Nhỏ Bình thường Lớn

“Xuất khẩu” văn hóa kiểu Nhật

Trong số các nước châu Á, Nhật Bản có lẽ là nước đã thành công nhất trong việc “xuất khẩu” các hình ảnh văn hóa mang tính thương hiệu, mà mỗi khi nó xuất hiện, lập tức khiến người ta nghĩ ngay đến nền văn hóa Nhật. Cùng với các biểu tượng mang tính truyền thống như hoa anh đào, trà đạo, các môn võ thuật Sumo, Judo, Karate, Kendo..., Nhật Bản còn đặc biệt thành công với việc xây dựng các “đại sứ thiện chí” là các nhân vật hoạt hình và truyện tranh được yêu thích khắp thế giới.
Hình ảnh nhân vật hoạt hình Doremon được bảo hộ bản quyền trên khắp thế giới và được sử dụng một cách tích cực trong các chiến dịch phổ biến văn hoá N

Trong chuyến thăm Nhật hồi tháng 5/2009, Thủ tướng Nga Putin đã giới thiệu cuốn sách Học judo với Vladimir Putin mà ông là đồng tác giả. Việc này khiến người ta nhớ lại cựu Tổng thống Pháp Chirac cũng là người có tình yêu đặc biệt với môn võ sumo của xứ sở Mặt trời mọc.

Cựu Tổng thống Nga Putin còn khiến người ta ngạc nhiên khi biết ông là một trong những người nước ngoài hiếm hoi được đeo đai đen và từng đánh bại chính thầy dạy của mình. Cũng chính nhờ có học trò là nguyên thủ nước ngoài, nên võ sư người Nhật của ông Putin đã được Chính phủ Nhật tặng Huân chương Mặt trời mọc vì thành tích xuất sắc trong phổ biến bản sắc văn hóa đất nước.

Việc thúc đẩy ngoại giao văn hóa được người Nhật thực hiện rất nghiêm túc. Bắt đầu từ thập kỷ 80, Nhật Bản đã coi xuất khẩu văn hóa là một trong những phương tiện chủ yếu trong quá trình thực hiện mục tiêu nước lớn về chính trị. Ngay từ thời nội các Ohira (1978-1980), chính phủ Nhật đã tuyên bố nâng “chiến lược văn hóa” lên tầm cao chiến lược đảm bảo an ninh quốc gia. Gần một thập kỷ sau, đến thời nội các Takesita, Nhật càng coi trọng giao lưu văn hóa, coi định vị giao lưu văn hóa là một trong ba trụ cột lớn của ngoại giao Nhật Bản.

Ở Nhật người ta nói đến khái niệm các sản phẩm văn hóa “hệ thị giác”, để chỉ các truyện tranh và phim hoạt hình - những sản phẩm văn hóa có lúc đã trở thành các món quà ngoại giao rất ý nghĩa. Trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Nhật Aso và Tổng thống Nga Medvedev bên lề Hội nghị APEC tại Peru, tháng 11/2008, nhà lãnh đạo Nhật đã tặng con trai của Tổng thống Nga một mô hình bay phỏng theo hình ảnh nhân vật truyện tranh nổi tiếng của Nhật là chú robot Doremon.

Ít ai biết được rằng các nhà làm phim hoạt hình Nhật Bản đang lấy hình ảnh đó để sản xuất một bộ phim hoạt hình “liên doanh” với hai nhân vật chính là chú robot Doremon nổi tiếng của Nhật và chú mèo Dorofej của gia đình ông chủ điện Kremlin Medvedev.

Số là trước đó, từ lúc chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh G8 tại đảo Hokaido Hè năm 2008, các nhà ngoại giao Nhật đã chú ý đến sở thích truyện tranh Nhật của cậu con trai của Tổng thống Medvedev. Và món quà tại Hội nghị Hokaido của nhà lãnh đạo Nhật nhờ đệ nhất phu nhân Nga chuyển cho cậu con trai là một chú thú bông Doremon. Điều này khiến đệ nhất phu nhân Nga vô cùng ngạc nhiên, sau đó chính bà đã nêu ý tưởng sản xuất bộ phim hoạt hình nói trên. Trong buổi gặp gỡ với Đại sứ quán Nhật tại Mátxcơva ít lâu sau, đích thân phu nhân Svetlana đã nhắc lại ý tưởng này.

Bộ Ngoại giao Nhật còn chính thức “bổ nhiệm” Doremon làm Đại sứ thiện chí của đất nước Mặt trời mọc. Hình ảnh nhân vật hoạt hình này được bảo hộ bản quyền trên khắp thế giới và được sử dụng một cách tích cực trong các chiến dịch phổ biến văn hoá Nhật tại nước ngoài. Chính Thủ tướng Nhật Aso là “fan” cuồng nhiệt của truyện tranh. Hàng ngày, trong cốp xe riêng của ông đều có cuốn truyện tranh mới xuất bản, mỗi tuần dù bận đến mấy ông cũng đọc vài chục cuốn truyện tranh.

Tại Nhật Bản, phim hoạt hình và truyện tranh được coi là ngành công nghiệp phát triển và quảng bá văn hóa. Xuất khẩu truyện tranh và hoạt hình đem lại doanh thu chiếm hơn 10% GDP Nhật Bản. Lấy thị trường Mỹ làm ví dụ, năm 2003, tổng thu nhập từ phim hoạt hình và các sản phẩm liên quan mà Nhật bán sang Mỹ đạt trên 4,3 tỷ USD.

Nhật Bản cũng rất coi trọng đào tạo nhân tài truyện tranh hoạt hình. Đến nay, Nhật Bản đã có 15 trường đại học mở chuyên ngành truyện tranh. Trường đi tiên phong trong lĩnh vực này là Đại học Kyoto Seika, đại học này đã nâng truyện tranh thành “khoa truyện tranh”. Thậm chí Đại học nghệ thuật Tokyo còn mở hệ đào tạo sau đại học về chuyên ngành hoạt hình. Nhờ đó mà văn hóa “hệ thị giác”, gồm truyện tranh, phim hoạt hình của Nhật Bản có sức hút kỳ lạ, đặc biệt đối tượng thanh thiếu niên.

Nhất Lam