021, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã là đối tượng của 208 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài. Trong đó, số vụ việc điều tra từ năm 2011 đến nay là 161 vụ, chiếm tỷ lệ 77%.
Mỹ là quốc gia có số vụ điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với hàng hoá xuất khẩu Việt Nam với 41 vụ, Ấn Độ là 28 vụ, Thổ Nhĩ Kỳ 24 vụ, Canada 18 vụ, Indonesia 11 vụ, Malaysia 10 vụ, Thái Lan 8 vụ…
Một trong những nguyên nhân lý giải cho thực trạng trên là do mức độ hội nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam với thế giới. Quy mô xuất khẩu của nền kinh tế trong năm 2021 gần 340 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020, còn 7 tháng đầu năm nay đã vượt 200 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ.
Theo quy định pháp luật của Mỹ, các bên có liên quan có thời hạn 30 ngày kể từ ngày khởi xướng để nộp bản bình luận và cung cấp thông tin phản biện tới cơ quan điều tra Mỹ.
Trong vòng 300 ngày kể từ khi khởi xướng, DOC phải ra kết luận cuối cùng của vụ việc, có thể gia hạn, nhưng tổng thời gian không quá 365 ngày.
Để đảm bảo lợi ích chính đáng, Cục Phòng vệ Thương mại khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm ống thép liên quan tiếp tục nghiên cứu, nắm vững quy định, trình tự thủ tục điều tra chống lẩn tránh thuế của Mỹ.
Đồng thời, thực hiện đúng và đầy đủ các yêu cầu của cơ quan điều tra Mỹ; phối hợp với Cục Phòng vệ thương mại trong suốt quá trình của vụ việc.
| Xuất khẩu của Trung Quốc bất ngờ 'bứt tốc' Trong tháng Bảy, tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc bất ngờ tăng nhanh, tạo ra sự thúc đẩy đáng khích lệ cho nền kinh ... |
| Bức tranh 2 năm thực thi EVFTA: Hai mảng màu sáng – tối Bên cạnh những “trái ngọt” thu được sau 2 năm Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức đi ... |