Bản tin xuất khẩu: Thanh long Bình Thuận là nông sản thứ 2 của Việt Nam sau vải thiều Lục Ngạn được cấp Bằng chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. (Nguồn: Healthifyme) |
Giá gạo xuất khẩu tăng tuần thứ 5 liên tiếp
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam kéo dài đà tăng sang tuần thứ 5 liên tiếp nhờ nhu cầu nội địa cao tiếp tục khiến giá thu mua tăng. Trong khi đó, nguồn cung hạn chế đẩy giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ, nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới, tăng mạnh.
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã tăng lên 430-435 USD/tấn, gần mức cao nhất ba tháng (425-430 USD/tấn) trong tuần trước.
Nông dân tại vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu thu hoạch vụ Thu Đông, vốn dự kiến đạt cao điểm vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11 tới.
Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm của nước này tăng lên 385-420 USD/tấn so với mức 385-386 USD/tấn trong tuần trước, với lý do chủ yếu là đồng Baht tăng giá nhẹ.
Xuất khẩu khoảng 3,7 triệu tấn ngũ cốc trong giai đoạn tháng 1-9, Thái Lan đang trên đà xuất 6 triệu tấn gạo trong năm nay, nhờ nhu cầu từ thị trường tăng trở lại.
Thanh long Bình Thuận có “giấy thông hành” vào Nhật Bản
Ngày 7/10, sau hơn 3 năm nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) đã chính thức cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với thanh long Bình Thuận. Đây là nông sản thứ 2 của Việt Nam sau vải thiều Lục Ngạn được cấp Bằng chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.
Đăng ký chỉ dẫn địa lý có thể coi như "giấy thông hành" để vào thị trường Nhật Bản nói riêng, thế giới nói chung.
Việc được cấp đăng ký chỉ dẫn địa lý có ý nghĩa khẳng định uy tín thanh long Bình Thuận vào thị trường Nhật Bản, mở ra nhiều cơ hội mới cho việc xuất khẩu, tiêu thụ thanh long Bình Thuận ở nhiều thị trường khác nhau, nhất là tại các thị trường khó tính (châu Âu, Hàn Quốc, New Zealand,…).
Từ đây cũng cho thấy, vai trò của sở hữu trí tuệ, vốn được coi là công cụ hỗ trợ cho các sản phẩm Việt Nam có thêm lợi thế cạnh tranh và xuất khẩu.
Dù là thông tin đáng mừng, song ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) nhận định, việc thanh long Bình Thuận được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý thành công tại Nhật Bản mới chỉ là bước đầu tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm này đến với thị trường.
Các hoạt động quản lý chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận sau bảo hộ sẽ tiếp tục là thách thức lớn cho các cấp, các ngành của tỉnh Bình Thuận.
Khó khăn lớn nhất là việc nhanh chóng kiện toàn năng lực của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý, Hội sản xuất và tiêu thụ thanh long Bình Thuận.
Bên cạnh đó, nhận thức của người nông dân nhằm tuân thủ một cách chặt chẽ quy trình trồng và sản xuất thanh long, đảm bảo tính chất/chất lượng đặc thù của sản phẩm và tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu sang Nhật cũng cần được nâng cao và liên tục giám sát…
Xuất khẩu thủy sản bị tổn thương
Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), việc nới lỏng giãn cách từ giữa tháng 9/2021 đã giúp doanh nghiệp thủy sản phục hồi sản xuất một phần. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 9/2021 chỉ đạt trên 628 triệu USD, giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, trong tháng 9, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành đều giảm mạnh. Cụ thể, xuất khẩu cá tra giảm 36%, cá biển các loại giảm 65%, tôm giảm 21%, cá ngừ và bạch tuộc giảm lần lượt là 14% và 12%.
Tháng 9, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ đã hồi phục với mức tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ, đạt 159 triệu USD. Xuất khẩu sang các thị trường khác tiếp tục giảm, trong đó giảm mạnh nhất là Trung Quốc (giảm gần 50%), Nhật Bản, Canada, Anh, Australia đều có mức giảm từ 35-45%.
Tin liên quan |
Chuyên gia Đỗ Cao Bảo: Chống dịch là cách tốt nhất để ‘giữ chân’ FDI, thu hút dự án mới |
Tương tự, xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) và Nga giảm trên 15%, sang Hàn Quốc giảm 5%.
Tính đến hết quý III/2021, xuất khẩu thủy sản của cả nước chỉ thu về 6,2 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Song, với diễn biến đại dịch Covid-19 vẫn căng thẳng cùng tình trạng xáo trộn lao động giữa các tỉnh, thành, VASEP nhận định, tình hình sản xuất, chế biến và xuất khẩu thủy sản trong tháng 10 tiếp tục bị gián đoạn, kim ngạch xuất khẩu dự báo sẽ tiếp tục sụt giảm so với cùng kỳ, dù mức giảm có thể thấp hơn so với tháng 8 và tháng 9.
Theo Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thuỷ sản (Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn), lĩnh vực chế biến xuất khẩu thuỷ sản gặp khó khăn và tổn thương nặng nề sau hơn 2 tháng giãn cách xã hội.
Đến đầu tháng 9, có 176/449 cơ sở ngừng sản xuất. Tổng công suất các nhà máy hoạt động chỉ đạt khoảng 30-40%.
Thép Việt Nam sang Philippines không bị áp thuế tự vệ
Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Thương mại và Công nghiệp Philippines (DTI) vừa thông báo dừng điều tra 3 vụ việc tự vệ toàn cầu đối với một số sản phẩm thép nhập khẩu bao gồm thép mạ kẽm, thép mạ hợp kim nhôm kẽm, thép phủ màu.
Theo Cục Phòng vệ thương mại, các vụ việc tự vệ toàn cầu mà Philippines tiến hành thời gian qua tập trung vào một số sản phẩm thép nhập khẩu từ các nước, trong đó có Việt Nam, bao gồm thép mạ kẽm, thép mạ hợp kim nhôm kẽm, thép phủ màu.
Vụ việc được DTI khởi xướng điều tra vào ngày 15/6/2020, sau khi ngành sản xuất trong nước nộp đơn kiện cáo buộc hàng hóa nhập khẩu từ các nước tăng đột biến, là nguyên nhân gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất nội địa Philippines.
Tại thời điểm Philippines thông báo khởi xướng điều tra đối với các sản phẩm thép, Cục Phòng vệ thương mại đã có thư gửi Cục Nhập khẩu thuộc DTI bày tỏ quan ngại về vụ việc và đề nghị Cơ quan điều tra của Philippines tuân thủ nghiêm túc các điều kiện khởi xướng điều tra và áp dụng biện pháp tự vệ theo quy định tại Hiệp định Tự vệ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Cục Phòng vệ thương mại cũng yêu cầu Cơ quan điều tra Philippines cần xem xét các số liệu nhập khẩu cập nhật nhất khi phân tích, đánh giá việc nhập khẩu có gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước hay không.
Theo các số liệu nhập khẩu cập nhật, Cục Phòng vệ thương mại cho rằng, kim ngạch nhập khẩu các sản phẩm thép mạ kẽm, thép mạ nhôm kẽm và thép phủ màu của Philippiness từ Việt Nam ở mức không đáng kể, đủ điều kiện để được loại trừ khỏi các biện pháp tự vệ của Philippines căn cứ theo quy định.
Như vậy, với kết luận mới này của DTI, các doanh nghiệp xuất khẩu thép sang Philippines vẫn có thể tiếp tục hoạt động xuất khẩu mà không bị ảnh hưởng bởi nguy cơ Philippines áp thuế tự vệ đối với các sản phẩm này.
| Hàng dệt may Việt Nam có nguy cơ bị EAEU áp dụng biện pháp phòng vệ ngưỡng; nhập khẩu ô tô tháng 9/2021 thấp kỷ ... |
| Xuất khẩu ngày 2-4/10: Giá gạo bật tăng, tin vui cho ngành gỗ, 5 điều lưu ý khi kinh doanh tại EU Tin vui cho ngành gỗ Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng lên mức cao, 5 điều cần ... |